TP Hải Dương đối mặt với nguy cơ ngập úng nặng

24/05/2018 13:00

Các dự án không được thực hiện đồng thời, chậm tiến độ nên đến nay nhiều hạng mục vẫn còn thi công dở dang. Do đó, trong năm nay, công tác chống úng của thành phố sẽ gặp nhiều khó khăn hơn.


Công nhân Công ty CP Quản lý công trình đô thị Hải Dương nạo vét kênh dẫn trạm bơm Thanh Cương để bảo đảm tiêu thoát nước cho phường Thanh Bình

Do một số công trình chống úng trọng điểm của TP Hải Dương vẫn đang trong quá trình nâng cấp, cải tạo nên nhiều khả năng thành phố sẽ phải đối mặt với nguy cơ ngập úng sâu trong mùa mưa bão năm nay.

Người dân lo lắng

Chị Nguyễn Thị Mai ở huyện Thanh Hà thuê mặt bằng trên đường Nguyễn Lương Bằng để kinh doanh đồ uống đã được 3 năm nay. Công việc của chị Mai sẽ suôn sẻ, thuận lợi hơn nếu như tuyến đường không ngập úng kéo dài vào mùa mưa. Chị Mai cho biết: "Mùa hè là thời điểm làm ăn tốt thì lại bị gián đoạn bởi những trận mưa lớn. Do hệ thống tiêu thoát nước kém nên mưa chỉ vài giờ đường cũng ngập vài ngày. Có những đợt mưa, nước tràn cả vào nhà, cửa hàng vừa không hoạt động được vừa phải lo dọn dẹp. Vì vậy, có tháng, doanh thu bán hàng chỉ đủ tiền thuê địa điểm". Năm ngoái, chị Mai đã có ý định sang nhượng lại quán nhưng thấy thành phố triển khai cải tạo hệ thống thoát nước nên chị kiên nhẫn đợi vì tiếc điểm kinh doanh đẹp. Mặc dù vậy, trận mưa đầu tháng 5 vừa qua làm chị phải suy nghĩ lại. Dù hệ thống thoát nước đã được nâng cấp song tình trạng ngập úng vẫn chưa được cải thiện nhiều.

Sống tại đường Phan Đình Phùng gần 10 năm nay, năm nào trước mùa mưa, gia đình chị Lê Thị Lý cũng phải chuẩn bị 10 bao cát để ngăn không cho nước vào nhà. Phường Cẩm Thượng là "rốn" ngập úng của thành phố, hễ cứ mưa là ngập. Cứ mỗi mùa mưa đến là cuộc sống của người dân lại bị đảo lộn. Có những đợt ngập kéo dài cả tuần nên mọi sinh hoạt đều bất tiện. "Chúng tôi đã quá mệt mỏi khi phải sống chung với úng ngập nhiều năm. Khi mưa xuống, chúng tôi phải xoay xở tìm cách để nước không tràn vào nhà làm hỏng thiết bị, đồ đạc. Đến khi nước rút lại mất công lau dọn nhà cửa. Điều làm tôi lo lắng nhất sau mỗi lần ngập úng là nguy cơ phát sinh dịch bệnh do ô nhiễm. Không biết đến lúc nào chúng tôi mới có thể yên tâm mỗi khi mùa mưa bão đến", chị Lý than phiền.

Trong mùa mưa bão năm 2017, TP Hải Dương chịu ảnh hưởng của 14 đợt mưa vừa, mưa to đến rất to. Những đợt mưa lớn gây ngập úng các tuyến đường quan trọng như Nguyễn Lương Bằng, Vũ Hựu, Ngô Quyền, Hoàng Diệu... ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân các phường Thanh Bình, Tân Bình, Tứ Minh, Cẩm Thượng. Dự báo mùa mưa bão năm 2018, trên địa bàn thành phố sẽ có khoảng từ 6-8 đợt mưa to đến rất to. Người dân sẽ phải tiếp tục đối mặt với những bất tiện do ngập úng gây ra.

Giải pháp tình thế

Kết cấu hạ tầng không đáp ứng được yêu cầu phát triển là nguyên nhân làm cho nhiều khu vực của TP Hải Dương bị ngập úng trong mùa mưa bão. Hệ thống tiêu thoát nước của thành phố đã được xây dựng từ lâu, quy mô nhiều tuyến không bảo đảm cho việc tiêu úng. Chính vì vậy, sau khi kiểm tra thực tế, xác định nguyên nhân gây ra úng ngập của từng khu vực và được sự chấp thuận của UBND tỉnh, UBND TP Hải Dương đã triển khai thực hiện các dự án nạo vét, mở rộng kênh T2 và xây dựng trạm bơm Bình Lâu; nâng cấp, cải tạo đường Nguyễn Lương Bằng để nâng cao năng lực chống úng cho thành phố. Mặc dù vậy, các dự án không được thực hiện đồng thời, chậm tiến độ nên đến nay nhiều hạng mục vẫn còn thi công dở dang. Do đó, trong năm nay, công tác chống úng của thành phố sẽ gặp nhiều khó khăn hơn.

Theo ông Nguyễn Đức Sáu, Phó Giám đốc Công ty CP Quản lý công trình đô thị Hải Dương, để khắc phục những bất cập trong tiêu thoát nước của thành phố, công ty đã xây dựng phương án chống úng cho từng khu vực, trong đó chú trọng tới các điểm dễ xảy ra ngập úng. Đối với khu vực phía tây thành phố, do kênh T2 và trạm bơm Bình Lâu vẫn đang thi công nên khả năng thoát nước kém. Nhằm bảo đảm tiêu thoát nước nhanh, kịp thời cho khu vực, công ty sẽ chủ động điều tiết cống tự chảy trên đường Lê Thanh Nghị dẫn nước vào hồ Bình Minh ra hồ Bạch Đằng và trạm bơm Ngọc Châu có nhiệm vụ tiêu cho diện tích này. Nếu vận hành không tốt có thể dẫn tới nguy cơ ngập úng trên diện rộng. Vì vậy, công ty thường xuyên đôn đốc nhà thầu thi công tới đâu, nạo vét, khơi thông dòng chảy tới đó, đặt cống thoát nước.

Khu phía bắc đường sắt thường là điểm ngập sâu của thành phố vì không có hồ điều hòa, phải tiêu qua hệ thống thoát nước của quốc lộ 5 ra trạm bơm Đồng Niên. Để hạn chế thấp nhất tình trạng ngập úng cho khu vực này, công ty đã cải tạo các cống cũ, khơi thông các điểm ách tắc trong hệ thống tiêu thoát nước. "Xác định được những bất lợi trong công tác chống úng nội đô năm 2018, công ty đã chủ động rà soát, đánh giá thực trạng các công trình chống úng trên địa bàn, đưa ra kế hoạch xử lý. Các khu vực có hạng mục công trình chưa thể đưa vào khai thác, sử dụng trong mùa mưa bão năm nay sẽ có phương án thay thế khả thi nhất. Thời gian tới, khi kênhT2 và trạm bơm Bình Lâu thi công xong, hệ thống tiêu thoát nước của thành phố được hoàn thiện thì việc chống úng sẽ thuận lợi hơn", ông Sáu cho biết thêm.

DŨNG CƯỜNG

(0) Bình luận
TP Hải Dương đối mặt với nguy cơ ngập úng nặng