Tham gia OCOP: Không để hộ sản xuất lép vế

11/08/2020 12:00

Trong sân chơi OCOP (Mỗi xã một sản phẩm), hộ sản xuất dù chiếm số đông nhưng lại yếu thế hơn nên ít được lựa chọn để đầu tư.


Gia đình anh Phan Đắc Thược ở xã Chi Lăng Nam (Thanh Miện) gặp khó khăn khi thực hiện những tiêu chí mềm giúp nâng hạng sao cho sản phẩm bánh đa

Trong sân chơi OCOP (Mỗi xã một sản phẩm), hộ sản xuất (HSX) dù chiếm số đông nhưng lại yếu thế hơn nên ít được lựa chọn để đầu tư. Vì vậy, để HSX không bị lép vế trước những chủ thể khác, các cấp, ngành đang tích cực hỗ trợ hoàn thiện những thủ tục cần thiết, giúp sản phẩm của HSX được xếp hạng OCOP.

Thiếu nhiều điều kiện

Trong suốt 30 năm làm nghề nuôi ong lấy mật, gia đình ông Nguyễn Kim Thích ở khu dân cư Kim Xuyên 4, phường An Sinh (Kinh Môn) đã có nhiều bạn hàng quen. Song ông vẫn canh cánh nỗi lo bởi những đơn hàng chỉ là giao kèo miệng nên rủi ro cao. Từ khi biết tới OCOP, ông rất tâm đắc với chương trình này vì nó có thể giúp ông an tâm hơn trong sản xuất, không phải thấp thỏm về đầu ra cho sản phẩm. Ông Thích cho biết: “Sau khi tham dự lớp tập huấn về OCOP, tôi biết rằng đây chính là cách nhanh nhất để mật ong của nhà tiêu thụ ổn định và có chỗ đứng trên thị trường. Do đó, tôi đã đăng ký tham gia OCOP”.

Mặc dù sản phẩm đã có từ lâu nhưng ông Thích vẫn chưa có những kiến thức về bảo hộ sở hữu trí tuệ. Đây là rào cản lớn khiến ông khó tiếp cận được với OCOP. Ngoài ra, những tiêu chí về vệ sinh an toàn thực phẩm, tác động tới môi trường, hồ sơ chứng minh nguồn gốc sản phẩm… ông vẫn chưa hoàn thiện. Tuy vậy, ông Thích vẫn quyết tâm thực hiện với mong muốn xây dựng thương hiệu cho thành quả lao động của gia đình.

Là HSX được cơ quan chuyên môn đánh giá cao trong việc chuẩn bị các điều kiện để xếp hạng OCOP song gia đình anh Phan Đắc Thược ở xã Chi Lăng Nam (Thanh Miện) vẫn chưa đạt nhiều tiêu chí. Các sản phẩm OCOP không những phải đáp ứng những yêu cầu về chất lượng mà còn phải bảo đảm về mặt hình thức. Hiện anh Thược đã đăng ký nhãn hiệu, xây dựng kế hoạch bảo vệ môi trường, có tài liệu chứng minh nguồn gốc cho sản phẩm bánh đa của gia đình. Tuy nhiên, anh gặp khó khăn trong việc thực hiện những tiêu chí mềm giúp nâng hạng sao. Theo anh Thược, OCOP hướng tới tính đồng bộ của sản phẩm trong khi sản phẩm của làng nghề lại đơn giản, ít chú trọng tới khâu đóng gói. Hơn nữa, do là HSX nên những thủ tục liên quan tới sản xuất, kinh doanh thường không được quan tâm trong khi đây là điều kiện bắt buộc khi tham gia OCOP.

Quan tâm hỗ trợ

Năm 2020, Hải Dương có 84 sản phẩm của 46 chủ thể đăng ký tham gia OCOP. Sau khi khảo sát, tỉnh đã lựa chọn 69 sản phẩm để xét duyệt xếp hạng sao, những sản phẩm bị loại chủ yếu là của HSX. Nguyên nhân do các HSX không đáp ứng được những yêu cầu của OCOP. Theo ông Nguyễn Mạnh Thắng, giảng viên Trường Đại học Nông lâm (Đại học Thái Nguyên), chuyên viên tư vấn OCOP của tỉnh, so với các chủ thể khác là tổ hợp tác, HTX, doanh nghiệp thì HSX ít có khả năng cạnh tranh hơn. HSX thường chỉ quan tâm tới số lượng mà ít để ý tới chất lượng sản phẩm hoặc nếu có chú trọng thì cũng không có khả năng minh chứng. Vì thế, những chủ thể khác thường chiếm ưu thế hơn.

Hồ sơ khảo sát về sản phẩm OCOP với mục đích định hướng các chủ thể làm ra sản phẩm theo chuẩn OCOP do đơn vị tư vấn xây dựng cho tỉnh gồm 5điều kiện cơ bản bắt buộc và 21 điều kiện bổ sung. Các điều kiện bổ sung là những tiêu chí “ăn điểm”, giúp sản phẩm có thể nâng hạng sao thì hầu hết các HSX đều thiếu. Để được xếp hạng sản phẩm OCOP, các chủ thể phải bảo đảm những tiêu chí về nguồn gốc nguyên liệu, năng lực phân phối, liên kết chuỗi, bảo vệ môi trường, tính hoàn thiện của bao bì, chất lượng sản phẩm…Tất cả các điều kiện phải hợp thức bằng văn bản. Vì không đủ năng lực và kiến thức hạn chế nên HSX thường bỏ qua các tiêu chí này. Do vậy khi tham gia OCOP, HSX thường không thể chạy đua được với những chủ thể khác, khó tiếp cận hơn với nguồn vốn hỗ trợ.

Theo đại diện Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, sản phẩm OCOP phải là những sản phẩm nổi trội, được sản xuất và phân phối bài bản. Do vậy, tỉnh sẽ chọn các sản phẩm có tiềm năng để xây dựng OCOP. Thường thì các chủ thể là doanh nghiệp, HTX có sự đầu tư cho sản phẩm hơn nên được tin tưởng lựa chọn. Tuy nhiên, không vì thế mà HSX bị bỏ qua. Xác định HSX là hạt nhân của kinh tế nông thôn, tỉnh rất quan tâm tới chủ thể sản xuất này. Bên cạnh trang bị cho HSX những kiến thức nền về OCOP, các cấp, các ngành tích cực hướng dẫn HSX thực hiện thủ tục cần thiết để hoàn thiện hồ sơ OCOP.

Năm 2019, Hải Dương có 12 sản phẩm được xếp hạng 4 sao nhưng chủ thể đều là doanh nghiệp vừa và nhỏ, HTX. Trong năm 2020, tỉnh phấn đấu sẽ có sản phẩm của hộ cá thể được xếp hạng sao. Từ đó, tạo ra động lực thúc đẩy các HSX nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh.

HOÀNG LINH

(0) Bình luận
Tham gia OCOP: Không để hộ sản xuất lép vế