Đúc kết 6 kinh nghiệm chống COVID-19 sau đợt dịch ở Hải Dương

17/04/2021 06:00

Tại Hội nghị trực tuyến “Tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19” ngày 16/4, Bộ trưởng Bộ Y tế đã chia sẻ 6 kinh nghiệm được đúc kết từ đợt dịch thứ 3 tại Hải Dương vừa qua.


Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, kiểm soát dịch bệnh COVID-19 là thách thức lớn đối với toàn cầu trong năm 2021, trong đó có Việt Nam

Tại Hội nghị, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Y tế cho biết, trên thế giới, nhiều quốc gia đang quay trở lại phong tỏa, cách ly, giãn cách xã hội vì COVID-19. Các nước trong khu vực cũng đang đưa ra cảnh báo về tình trạng khủng hoảng kinh tế do dịch bệnh toàn cầu. Trước thách thức lớn này, việc kiểm soát tình hình dịch COVID-19 trong năm 2021 hết sức khó khăn với tất cả quốc gia, trong đó có Việt Nam.

“Việt Nam đã trải qua 3 đợt dịch bùng phát, trong đó đợt dịch gần đây nhất tại Hải Dương, chúng ta cũng đã chiến thắng. Bộ Y tế cũng đã đúc rút một số kinh nghiệm mang tính chuyên môn, kỹ thuật để các địa phương cùng nhìn nhận và có phương án chủ động khi bất ngờ có dịch xảy ra, chúng ta triển khai không lúng túng”, Bộ trưởng cho biết.

Cụ thể, bài học đầu tiên là kinh nghiệm cách ly và phải cách ly tập trung. Các địa phương cần có phương án, kế hoạch cách ly tập trung cùng lúc nhiều người. Khi bất ngờ xảy ra dịch, điều đầu tiên thay vì lúng túng, chúng ta cần phải thực hiện tuyệt đối cách ly tập trung, thậm chí phải cách ly với quy mô tới hàng nghìn người, mới ngăn chặn mầm bệnh lây nhiễm trong cộng đồng.

Bài học thứ hai là phong tỏa, khoanh vùng. Trong đợt dịch thứ 3 tại Hải Dương, chúng ta đã thực hiện khoanh vùng và xét nghiệm trên diện rộng nhưng phong tỏa trên diện hẹp. Trong tình huống cụ thể, chúng ta cũng không ngần ngại phong tỏa diện rộng, ví dụ như quyết định phong tỏa ngay Chí Linh nhằm ngăn chặn mầm bệnh.

Phải cách ly tập trung là bài học đầu tiên khi bất ngờ xảy ra dịch tại mỗi địa phương

"Chúng ta thực hiện khoanh vùng, xét nghiệm trên diện rộng tại địa phương có dịch, phong tỏa diện hẹp với địa phương khác, để làm giảm tác động tới tăng trưởng kinh tế của các địa phương khác”, Bộ trưởng chia sẻ.

Bài học thứ ba là truy vết. Ngay từ đợt dịch đầu, Việt Nam đã tập trung cho công tác truy vết tại các địa phương với việc thành lập các tổ COVID-19 cộng đồng. Nhưng trường hợp có nhiều ca thì việc truy vết khó khăn hơn rất nhiều. Và bài học từ Hải Dương được rút ra, đó là sự vào cuộc của công an trong truy vết.

“Đây là một ghi nhận quý báu tại Hải Dương và hiện nhiều địa phương đã áp dụng. Tới đây, Bộ Y tế sẽ phối hợp với Bộ Công an tập huấn cho lực lượng công an triển khai truy vết tại các tỉnh, thành phố thay vì chỉ một lực lượng truy vết trên địa bàn”, Bộ trưởng cho biết.

Các địa phương cần có kế hoạch sẵn sàng lập bệnh viện dã chiến sử dụng cơ sở sẵn có trên địa bàn để tập trung điều trị cho bệnh nhân COVID-19 cũng như đảm bảo các cơ sở y tế khác không bị ảnh hưởng

Bài học thứ tư là xét nghiệm. Chúng ta phải chuẩn bị cơ sở vật chất, tài chính và sự phối hợp giữa các đơn vị trong triển khai lấy mẫu xét nghiệm, thực hiện trộn mẫu nếu số lượng mẫu xét nghiệm lớn. Nếu xét nghiệm càng nhanh thì việc khoanh vùng càng nhanh và khống chế dịch càng sớm.

Bài học thứ năm là lập bệnh viện dã chiến sử dụng cơ sở sẵn có trên địa bàn. Thời gian đầu, Hải Dương có lúng túng về vấn đề điều trị, nhưng Bộ Y tế đã yêu cầu thành lập ngay bệnh viện dã chiến tại Chí Linh. Việc lập nhanh bệnh viện dã chiến ngay trên địa bàn nhằm tập trung điều trị cho bệnh nhân COVID-19 cũng như đảm bảo các cơ sở y tế khác không bị ảnh hưởng. Đồng thời phải điều phối nhân lực y tế trong lấy mẫu, xét nghiệm, điều trị, truy vết, khoanh vùng, cách ly… một cách bài bản, khoa học.

Bài học thứ sáu là việc “cắm chốt” lực lượng tiền phương tại chỗ nhằm đánh giá tình hình thực tiễn để đưa ra những quyết định phù hợp nhất để kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh cũng như điều phối lực lượng y tế trên địa bàn chống dịch.

Qua thực tiễn điều hành, qua thành công khống chế 3 đợt dịch bùng phát, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho rằng, chúng ta có đủ những kiến thức và kinh nghiệm từ tổng kết thực tiễn để điều hành chống dịch. Những kinh nghiệm này rất quý báu với các địa phương, bao gồm địa phương có nguy cơ thấp xảy ra dịch.

Bộ trưởng đề nghị các địa phương và người dân không chủ quan, không lơ là trong phòng, chống dịch. "Chúng ta xác định việc kiểm soát dịch năm 2021 là thách thức, khó khăn mà chúng ta phải cố gắng nỗ lực hơn nữa", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Theo VGP

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đúc kết 6 kinh nghiệm chống COVID-19 sau đợt dịch ở Hải Dương