Xây dựng đô thị thông minh

25/08/2018 12:00

Thành phố đang đẩy mạnh giải quyết các thủ tục hành chính theo mô hình "một cửa", "một cửa liên thông", tăng cường thực hiện các dịch vụ công cấp độ 3 và 4.

Từ năm 2019, TP Hải Dương sẽ thí điểm lắp camera ở một số vị trí có đèn giao thông và cần giám sát tốc độ

Đồng thời với xây dựng đô thị loại I, TP Hải Dương đang triển khai Đề án “Xây dựng đô thị thông minh (ĐTTM) TP Hải Dương giai đoạn 2018-2025 và tầm nhìn đến năm 2030” nhằm xây dựng một đô thị hiện đại và đáng sống.

Xu hướng tất yếu 

Trở về quê hương lập nghiệp sau nhiều năm làm việc tại Singapore, đất nước được mệnh danh là “quốc gia thông minh”, anh Phạm Văn Khoa ở khu 10, phường Quang Trung hy vọng TP Hải Dương sớm xây dựng mô hình ĐTTM như ở "đảo quốc sư tử" này. Theo anh Khoa, ĐTTM giúp người dân được hưởng nhiều tiện ích. Chẳng hạn như mô hình thùng rác thông minh đã được Singapore triển khai từ năm 2015 có bộ phận cảm biến phân biệt rác vô cơ hay hữu cơ để mở nắp phù hợp. Các nhân viên vệ sinh không phải mất nhiều thời gian phân loại rác.  

Kỳ họp HĐND thành phố lần thứ 5, khóa XXI, nhiệm kỳ 2016-2021 vừa mới thông qua Nghị quyết phát triển ĐTTM. Theo ông Vũ Mạnh Tú, Tổ trưởng bộ phận "một cửa" của thành phố, một trong những người tham mưu triển khai đề án thì tốc độ đô thị hóa của TP Hải Dương những năm gần đây diễn ra nhanh chóng, đòi hỏi các cấp chính quyền phải có giải pháp để quy hoạch, phát triển đô thị đáp ứng được nhu cầu sống ngày càng hiện đại của người dân. Xây dựng ĐTTM ở TP Hải Dương trong giai đoạn 2018-2020 tập trung vào các lĩnh vực chính gồm: Xây dựng trung tâm điều hành đô thị; triển khai hệ thống "một cửa" điện tử gắn với dịch vụ công trực tuyến từ thành phố xuống cấp phường; xây dựng cổng giao tiếp của thành phố; nâng cấp cổng thông tin điện tử hiện tại của thành phố và mở rộng xuống xã, phường; xây dựng hệ thống camera giám sát an ninh. ĐTTM là xu hướng phát triển tất yếu nên người dân rất mong chờ chính quyền TP Hải Dương triển khai.

Về thăm TP Hải Dương, đại diện Hiệp hội Bất động sản quốc tế châu Á - Thái Bình Dương - FIABCI (Hàn Quốc) cũng nhận thấy yêu cầu tất yếu và mong muốn được hợp tác xây dựng ĐTTM cho TP Hải Dương. Ông Tae-Yong Gee, Chủ tịch Hiệp hội cho rằng: “TP Hải Dương cần nghiên cứu để sớm ứng dụng mô hình ĐTTM. Xây dựng ĐTTM sẽ giúp địa phương phát triển bền vững, tương xứng với vai trò thành phố vệ tinh của Thủ đô Hà Nội, tam giác kinh tế trọng điểm của khu vực phía Bắc. Các giải pháp này giúp Hải Dương phát triển đô thị năng động, xanh, hiện đại, tiết kiệm năng lượng; gắn kết với các thành phố lớn trong vùng”.

Chính quyền điện tử

Một trong những mục tiêu quan trọng để xây dựng ĐTTM ở TP Hải Dương giai đoạn 2018-2020 là mô hình chính quyền điện tử. Công nghệ thông tin sẽ được áp dụng vào công tác quản lý hành chính công để phục vụ người dân một cách tốt nhất. Chính quyền điện tử là một trong những trụ cột quan trọng của ĐTTM. Ông Vũ Tiến Phụng, Chủ tịch UBND thành phố cho biết sẽ sớm xây dựng cổng thông tin hỏi đáp trực tiếp giữa lãnh đạo thành phố với người dân, doanh nghiệp. Khi đó, khoảng cách giữa người dân và cơ quan công quyền được rút ngắn. Việc xây dựng một chính quyền điện tử ngay trong lòng thành phố thông minh sẽ giúp thực hiện các thủ tục hành chính nhanh gọn và thuận tiện. Việc kiểm tra, giám sát thực hiện hành chính công của lãnh đạo thành phố cũng dễ dàng hơn.  

Ông Vũ Mạnh Tú cho biết hiện nay thành phố đã xây dựng được nền tảng căn bản, bảo đảm điều kiện để xây dựng chính quyền điện tử. Hạ tầng trang thiết bị tin học trong các cơ quan Đảng, cơ quan hành chính nhà nước, khối đoàn thể, các trung tâm, trường học trên địa bàn thành phố bước đầu đáp ứng yêu cầu. UBND tỉnh quyết tâm trong năm nay sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng các ứng dụng chính quyền điện tử đối với các lĩnh vực đã lựa chọn gồm: dịch vụ công thông minh; hạ tầng công nghệ thông tin; giáo dục thông minh; y tế, giao thông thông minh… “Như vậy, chẳng có lý gì TP Hải Dương không thể thực hiện được mô hình chính quyền điện tử”, ông Tú nói. 

Để đón đầu xu hướng này, thành phố đang đẩy mạnh giải quyết các thủ tục hành chính theo mô hình "một cửa", "một cửa liên thông", tăng cường thực hiện các dịch vụ công cấp độ 3 và 4. Triển khai các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành cải cách thủ tục hành chính. Thành phố đã lắp đặt thí điểm 300 camera trên một số tuyến phố trung tâm nhằm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng ĐTTM trong thời gian tới. Ngoài ra, thành phố cũng đang thực hiện số hóa cơ sở dữ liệu văn bản của HĐND, UBND và các phòng ban chuyên môn, nhập cơ sở dữ liệu quản lý công chức, viên chức và số hóa dữ liệu hộ tịch.

Đô thị thông minh TP Hải Dương là đô thị sử dụng công nghệ thông tin, truyền thông và các phương tiện khác nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống, hiệu quả của các dịch vụ và hoạt động đô thị. Đồng thời, nâng cao tính cạnh tranh, đáp ứng các yêu cầu kinh tế, xã hội, môi trường và văn hóa của các thế hệ hiện tại và tương lai.

HẢI MINH

(0) Bình luận
Xây dựng đô thị thông minh