Nghệ sĩ vượt khó theo đuổi đam mê

12/07/2020 20:01

Dù chịu nhiều thiệt thòi khi theo đuổi con đường nghệ thuật nhưng các nghệ sĩ ở Đoàn Nghệ thuật tỉnh vẫn nỗ lực vượt lên.

Nơi tập luyện của Đoàn Nghệ thuật tỉnh là sân khấu được xây từ năm 1972, chỉ rộng khoảng 200 m2, không có điều hòa, không quạt mát

Phải tập luyện trong điều kiện thiếu thốn, vất vả nhưng những nghệ sĩ của Đoàn Nghệ thuật (Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh) vẫn nỗ lực vượt lên.

“Anh em được biểu diễn trên nhiều sân khấu hoành tráng với hệ thống âm thanh, ánh sáng hiện đại nhưng địa điểm tập luyện thì chỉ có một và nó đã quá xuống cấp”, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh Phạm Minh Đức chỉ về phía sân khấu cũ của Nhà hát Hải Dương cũng là nơi tập luyện của các nghệ sĩ Đoàn Nghệ thuật tỉnh.

Sân khấu này được xây dựng từ năm 1972, chỉ rộng khoảng 200 m2. Mái sân khấu làm bằng tôn đã rỉ sắt, hoen ố, tường bong tróc, rêu phong phủ bám. Ở đây không có điều hòa, cũng chẳng có quạt mát. Với thời tiết nắng nóng như hiện nay, các nghệ sĩ chỉ có thể tập vào buổi sáng và tối, buổi chiều không tập nổi do ánh nắng chiếu trực tiếp xuống sân.

Đoàn Nghệ thuật tỉnh hiện có 28 nghệ sĩ, hầu hết còn trẻ. Những ngày này, các nghệ sĩ đang tranh thủ thời gian luyện tập để chuẩn bị phục vụ các sự kiện chính trị quan trọng của tỉnh như chào mừng Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh và Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020-2025. Thời tiết oi nóng, sân khấu lại quay mặt về hướng tây, không có tấm che nắng nên người nào cũng mồ hôi nhễ nhại.

Nếu đúng tiêu chuẩn, các nghệ sĩ phải có phòng tập riêng, có đủ trang thiết bị âm thanh, ánh sáng. Phòng múa phải đủ rộng, có quạt mát, điều hòa, gương lớn để các diễn viên tự điều chỉnh động tác... Chỉ đến khi các bộ phận tập luyện thuần thục mới ráp nối với nhau trên cùng một sân khấu. Chương trình nghệ thuật vì thế mới giảm nhiều thời gian tập luyện, nghệ sĩ đỡ vất vả, chất lượng các tiết mục cũng bảo đảm. Nhưng hiện nay tất cả các bộ phận của Đoàn Nghệ thuật tỉnh chỉ có duy nhất một nơi luyện tập, lại bị tác động bởi thời tiết nên khi có những chương trình lớn, đòi hỏi chất lượng cao thì nghệ sĩ phải tập luyện kéo dài cả tháng. Việc ăn nghỉ cũng tạm bợ ngay tại nơi tập luyện. “Chẳng còn Đoàn Nghệ thuật tỉnh, thành phố nào ở miền Bắc lại phải tập luyện trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn như ở tỉnh ta”, ông Đức nhận xét.

Những nghệ sĩ ở Đoàn Nghệ thuật tỉnh gần như không được nghỉ cuối tuần. Ngoài thời gian tập luyện hằng ngày, họ phải đi biểu diễn phục vụ nhiều sự kiện chính trị của tỉnh hoặc ở các địa phương. Năm nay, trên địa bàn tỉnh diễn ra nhiều sự kiện quan trọng nên công việc của họ lại càng bộn bề. Có khi trong một ngày, họ phải "chạy" 2-3 chương trình. Những nghệ sĩ nhà ở dưới huyện phải nghỉ luôn tại đoàn. 

Ca sĩ Đinh Hữu Tài có hơn 10 năm làm trong Đoàn Nghệ thuật tỉnh giãi bày: “Vào ngày lễ, Tết mọi người được sum họp gia đình, đi chơi còn anh em nghệ sĩ chúng tôi vẫn phải đi biểu diễn. Từ ngày theo nghề tôi chưa bao giờ được đón giao thừa bên gia đình". Chị Vũ Thị Thuý, Phó Trưởng Đoàn Nghệ thuật tỉnh hiện nay vừa làm biên đạo, vừa kiêm diễn viên múa. Do tính chất công việc vất vả, đòi hỏi nhiều thời gian nên chị thường xuyên phải xa nhà. “Lắm lúc cũng muốn dành thời gian bên con cái nhưng vì công việc mà không thể. Cũng may mọi người trong gia đình đều thông cảm, cháu cũng chăm ngoan, biết nghe lời nên tôi mới yên tâm làm việc”, chị Thúy nói.

Đoàn Nghệ thuật tỉnh còn tham dự những chuyến lưu diễn tại các tỉnh, thành phố trong nước. Năm nào họ cũng vào tỉnh Phú Yên kết nghĩa biểu diễn nghệ thuật phục vụ nhân dân, có năm còn biểu diễn tại Đà Nẵng, các tỉnh Tây Nguyên. Những chuyến đi như vậy thường kéo dài ít nhất 1 tháng với không ít vất vả. Họ phải di chuyển bằng ô tô với quãng đường lên tới hàng nghìn km. 

Khó khăn, vất vả là thế nhưng các nghệ sĩ của Đoàn Nghệ thuật tỉnh vẫn luôn cố gắng khắc phục, đoàn kết vươn lên để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Bình quân mỗi năm đoàn thực hiện 150 buổi biểu diễn nghệ thuật, hơn 40 chương trình phục vụ các sự kiện lớn trong tỉnh. Mỗi lần tham dự Hội diễn sân khấu kịch nói, ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc, đoàn đều đứng trong tốp đầu, nhiều tiết mục giành huy chương vàng. Năm nào đoàn cũng hoàn thành và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Dù chịu nhiều thiệt thòi khi theo đuổi con đường nghệ thuật nhưng các nghệ sĩ ở Đoàn Nghệ thuật tỉnh cũng có những niềm vui riêng. Cứ 2 năm một lần, các nghệ sĩ được cử tham gia Lễ hội văn hóa Hwaseong Suwon (Hàn Quốc). Đoàn có cơ hội được giao lưu, biểu diễn cùng các nghệ sĩ ở nhiều quốc gia. Diễn viên múa Tiêu Hoàng Chính cho biết anh đã 2 lần vinh dự được tham gia lễ hội này, mỗi lần anh đều có những trải nghiệm mới lạ. “Tôi được mở mang tầm mắt rất nhiều nhưng quan trọng hơn là vinh dự được mang những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc, của xứ Đông quảng bá tới bạn bè quốc tế”, anh Chính nói.

BÌNH MINH

(0) Bình luận
Nghệ sĩ vượt khó theo đuổi đam mê