Trắng đêm thành phố

04/11/2018 06:44

Thành phố đêm với những mảnh đời khác nhau đã tô thêm nhiều sắc màu riêng cho cuộc sống khiến mỗi người đều thấy luyến nhớ, yêu thương...

Nhiều người tìm thú vui qua đêm tại các quán bar

Ở cái thành phố vốn nhỏ bé, dịu dàng, đêm không ngủ cũng có cái thú vị riêng. Đó là những con phố dài tĩnh mịch, vắng lặng, yên bình như từ thời Thành Đông xưa cũ đến nay là TP Hải Dương vẫn vậy. Đó còn là những bước chân lặng lẽ, tiếng cót két của những chiếc xe vì mưu sinh mà cố thức trắng đêm loanh quanh trên khắp các tuyến phố để kiếm vài đồng bạc lẻ. Nhưng đâu đó cũng có một thế giới khác của những cậu ấm, cô chiêu vung vẩy tiền bạc tìm thú vui trong những điệu nhạc, chén sầu…

Phận vạc, thân cò

11 giờ đêm, đường Nguyễn Thị Duệ vắng lặng, khác hẳn với vẻ tấp nập, ồn ào thường thấy của nó vào ban ngày. Dưới ánh đèn đường vàng, một người phụ nữ dáng người nhỏ thó, còng lưng đẩy chiếc xe bán xôi, bánh bao dạo đêm. Chị ấy không muốn nói nhiều về mình bởi theo chị cái nghề bán dạo đêm này hèn mọn, cơ cực lắm, viết làm gì cho tủi thân.

Chị tên Chung, quê ở Sơn La, ngược xuôi buôn bán khắp phố phường Hà Nội rồi chị tìm về đất Hải Dương tính kế mưu sinh. Ban ngày, chị Chung kiếm việc ở chợ lao động gần cầu vượt Phú Lương. Ai thuê gì làm nấy, chị chẳng nề hà bởi các con chị ở quê nhà cần tiền để chữa bệnh và được đến trường. Chị bảo con chị còn nhỏ lắm, đứa bé mới tròn 4 tuổi, còn đứa lớn mới học lớp 6. Những ngày đầu xuống đây kiếm việc, ngày nào chị cũng khóc bởi nhớ nhà lại thương con. “Thằng bé thường xuyên bị viêm phế quản. Những ngày trời trở lạnh như này lại ho tím tái đây. Mẹ đi vắng, bố cũng đi làm xa chỉ có hai chị em nó quấn túm lấy nhau. Khi ốm đau trông cậy cả vào bác họ nhà ngay bên cạnh”, kể đến đây, giọng chị như nghẹn lại, mắt ngấn nước. Nhưng chị vội đứng dậy đẩy chiếc xe bán xôi vào cổng Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Mỗi đêm chị Chung bán được vài chục nắm xôi. Mỗi nắm chừng 10.000-15.000 đồng. Dù vất vả nhưng bán xôi đêm đã giúp chị dành dụm được ít tiền để gửi về nhà cho các con.

- Đi bán xôi đêm, ban ngày lại đi làm thuê chị lấy thời gian đâu mà ngủ? - tôi hỏi.

- Chỉ có cách tranh thủ ngủ thôi cô ạ. Buổi sáng trong lúc ngồi đợi người đến thuê làm thì tranh thủ trải tấm nilon mà chợp mắt. Thiếu ngủ nên hễ đặt lưng là ngủ ngay, không biết trời đất thế nào. Trời thương tình, từ ngày xuống đây tôi khỏe lắm, chỉ ốm lặt vặt, hắt hơi sổ mũi thôi nên ngày nào cũng có thể đi làm để kiếm tiền. Bố bọn chúng cũng vất vả làm đêm ở tận Sài Gòn. Gia đình mỗi người một ngả chỉ vì tương lai tốt hơn cho các con- chị Chung kể.

Đêm cuối thu, trời se se lạnh lại lất phất mưa nên càng tĩnh mịch. Âm thanh ken két vì khô dầu phát ra từ chiếc xe bán xôi của chị Chung nghe rõ mồn một, rồi chìm vào giữa màn đêm vắng lặng. Hôm nào cũng vậy, hễ thấy bóng chiếc xe bán xôi của chị Chung, bà chủ quán bán đồ ăn đêm trên đường Điện Biên Phủ đã ra cửa chờ. Hai chị em lại gặp gỡ, hàn huyên hỏi chuyện lẫn nhau. Cùng phận đàn bà nhưng chị Trần Thị Hằng, chủ quán bún phở đêm ở đây hạnh phúc hơn. “Ít ra tôi còn có cửa hàng làm nơi trú mưa, tránh rét, còn cô ấy lang thang ngoài đường, thật tội. Có hôm gặp mưa đêm ướt hết, đến đây tay còn run run, đôi môi thì thâm tím, tôi phải kéo vào gần bếp để sưởi ấm”, chị Hằng kể. Chị Hằng làm nghề bán đồ ăn đêm đã gần chục năm nay, cám cảnh phận đàn bà vất vả nên chị thương chị Chung lắm. Khi thì chị mua vài nắm xôi, khi lại “dúi” cho chị Chung vài đồng. “Được vài đồng thì có hôm nó lại bị đám con nghiện trấn lột, xô đổ cả nồi xôi xuống đường. Nghĩ mà tội, chị em thương nhau nhưng cũng không giúp được nhau nhiều bởi mình cũng chẳng khá hơn nó”, chị Hằng nói.

Một ngày làm việc của chị Chung thường bắt đầu từ khi thành phố lên đèn đến khoảng 3-4 giờ sáng

Quán ăn đêm của chị Hằng là nơi ấm áp nhất mà cánh lái buôn, lái xe taxi, người khuân vác thuê hay những người bán hàng rong như chị Chung thường tụ tập để hàn huyên kể về chuyện đời, chuyện người. Họ thường về đây để tìm hơi ấm trong đêm lạnh và thêm ấm bụng nhờ những tô bún hay tô cháo còn nóng hổi, rồi lại hối hả đi làm. Nghề bán hàng ăn đêm tuy vất vả nhưng chị Hằng vẫn vui. Vui vì quán của chị làm bến đỗ của nhiều hoàn cảnh éo le, của những phận vạc, thân cò như chị. “Chẳng ai muốn bán hàng khuya đâu vì thức đêm già nhanh lắm. Những ngày đầu mở quán, nhịp sinh học bị thay đổi có hôm vừa ngồi đợi khách tôi vừa ngủ gật. Phục vụ đêm vất vả lại một thân một mình nên chồng thương cũng ra phụ giúp nhưng chỉ đến khoảng 1 giờ. Còn từ đó đến sáng, một mình tôi lo liệu hết từ dọn bàn, làm bún, phở cho khách đến rửa bát. Cô xem tóc chị bạc cả rồi vừa phải nhuộm lại đấy”, chị Hằng vừa cười vừa vạch tóc cho tôi xem như để minh chứng cho cái nghề không hề nhàn hạ của mình.

Mỗi đêm từ lúc thành phố lên đèn, chị Chung đẩy xe xôi, bánh len lỏi qua những tuyến đường, đến các cổng bệnh viện, nhà ga, quán game, quán nhậu, cổng vũ trường để bán hàng. Ở xóm trọ gần bên khu Hàn, chị Chung thường là người về sau cùng, khoảng 3- 4 giờ sáng. Thức đêm đẩy xe bán bánh, xôi dạo, chị Chung mới kiếm được vài trăm nghìn toàn tiền lẻ. Số tiền ấy chị để riêng ra một chỗ để gửi về cho các con. Đạp xe, đi bộ cả chục cây số lại thức trắng đêm, vậy mà chúng tôi chưa một lần thấy chị than thở. Thỉnh thoảng chị còn cười vui, kể chuyện quê nhà, con cái như thể để tiếp thêm sức mạnh cho chính mình.

Tờ mờ sáng, khi ánh bình minh ló rạng cũng là lúc những người như chị Chung, chị Hằng hoàn tất công việc để được chợp mắt một chút sau một đêm dài với ước mơ về một tương lai tươi sáng hơn ở phía trước...

Vũ điệu “by night”

Một đêm với những người lao động cần lao rất dài nhưng với những người tìm thú vui lúc nửa đêm thì lại quá ngắn. Anh Phạm Hoàng H., sinh viên năm thứ ba của một trường đại học ở TP Hải Dương, quê ở Yên Mô (Ninh Bình) đã trở thành khách ruột của quán game đêm trên đường Nguyễn Chí Thanh. Anh H. được chủ quán này đặt cho biệt danh là “Cú đêm” bởi anh có thể cày game xuyên đêm và vui chơi vũ trường mấy ngày không chán. Ông chủ quán ở đây cho biết có lần cả tháng liền, đêm nào H. cũng đến chơi game từ 10 giờ đêm hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau. Không biết H. đi học hay về ngủ bù nhưng đều như vắt chanh đến giờ đó hôm sau H. lại có mặt để cày game ở quán này. Thậm chí vào cuối tuần, H. còn chơi game đến tận trưa hôm sau. H. là một game thủ có tiếng ở khu vực này bởi kỷ lục chơi game 2 ngày không ăn, không ngủ. “Có lần thấy cậu ta ham chơi quá quên ăn, quên ngủ tôi phải mang cho cái bánh mỳ lót dạ giữa đêm. Có hôm H. rủ thêm mấy cậu nữa đến chơi "đột kích" rồi chẳng hiểu sao mâu thuẫn, đánh lộn lẫn nhau”, ông chủ quán game kể. 

Không chỉ sành game, H. còn nổi tiếng là dân chơi thứ thiệt, thường xuyên lui tới các bar ở TP Hải Dương. Nói về chuyện nhậu và các quán bar ở thành phố, H. kể vanh vách: “Bar nào em cũng đã từng được ghé qua nhưng em thích nhất Ruby club gần siêu thị Big C. Chỉ chờ bố mẹ gửi tiền là em có thể rủ bạn đi “bay” cả đêm". Theo chân H., tôi cùng vài người bạn thử cảm giác xuyên đêm tại Ruby club. Vừa bước vào, tiếng nhạc remix đập liên hồi. Xung quanh nhiều nam thanh, nữ tú ăn mặc sexy nhún nhảy, reo hò theo tiếng nhạc chát chúa. Chỉ qua một cánh cửa, một thế giới khác hiện ra ồn ào, náo nhiệt. Dưới ánh sáng nhảy múa, nhập nhoạng, những cô gái chân dài liên tục rót rượu mời khách. Làn khói shisha huyền ảo khiến những người đến vũ trường càng thêm phấn khích. Thấy H. ghé tai một nhân viên phục vụ nói gì không rõ nhưng chỉ vài phút sau, anh này mang vài quả bóng bay màu đen đến. H. giới thiệu đây là bóng cười và khẳng định hút phê lắm “một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ” và mời mấy người cùng đi dùng thử. Rồi H. tự thưởng cho mình một hơi dài hít từ quả bóng. Chỉ sau vài phút, chốc chốc tôi lại thấy H. tủm tỉm cười.

H. bảo, phải trải qua những vũ điệu “by night” ở đây mới biết đêm không ngủ có cái thú vị riêng. Đối với H., những đêm không ngủ gắn với những trận nhậu kéo dài không cần biết giờ giấc. Mỗi đêm ăn chơi ở quán bar H. phải tiêu tốn đến tiền triệu. Chưa kể hút shisha, uống rượu ngoại thì còn tốn hơn nhiều. H. bảo các quán bar thường đóng cửa lúc 2-3 giờ sáng nhưng lúc đó đang dở cuộc nhậu và lại đang phê nên chúng em thường kéo đi ăn đêm hoặc tìm quán karaoke để “quẩy” tiếp.

Vì những “đêm hoang” như vậy không ít bạn trẻ đã bỏ bê học hành, công việc và dễ sa vào những tệ nạn xã hội.

HẢI MINH

(0) Bình luận
Trắng đêm thành phố