TP Hải Dương - đô thị hiện đại trong vùng đồng bằng sông Hồng

22/10/2019 22:37

TP Hải Dương đã trở thành một đô thị hiện đại với những bước tiến vượt bậc về mọi mặt, xứng đáng là đầu tàu kinh tế, trung tâm chính trị, hành chính, văn hóa của cả tỉnh.

Sau 10 năm được công nhận đô thị loại II, TP Hải Dương nay đã trở thành một đô thị hiện đại

Nằm trên hành lang kinh tế Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh, kề sát vành đai kinh tế ven biển vịnh Bắc Bộ, TP Hải Dương có vị trí quan trọng và ưu thế lớn trong giao lưu, trao đổi thương mại với Thủ đô Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh và các địa phương trong vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Phát huy lợi thế sẵn có, thành phố đã tập trung khai thác mọi nguồn lực, đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, mở rộng quy mô, tăng cường quản lý và xây dựng văn hóa đô thị, đưa Hải Dương trở thành đô thị loại I.

Đô thị hiện đại trong vùng đồng bằng sông Hồng

TP Hải Dương trước đây từng bị ví là “thị xã đi qua” bởi khi ấy, thành phố chưa đủ sức hấp dẫn để giữ chân người đi qua, nhất là với khách du lịch và các nhà đầu tư. Nhưng giờ đây, sau 10 năm được công nhận đô thị loại II (năm 2009), TP Hải Dương đã trở thành một đô thị hiện đại trong vùng đồng bằng sông Hồng với những bước tiến vượt bậc về mọi mặt, xứng đáng là đầu tàu kinh tế, trung tâm chính trị, hành chính, văn hóa của cả tỉnh.

Để phấn đấu trở thành đô thị loại I, thành phố đã tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế, làm tốt công tác quy hoạch, tích cực cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi để thu hút các dự án có vốn đầu tư lớn, công nghệ hiện đại.

- Tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế

Từ năm 2015 đến nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình của thành phố đạt 13,6%/năm. Thành phố đã hoàn thành mục tiêu tăng dần tỷ trọng dịch vụ, công nghiệp, xây dựng và giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, thủy sản. Giá trị sản xuất công nghiệp-xây dựng tăng bình quân 14,1%/năm. Giá trị hàng xuất khẩu tăng bình quân 15,4%/năm.

Thành phố hiện có 3 khu công nghiệp là Đại An, Nam Sách, Kỹ thuật cao An Phát và 6 cụm công nghiệp là Cẩm Thượng, tây Ngô Quyền, Việt Hòa, Ba Hàng, Ngọc Sơn và Thạch Khôi-Gia Xuyên. Hoạt động của các doanh nghiệp trong khu, cụm công nghiệp đã góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, trở thành nhân tố chủ lực cho sự phát triển của kinh tế thành phố.

Lĩnh vực thương mại, dịch vụ phát triển với tốc độ cao hơn công nghiệp, bình quân 16%/năm. Nhiều ngành có tốc độ tăng trưởng khá cao như ngân hàng, bảo hiểm, viễn thông, du lịch, khách sạn… Thành phố hiện có 11 siêu thị, với chủng loại hàng hóa đa dạng, chất lượng cao. Các cửa hàng tiện ích phát triển nhanh bên cạnh hệ thống cửa hàng bán lẻ truyền thống đáp ứng nhu cầu mua bán hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống của nhân dân.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, giá trị sản phẩm trên 1 ha đất trồng trọt và nuôi thủy sản luôn tăng khá với tốc độ tăng trưởng đạt bình quân 5,1%/năm. Trong những năm qua, nông nghiệp thành phố tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực. Cơ cấu nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng ngành chăn nuôi, dịch vụ. Một số vùng sản xuất tập trung, nhiều chuỗi liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm được xây dựng góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh trên thị trường.

- Tích cực cải cách thủ tục hành chính

Xác định cải cách hành chính là nhiệm vụ trọng tâm của giai đoạn hiện nay và là điều kiện quan trọng thúc đẩy sự phát triển của địa phương, TP Hải Dương đã và đang tập trung nguồn lực thực hiện đồng thời nhiều giải pháp cải cách hành chính, người dân và doanh nghiệp.

Bên cạnh quan tâm nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ phận “một cửa”, thành phố cũng chú trọng tuyên truyền đến người dân và doanh nghiệp, rà soát đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính.

Thành phố đã triển khai số hóa hồ sơ, tài liệu của HĐND và UBND thành phố, sử dụng phần mềm quản lý văn bản. Trang thông tin điện tử của thành phố xây dựng theo công nghệ chuẩn thống nhất của tỉnh, cập nhật các hoạt động, chỉ đạo điều hành của lãnh đạo thành phố, công khai các văn bản, thủ tục hành chính được thực hiện tại bộ phận “một cửa”.

Theo đó, năm 2016 và 2017, UBND thành phố đứng đầu tỉnh về chỉ số cải cách hành chính. Năm 2018, UBND thành phố đứng thứ 2 khối cơ quan cấp huyện.

- Làm tốt công tác quy hoạch

Kinh tế phát triển giúp thành phố có điều kiện tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, tăng cường công tác quản lý đô thị, quản lý quy hoạch kiến trúc gắn với công tác chỉnh trang và xây dựng đô thị văn minh. Nhiều khu đô thị mới, khu du lịch sinh thái đã và đang hình thành, các công trình phúc lợi công cộng được quan tâm đầu tư. Nổi bật là các khu đô thị mới phía đông và phía tây thành phố, khu Hà Hải, Ecorivers, Trung tâm Văn hóa Xứ Đông đang hình thành...

Thành phố cũng quan tâm đầu tư, triển khai nhiều giải pháp để cải thiện môi trường, phát triển hệ thống cây xanh, từng bước chỉnh trang đô thị, tạo không gian xanh-sạch-đẹp, giúp nâng cao chất lượng đời sống cho người dân.

Những nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Hải Dương đã được ghi nhận xứng đáng. Ngày 17.5.2019, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định 580/QĐ-TTg công nhận TP Hải Dương là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Hải Dương.

Việc công nhận TP Hải Dương là đô thị loại I sẽ tác động mạnh mẽ đến quá trình đô thị hoá và phát triển công nghiệp các vùng lân cận trong tỉnh, đáp ứng vai trò là đô thị lớn trung tâm cấp vùng của vùng Thủ đô Hà Nội; là bước đột phá quan trọng tạo điều kiện cho thành phố phát triển nhanh về mọi mặt, xứng đáng là thành phố có vai trò động lực phát triển đối với cả khu vực và vùng đồng bằng Bắc Bộ; trở thành đầu tàu kéo theo sự phát triển mọi mặt của cả khu vực và các đô thị lân cận.

Lễ công bố Quyết định TP Hải Dương là đô thị loại I sẽ diễn ra vào tối 26.10, nằm trong chuỗi sự kiện Lễ hội đường phố 2019 - “Ánh sáng Thành Đông”.

Lễ hội đường phố 2019 - “Ánh sáng Thành Đông”

Lễ hội đường phố 2019, với chủ đề “Ánh sáng Thành Đông”, diễn ra nhằm chào mừng TP Hải Dương được công nhận là đô thị loại I và kỷ niệm 215 năm khởi lập Thành Đông (1804-2019), 65 năm Ngày giải phóng TP Hải Dương (1954-2019). Lễ hội được tổ chức ở Quảng trường 30.10, gồm 3 chương: Hải Dương, khí thiêng hội tụ; Ánh sáng Thành Đông và Thành Đông chào ngày mới.

Không chỉ là một lễ hội văn hóa đặc sắc, lễ hội này còn là dịp để tuyên truyền, giới thiệu những hình ảnh đặc trưng nhất của đất và người xứ Đông đến với du khách trong, ngoài nước. Từ đó, góp phần giáo dục truyền thống lịch sử cho người dân, nhất là thế hệ trẻ.

Nằm trong chuỗi hoạt động của sự kiện, TP Hải Dương còn tổ chức nhiều hoạt động như: Hội thảo “Thúc đẩy chế biến, tiêu thụ nông sản tỉnh Hải Dương trong bối cảnh hội nhập quốc tế”, Hội chợ làng nghề lần thứ 15 và Sản phẩm OCOP Việt Nam năm 2019, thi tìm hiểu lịch sử Thành Đông, Hội trại thanh thiếu nhi, giải việt dã, thi ảnh nghệ thuật....

Theo ông Trần Hồ Đăng, Phó Chủ tịch UBND TP Hải Dương: “Chuỗi hoạt động trước, trong và sau buổi lễ công bố và Lễ hội đường phố 2019 sẽ góp phần thể hiện tiềm năng, thế mạnh về nông nghiệp, công nghiệp, du lịch của TP Hải Dương nói riêng và tỉnh Hải Dương nói chung. Qua đó, nhằm vinh danh các giá trị văn hóa truyền thống được hội tụ và chắt lọc qua bao đời của thế hệ ông cha xưa, giáo dục thế hệ trẻ ngày nay biết hướng về cội nguồn dân tộc…”.

Lễ hội sẽ được truyền hình trực tiếp trên VTV1 (Đài Truyền hình Việt Nam), Đài Phát thanh -Truyền hình tỉnh Hải Dương và một số đài địa phương khu vực Bắc bộ.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
TP Hải Dương - đô thị hiện đại trong vùng đồng bằng sông Hồng