Chống tiêu cực để chặn tham nhũng

14/09/2021 17:02

Việc phòng chống tiêu cực song song với phòng chống tham nhũng chính là cách xử lý toàn diện.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì cuộc họp của Bộ Chính trị hôm 10.9. Tại cuộc họp này, Bộ Chính trị thống nhất bổ sung cụm từ "tiêu cực" vào tên gọi của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng.

Biểu hiện nguy hiểm nhất của tiêu cực chính là suy thoái về tư tưởng chính trị, phẩm chất, đạo đức, lối sống, từ đó dẫn đến tham nhũng. Việc phòng, chống tiêu cực song song với phòng, chống tham nhũng chính là cách xử lý toàn diện.

Mới đây Bộ Chính trị thống nhất với Đề án “Sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng”, theo đó tên gọi của Ban Chỉ đạo được bổ sung thêm cụm từ “tiêu cực”. Điều này một lần nữa khẳng định quyết tâm mạnh mẽ của Đảng, Nhà nước trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Thực tế, sự quyết tâm, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành công tác của Đảng đã được dư luận ghi nhận, đánh giá cao khi hàng nghìn vụ án tham nhũng, với hàng ngàn bị can đã bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử; hơn 800 vụ việc đã được đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng. Nhiệm kỳ khóa XII của Đảng đã chứng kiến số lượng không nhỏ cán bộ cấp cao vướng vào vòng lao lý vì tham nhũng, cố ý làm trái.

Những thành quả đó không phải ngày một ngày hai có thể có được. Đó là kết quả sau những bước đi bài bản từ công tác lý luận đến triển khai thực tiễn. Nổi bật là 2 nghị quyết lớn của Đảng tại Hội nghị Trung ương 4 khóa XI và Hội nghị Trung ương 4 khóa XII cùng hơn 200 văn bản về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị và phòng chống tham nhũng do Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành. Có thể hiểu đây là những tuyên bố đanh thép của Đảng, tuyên chiến với “giặc nội xâm”.

Chỉ rõ “những vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng”, Hội nghị Trung ương 4 khóa XI  thừa nhận “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, thậm chí đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc...”.

Đến Hội nghị Trung ương 4 khóa XII, Đảng tiếp tục chỉ ra “tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước”, trong khi “suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc”.

Quan điểm của Đảng luôn coi trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng là vấn đề có ý nghĩa quan trọng, liên quan đến sự tồn vong của Đảng được thể hiện nhất quán. Vì thế, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, rồi Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII ra đời đã tập trung vào những vấn đề cấp bách nhất, đặc biệt là đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức lối sống trong đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Đảng đánh giá đúng thực trạng, không ngần ngại, né tránh, tự chỉ ra những yếu kém, bất cập của mình, nhất là những suy thoái nghiêm trọng, phổ biến đang diễn ra trong nội bộ. Không phải nói ra rồi để đấy, mà nói là làm, làm một cách bài bản, trình tự, quyết liệt, đồng bộ, đúng người, đúng việc, không chịu sức ép của bất kỳ ai. Sự dũng cảm ấy đã đưa cuộc chiến phòng chống tham nhũng của Đảng trở thành phong trào, xu thế, dần lấy lại được lòng tin của quần chúng với Đảng.

Theo ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Ban Tổ chức Trung ương, trong 3 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, trên 50.000 đảng viên ở các cấp từ trung ương tới địa phương đã bị xử lý kỷ luật bằng nhiều hình thức.

Tính cả giai đoạn từ khi thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tháng 3.2013 đến năm 2020, các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương và địa phương đã khởi tố, điều tra 14.300 vụ/24.410 bị can, xét xử sơ thẩm hơn 11.700 vụ/22.600 bị cáo về tham nhũng, kinh tế, chức vụ; Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã quyết định kỷ luật hơn 110 cán bộ diện Trung ương quản lý (trong đó có 27 Ủy viên Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương, 4 Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị). 

12 cán bộ cấp cao bị xử lý kỷ luật trong năm 2020. (Đồ họa: Thi Uyên)

12 cán bộ cấp cao bị xử lý kỷ luật trong năm 2020.

Những kết quả đó đã góp phần đấu tranh ngăn chặn được một bước tình trạng suy thoái trong Đảng, góp phần làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh hơn. 

Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần đề cập, biểu hiện nguy hiểm nhất của tiêu cực chính là suy thoái về tư tưởng chính trị, phẩm chất, đạo đức, lối sống, từ đó dẫn đến tham nhũng. Vì thế, việc phòng, chống tiêu cực song song với phòng, chống tham nhũng chính là cách xử lý toàn diện.

Tất nhiên, đây là việc không hề dễ dàng bởi những biểu hiện của suy thoái về tư tưởng, chính trị, phẩm chất, đạo đức, lối sống không dễ gì có thể nhận ra được. Song với quyết tâm và trách nhiệm của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực và hiệu quả hoạt động thời gian qua đã và đang củng cố niềm tin về việc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ tiếp tục được đẩy mạnh, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, mang lại kết quả tích cực.

Theo VOV

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chống tiêu cực để chặn tham nhũng