Vỡ mộng

04/04/2021 15:07

Gần hai năm qua, Phương theo đuổi ước mơ đi xuất khẩu lao động để kiếm được nhiều tiền càng nhanh càng tốt.


Phương nghe điện thoại xong, ngồi thừ ở bậc hiên thở dài. Chỉ còn một tuần nữa là đến lịch bay thì cô lại nhận được tin hoãn vì Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp. Gần hai năm qua, Phương theo đuổi ước mơ đi xuất khẩu lao động để kiếm được nhiều tiền càng nhanh càng tốt. Dù đỗ đại học nhưng Phương quyết định dừng hẳn con đường học vấn. Phương muốn đi làm, muốn học ở trường đời để trưởng thành hơn, giàu có hơn, không phải cặm cụi như mẹ, quanh năm suốt tháng chỉ quanh quẩn với ruộng vườn, gà vịt, biết đến bao giờ mới mở mày mở mặt?

Bố mất sớm nên nếu Phương học đại học thì mỗi tháng mẹ phải còng lưng lo cho cô một khoản tiền để đóng học phí và trang trải cuộc sống ở thành phố. Hơn nữa, nếu tốt nghiệp đại học, chưa chắc Phương đã xin được việc làm. Dù xin được việc thì Phương nghĩ thu nhập hằng tháng cũng chỉ ba cọc ba đồng, làm sao mà đổi đời được. Nếu đi xuất khẩu lao động, dù mất một khoản tiền rất lớn nhưng bù lại là lương cao, chỉ một năm lao động ở nước ngoài nếu chịu khó Phương sẽ trả được hết nợ. Hết hạn hợp đồng thì Phương sẽ có hàng trăm triệu để lo cho tương lai. Nhìn các anh chị cùng làng đi Hàn Quốc rồi đi Nhật Bản gửi tiền về cho bố mẹ xây nhà, mua xe đẹp mà Phương háo hức. Cô bàn với mẹ, quyết tâm chọn con đường lao động chân tay để kiếm sống dù thầy cô, bạn bè và rất nhiều người thân khuyên Phương tiếp tục học đại học. Phương vốn học giỏi, tương lai sẽ rộng mở nhưng Phương nhất định không nghe. Mẹ cũng chiều Phương nên cắm "sổ đỏ", vay ngân hàng cả trăm triệu lấy tiền đặt cọc cho công ty xuất khẩu lao động.

Những ngày tháng Phương học tiếng trên thành phố cũng tiêu tốn một khoản tiền lớn của mẹ. Thi đến lần thứ ba mới đỗ, Phương đinh ninh mình sẽ sớm được bay nhưng từ đó đến nay hoãn đi hoãn lại cũng vài lần rồi. Có đợt hoãn lâu quá, Phương đã về quê xin vào công ty may, làm ở bộ phận đóng gói sản phẩm. Mỗi tháng, Phương cũng kiếm được ít tiền giúp mẹ chi tiêu. Nhưng nhiều hôm phải làm tăng ca, lưng đau nhừ mà Phương không dám than với mẹ. Có lúc đóng gói hàng chậm, bị lỗi, Phương lại nghe quản đốc quát tháo, dọa nạt trừ lương mà buồn rầu, ngán ngẩm. Phương nghĩ mình chỉ làm tạm thôi, ở nhà không có việc gì cũng buồn chân buồn tay, chứ Phương chẳng thể gắn bó suốt đời với công việc ngồi gấp đồ thế này.

Vừa rồi, tưởng ăn Tết xong sẽ bay nhưng giấc mơ của Phương mãi vẫn chưa thành hiện thực. Bạn bè cùng lớp cấp ba đã sắp học xong năm thứ hai đại học. Biết trước thế này Phương đã chẳng từ bỏ con đường học vấn. Học đại học quay đi ngoảnh lại cũng nhanh kết thúc. Có trình độ, xin được vào bộ phận hành chính, văn phòng thì thu nhập cũng cao hơn lao động phổ thông. Bây giờ Phương không biết mình nên chọn con đường nào vì thấy mọi thứ toàn dở dang. Học tiếp thì khó khăn, rút tiền đặt cọc về cũng không được. Chờ đợi thì mỏi mệt và chẳng biết chính xác khi nào sẽ được đi. Mỗi khi bạn bè nhắn tin, gọi điện khoe có người yêu mà Phương cũng chạnh lòng. Bác hàng xóm đánh tiếng giới thiệu cho Phương người cháu trai đang đi bộ đội mà Phương đỏ mặt, giãy nảy lên. Phương thấy mình chưa có nghề nghiệp đàng hoàng nên không dám nghĩ đến chuyện yêu đương. Mẹ thì bảo “con gái có thì” nhưng Phương chỉ cười trừ bởi Phương mới hơn hai mươi tuổi, còn trẻ lắm.

Nhìn mẹ căng thẳng nhẩm đếm tiền, Phương biết mẹ chuẩn bị đến ngân hàng để trả lãi cho khoản tiền vay trăm triệu kia nhưng Phương chẳng thể giúp mẹ được nhiều. Bây giờ Phương mới hiểu chỉ cần chọn lựa sai con đường mình đi thì thành công còn ở rất xa. Kiếm tiền đâu phải dễ. Giá như Phương quyết tâm nỗ lực vừa học đại học vừa làm thêm, giá như Phương có tầm nhìn xa hơn, giá như Phương đừng mơ kiếm được thật nhiều tiền càng nhanh càng tốt. Bây giờ Phương chỉ còn cách cầu mong tình hình dịch Covid-19 nhanh qua, Phương sẽ kiên trì đi tiếp con đường mình đã chọn để không phải nuối tiếc.

NAM HỒNG

(0) Bình luận
Vỡ mộng