Ngày hội non sông trên đất Tổ

25/04/2018 05:42

Bức tranh bằng gốm màu ghép "Ngày hội non sông trên đất Tổ" tại khu trung tâm lễ hội - khu di tích lịch sử Đền Hùng tạo điểm nhấn cho cảnh quan của khu di tích.


Bức tranh gốm “Ngày hội non sông trên đất Tổ” có chiều dài 72 m, cao 9,9 m

Được hình thành ý tưởng và xây dựng trong hơn 10 năm, bức tranh bằng gốm màu ghép “Ngày hội non sông trên đất Tổ” tại khu trung tâm lễ hội - khu di tích lịch sử Đền Hùng, TP Việt Trì (Phú Thọ) vừa đơn sơ, mộc mạc lại vừa rực rỡ, gói trọn nền văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc. Nhìn ngắm bức tranh ấy, chúng ta thêm phần khâm phục những con người đất Việt dù gian khổ vẫn không ngừng vươn lên, xây dựng cuộc sống ngày một ấm no.

Bức tranh “Ngày hội non sông trên đất Tổ” được sáng tác bằng chất liệu gốm màu lớn với chiều dài 72m, phần trung tâm hình bán nguyệt bán kính hơn 5 m, cao 9,9 m nối với các cảnh bổ trợ cao 6 m được đặt trên chân đế có cách điệu hoa văn cao gần 1 m để bảo đảm tầm nhìn lấy từ giữa sân trung tâm. Kết cấu móng và thân trụ bức tranh bằng bê tông cốt thép giúp bức tranh tồn tại lâu dài. Bức tranh màu được ghép từ 1.400 bức tranh gốm sản xuất tại làng gốm Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội). Kích thước mỗi viên 90x60 cm, dày 1,3 cm, được nung ở nhiệt độ 1.280 độ C. Bức tranh được khởi công năm 2012 và hoàn thành năm 2013, với tổng kinh phí hơn 16 tỷ đồng.

Trong các năm 1998 - 1999, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phú Thọ đã tập hợp các họa sĩ, nhà điêu khắc, kiến trúc sư có năng lực, chuyên môn thực hiện bức tranh này.

Bức tranh là sự tập trung trí tuệ, tài năng cùng tấm lòng thành kính của các họa sĩ thiết kế, nghệ nhân làm gốm. Tại trung tâm của bức tranh, ở một vị trí quan trọng nhất là hình tượng một vầng nhật nguyệt và bầu trời, họa tiết được khai thác từ hình tượng mặt trời của các trống đồng Ngọc Lũ, Đông Sơn. Hai bên nằm trên vòng bán nguyệt tượng trưng là đất có bố cục một bên là rồng, một bên là phượng biểu trưng cho hình tượng trong tứ linh (long, ly, quy, phượng), đồng thời là biểu tượng của nòi giống con Rồng cháu Tiên. Phía dưới gợi mở như một trang sách truyền thống, trên trang sách là hình tượng nhân dân các dân tộc trên cả nước quy tụ về để làm lễ dâng hương, kính dâng lễ vật. Phía dưới hình tượng mặt trời, nổi bật là 6 cô gái xếp hàng đôi dâng lễ vật: bánh chưng, bánh dày, lễ vật đặc trưng nhất trong ngày Giỗ Tổ.

Xuyên suốt chiều dài bức tranh là hình tượng quả trứng lấy từ truyền thuyết “Trăm trứng trăm con” của mẹ Âu Cơ. Trong các quả trứng này thể hiện được bố cục các lễ hội truyền thống tiêu biểu như “rước kiệu Đền Hùng”, “rước Lúa Thần”, “rước Chúa Gái”, “hội Phết”. Mở đầu từ bên trái là hình tượng Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân và Mẫu Âu Cơ cùng các con đang hăng say lao động dù là trên rừng hay dưới biển đều sống trong tình đoàn kết thương yêu, thể hiện về một đất nước thịnh vượng ấm no, hạnh phúc. Kết thúc bức tranh là hình tượng tỉnh Phú Thọ đang được xây dựng văn minh, hiện đại hôm nay và giàu đẹp trong tương lai. Xen kẽ là những hình ảnh sống động đầy màu sắc từ các lễ hội truyền thống của tỉnh như bơi thuyền, đánh đu, đánh trống, đâm đuống, kéo co, hát Xoan... Trên bầu trời là rực rỡ cờ Tổ quốc, cờ lễ hội với những đàn chim từ bốn phương trời đều quy tụ về nơi đất Tổ. 

Tác phẩm này không chỉ tái hiện lại quá khứ mà còn đưa vào những hình ảnh thân thuộc cuộc sống đương đại của vùng đất đang từng ngày đổi mới… Bên cạnh đó, bức phù điêu gốm màu còn bao quát toàn bộ lãnh thổ Việt Nam qua biểu tượng vùng biển, miền núi và đồng bằng. Trên những địa bàn đó là cảnh lao động của các dân tộc. Bức tranh đem đến cho du khách cái nhìn toàn diện về lịch sử phát triển của dân tộc Việt Nam.

Họa sĩ Mai Văn Kế, tác giả thiết kế của công trình tâm sự: “Gốm là một trong những phát minh quan trọng của tổ tiên ta từ ngàn đời nay, gắn bó mật thiết với cuộc sống hằng ngày. Với trí sáng tạo và đôi bàn tay khéo léo của các nghệ nhân, gốm cổ Việt Nam đã trở thành một loại hình nghệ thuật chứa đựng tính dân gian và tính dân tộc sâu sắc mang dấu ấn của nền văn minh lúa nước, văn hóa thuần Việt. Chúng tôi đã đưa nét văn hóa đặc biệt của dân tộc hòa quyện vào tổng thể khu di tích lịch sử Đền Hùng”.

Bức tranh là nền của khán đài trung tâm lễ hội bởi tại đây luôn diễn ra các sinh hoạt văn hóa tâm linh sôi động rất phù hợp với nội dung của bức tranh. Người thưởng lãm và người ở trong bức tranh có sự giao thoa đồng cảm, hòa quyện với nhau để tạo cho không khí lễ hội càng trở nên thiêng liêng. Không chỉ mang ý nghĩa và giá trị tâm linh, bức tranh còn tạo một điểm nhấn cho cảnh quan của khu di tích lịch sử Đền Hùng, đóng góp vào công tác giáo dục truyền thống cho các thế hệ hôm nay và mai sau. 

NINH GIANG

(0) Bình luận
Ngày hội non sông trên đất Tổ