Nghệ thuật kịch nói xưa và nay

31/03/2019 12:39

Kịch nói là loại hình sân khấu trình bày hành động và đối thoại của các nhân vật để phản ánh những xung đột trong đời sống xã hội.

Một tiết mục kịch do các diễn viên Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh biểu diễn

Trong kịch nói, yếu tố lời nói (được thể hiện bằng văn vần hoặc văn xuôi) là chủ yếu và quan trọng trên sân khấu. Còn yếu tố âm nhạc, nếu có chỉ là phần thứ yếu. Tuy nhiên, ngày nay khi biểu diễn kịch nói, đối với các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp, âm nhạc rất được coi trọng, nó không thể thiếu trong một vở diễn.

Nghệ thuật kịch nói ra đời rất sớm ở phương Tây và đạt tới trình độ cao ngay từ thời cổ đại. Sau đó phát triển mạnh và trở thành một loại hình nghệ thuật có tính cách thế giới bắt đầu từ thời kỳ tư bản chủ nghĩa. Nhiều đạo diễn đã cho ra mắt những vở diễn hoành tráng, công phu với dàn diễn viên tài năng, gây được ấn tượng sâu sắc trong lòng công chúng. Có những vở huy động lên sân khấu tới hàng trăm diễn viên với những trường đoạn rất hấp dẫn về chiến tranh, tâm lý xã hội…

Ở Việt Nam đầu thế kỷ XX, văn hóa phương Tây mà chủ yếu là văn hóa Pháp xâm nhập vào ngày một nhiều. Cùng với các loại hình văn học, nghệ thuật khác, kịch nói cũng được du nhập và từng bước phát triển. Giai đoạn này, các bộ môn sân khấu truyền thống của nước ta như tuồng, chèo, cải lương… với những hình thức và ước lệ gò bó khó thể hiện được hết những vấn đề bức xúc trong xã hội đương đại. Hơn nữa, nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của một bộ phận công chúng ở thành thị có những đòi hỏi mới và kịch nói tại Việt Nam đã ra đời nhằm đáp ứng những yêu cầu đó.

Lúc đầu các nghệ sĩ Việt Nam phải dựa vào vở kịch “Người bệnh tưởng” của Molière và biểu diễn tới hàng năm trời ở Hà Nội và một số thành phố lớn. Từ năm1920 trở đi, những vở kịch nói Việt Nam đã lần lượt ra đời và từ đó luôn giữ vai trò chủ thể của sân khấu kịch nói nước nhà.

Từ khi hình thành đến Cách mạng Tháng Tám năm 1945, hoạt động của kịch nói Việt Nam còn mang đậm tính chất tài tử (amateur), đó chỉ là loại hình nghệ thuật do một số trí thức, nghệ sĩ không chuyên sáng tác tùy hứng, tùy thích biểu diễn phục vụ cho tối đa số trí thức xem.

Trong cuộc kháng chiến chống Pháp (1946-1954), kịch nói phát triển rộng lớn thành phong trào cả về số lượng và chất lượng. Đặc biệt, từ năm 1960 trở đi, hoạt động kịch nói đã được chuyên nghiệp hóa ở miền Bắc, sau 1975 ở miền Nam cũng có nhiều đoàn kịch nói chuyên nghiệp ra đời và hoạt động mạnh.

Nội dung kịch nói của nước ta từ năm 1955 đến nay khá đa dạng, phong phú, phản ánh cuộc sống, chiến đấu, lao động và xây dựng quê hương đất nước, ca ngợi những con người có lý tưởng sống đẹp, những việc làm tốt mang tính nhân văn. 

Ở Hải Dương, nghệ thuật kịch nói cũng phát triển khá mạnh ở cả hai lĩnh vực chuyên nghiệp và không chuyên. Huyện nào cũng có một vài đội kịch phục vụ nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Tỉnh có một đoàn kịch nói chuyên nghiệp, nay là Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh đã hoạt động gần 40 năm với gần trăm vở diễn lớn nhỏ. Đoàn có nhiều diễn viên, nghệ sĩ giàu kinh nghiệm và tài năng. Qua các hội diễn khu vực và toàn quốc, đoàn kịch nói Hải Dương đã giành được hàng chục huy chương vàng, bạc, đồng và bằng khen cho tập thể, cá nhân. Ba nghệ sĩ của đoàn là Trịnh Thái, Kim Quy, Thu Hường đã được phong tặng danh hiệu nghệ sĩ ưu tú. Một số vở diễn xuất sắc của đoàn được trình diễn hàng trăm đêm cho khán giả trong và ngoài tỉnh như Những đứa con cô đơn, Bỉ vỏ, Đồng đội, Nốt nhạc cuối cùng, Đạo học, Nàng Sita… Những nghệ sĩ kịch nói xuất sắc của Hải Dương đã giành nhiều huy chương trong hội diễn chuyên nghiệp, điển hình như Trịnh Thái, Trung Cường, Kim Quy, Thu Hường, Hồng Kiên, Thu Mai, Văn Cường…

Tuy nhiên, hoạt động kịch nói không chỉ tại Hải Dương mà trong cả nước cũng gặp nhiều khó khăn. Đó là thiếu kịch bản hay, thưa vắng khán giả đến các rạp, sân khấu biểu diễn. Điều đó đòi hỏi các nhà viết kịch phải cố gắng rất nhiều để sáng tác được những kịch bản hấp dẫn người xem, nhất là đối với đông đảo khán giả trẻ. Phải viết thế nào để sân khấu kịch nói như những chương trình ca nhạc có các“ngôi sao” về biểu diễn. Lẽ dĩ nhiên, chúng ta có thể yên tâm rằng ở các đoàn kịch nói chuyên nghiệp hiện nay, đoàn nào cũng có ít nhất vài ba ngôi sao thực thụ. Riêng về tác giả sân khấu kịch nói ở Hải Dương hiện cũng có một số cây bút trẻ có nhiều triển vọng, đặc biệt là tác giả Phương Hạnh. Chị đã có hàng chục kịch bản được dàn dựng, biểu diễn và phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam.

Ngoài kịch bản dài, có lẽ mỗi đoàn cũng nên dàn dựng một số tiết mục kịch ngắn, vui, hấp dẫn và mang tính giáo dục cao thì nhất định sẽ “ăn khách”. Mặt khác, căn cứ vào khả năng của từng đoàn, có thể xây dựng thêm một số chương trình ca múa nhạc, để trước mỗi vở kịch nói chúng ta có thể thu hút và làm vui lòng khán giả.

Với sự thay đổi tên và chức năng, nhiệm vụ, Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh cũng đang năng động, chuyển mình, tích cực xây dựng nhiều tiết mục, chương trình ca múa nhạc, kịch đặc sắc phù hợp với yêu cầu của khán giả trong thời kỳ mới, bước đầu đã được công chúng đón nhận.

Sân khấu kịch nói Việt Nam ra đời tuy có muộn hơn so với các loại hình sân khấu truyền thống khác, nhưng đến nay nó đã phát triển khá nhanh và có một đội ngũ đông đảo tác giả, đạo diễn, diễn viên được đào tạo chính quy, có tâm huyết, tài năng. Tin tưởng rằng, với sự chăm lo của Đảng và Nhà nước, sự ủng hộ của nhân dân, cùng với sự quyết tâm phấn đấu của những người hoạt động nghệ thuật kịch nói, môn nghệ thuật này sẽ tiếp tục phát triển và có nhiều tác phẩm đặc sắc hơn nữa, góp phần làm phong phú thêm nghệ thuật sân khấu của nước nhà.

KHÚC KIM TÍNH

(0) Bình luận
Nghệ thuật kịch nói xưa và nay