Vượt qua sự kỳ thị

16/12/2018 16:37

Nhận được tin vui của chị Nhiên - một hội viên ở xóm 2, bà Hân, cán bộ Hội Phụ nữ xã đến thăm. Vừa tới cổng, chị Nhiên và con gái đã ra đón.

Tay bắt mặt mừng, hai mẹ con kéo bà Hân vào nhà.

- Có tin gì mà vui thế? - bà Hân hỏi.

Chị Nhiên gọi con gái đem cho bà xem tập ảnh và bảo:

- Có công lao của bà trong đó đấy!

Bà Hân xem tấm ảnh cháu Liên - con gái chị Nhiên được trao giải nhất một cuộc thi viết về bệnh HIV/AIDS trên trường đại học. Bà nhớ lại, cách đây hơn chục năm gì đó, chồng Nhiên đi khám bệnh phát hiện bị nhiễm HIV. Hồi đó, thuốc men điều trị còn hạn chế, lại phát hiện bệnh muộn nên anh không qua khỏi. Mẹ con chị Nhiên đã đi kiểm tra sức khỏe ngay, bác sĩ kết luận hai người đều âm tính, không nhiễm HIV nhưng phía nhà chồng vẫn nghi ngờ chị đổ bệnh cho chồng. Từ đó, cả nhà phân biệt đối xử với hai mẹ con, kéo theo cả bà con họ hàng, chị em, bạn bè cùng xa lánh. Chị chán nản, bỏ việc ở công ty… Con gái chị vẫn đi học nhưng ngày càng ít bạn bè. Cháu học sút hẳn đi. Mỗi buổi đi học về, xem vở con chị Liên lại thấy có những bài tập bỏ, đọng nước mắt rơi…

Giữa lúc đó thì Hội Phụ nữ có phong trào quan tâm đến những hội viên và gia đình có người nhiễm HIV. Bà Hân đã nhiều lần đến gặp gỡ, sẻ chia cùng chị Nhiên. Từ sự gần gũi của bà đã kéo theo sự quan tâm của chị em trong thôn xóm, gia đình. Bà còn tranh thủ những buổi sinh hoạt của Hội Phụ nữ hay Hội Người cao tuổi giúp mọi người nhận thức đúng về dịch HIV để không có thái độ kỳ thị với những bệnh nhân cũng như người thân của họ. Riêng với Liên, bà vừa động viên cháu yên tâm học tập, vừa gặp gỡ cô giáo có tác động đến bạn bè của cháu…

Thế rồi vượt lên nỗi đau và sự kỳ thị, chị Nhiên trở lại công ty làm việc. Bố mẹ, họ hàng nhà chồng chị càng thấy thương yêu con dâu, cháu nội mồ côi. Liên học hành ổn định, mỗi ngày một khá, rồi vào được trường chuyên, là học sinh giỏi cấp tỉnh và thi đỗ đại học. 

Bà Hân nắm chặt tay cả hai mẹ con:

- Nhớ lại chuyện buồn cũ, thấy hai mẹ con được như bây giờ bà vui lắm. Chúc mừng hai mẹ con! Nghĩ lại thời ấy, vì chưa hiểu được căn nguyên bệnh “ết” mà nhiều người kỳ thị, nguy hiểm quá!

- Đúng thế bà nhỉ? - chị Nhiên tiếp lời bà - Thì cháu đã có lúc nghĩ đến tiêu cực… Nếu không được bà kịp thời giúp đỡ thì…

Bà Hân vội gạt đi:

- Sông có khúc, người có lúc. Được như hôm nay là công lao của hai mẹ con chị đấy chứ. Cháu học giỏi, lại có thành tích hoạt động ngoại khóa tốt như vậy thì cố gắng phát huy nhé!

TRỌNG NGUYỄN

(0) Bình luận
Vượt qua sự kỳ thị