Hút thuốc lá - nguyên nhân chính của các bệnh về phổi

31/05/2019 09:23

Tuần lễ quốc gia không thuốc lá từ ngày 25.5 đến 31.5 và Ngày Thế giới không thuốc lá 31.5 năm nay có chủ đề “Thuốc lá và các bệnh về phổi”.


Thuốc lá là kẻ thù hàng đầu của lá phổi. Trong ảnh: Khám bệnh cho bệnh nhân mắc bệnh về phổi do hút thuốc lá tại Bệnh viện Phổi Hải Dương 

Hiểu rõ thì đã muộn

Năm nay, ông Phạm Văn Láp ở xã Nam Chính (Nam Sách) 66 tuổi nhưng đã có khoảng 50 năm nghiện thuốc lá. Nhiều lần ông Láp nghe thông tin về những tác hại mà thuốc lá gây ra đối với sức khỏe của người hút và những người xung quanh. Biết hại là vậy, cũng đôi ba lần ông thử từ bỏ thuốc lá nhưng rồi không thành. Cho đến thời điểm khoảng 1 năm trước, khi sức khỏe của ông có dấu hiệu sa sút rõ rệt, thường xuyên mệt mỏi, sốt cao về chiều, ông mới đi khám bệnh. Sau nhiều lần ngược xuôi các bệnh viện ở tỉnh, Trung ương, cuối cùng ông Láp không khỏi giật mình khi cầm tờ kết quả trên tay xác nhận ông bị ung thư phổi. Các bác sĩ cho biết việc hút thuốc lá là một trong những nguyên nhân khiến ông mắc căn bệnh này. Kể từ đó đến nay, cuộc sống của ông gắn liền với bệnh viện, thời gian điều trị trong viện còn nhiều hơn ở nhà. Sau khi biết mình mắc căn bệnh ung thư, ông đã đoạn tuyệt với thuốc lá. Giờ đây, khi sức khỏe yếu hơn, tóc rụng hết sau nhiều đợt truyền hóa chất, ông mới cảm thấy hối tiếc về những tháng ngày làm bạn với thuốc lá. Mỗi khi có đợt về nhà ngắn ngủi, gặp những người thân, bạn bè hút thuốc ông lại khuyên họ từ bỏ và lấy chính câu chuyện của bản thân để làm bài học nhãn tiền về hậu quả của việc hút thuốc lá. 

Ông Vũ Văn Thời, 60 tuổi ở xã Cẩm Định (Cẩm Giàng) cũng nghiện thuốc lá lâu năm. Từng có thời điểm một ngày ông hút hết 2 bao thuốc. Khi cảm thấy có nhiều lúc khó thở, ông đi khám và được kết luận mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính giai đoạn3, phải điều trị tại Khoa Nội 1 (Bệnh viện Phổi Hải Dương). 

Không nghiện thuốc lá, thuốc lào, nhưng khoảng 2 tuần trước, anh Nguyễn Văn Vinh, 45 tuổi ở xã Phạm Kha (Thanh Miện) phải nhập viện điều trị do bị viêm phổi. Tới bệnh viện anh mới biết một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng viêm phổi chính là do anh thường xuyên ngửi phải khói thuốc lá do những người xung quanh phả ra. Anh Vinh cho biết: “Môi trường làm việc của tôi có nhiều người hút thuốc lá, mỗi khi ngửi thấy mùi khói thuốc tôi đều cảm thấy ngột ngạt, khó chịu và ho nhiều. Tôi cũng thường nghe về tác hại của việc hút thuốc lá thụ động nhưng không ngờ nó lại nguy hiểm đến vậy và có ngày mình lại trở thành nạn nhân. Sau đợt điều trị này, khi ra viện tôi sẽ chủ động tránh xa khói thuốc lá để không ảnh hưởng đến sức khỏe”. 

Nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi

Với chủ đề “Thuốc lá và các bệnh về phổi” của Tuần lễ quốc gia không thuốc lá, Ngày Thế giới không thuốc lá 31.5, Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Bộ Y tế kêu gọi những hành động kịp thời nhằm giảm nguy cơ tử vong do các bệnh phổi liên quan đến sử dụng thuốc lá. Chất độc của khói thuốc lá gây hại cho cơ thể từ thời điểm chúng xâm nhập qua miệng và mũi. Chúng phá hủy mô và tế bào ở tất cả các đường dẫn tới phổi. Sau nhiều năm tiếp xúc với khói thuốc lá, mô phổi trở nên cứng, giảm độ đàn hồi, giảm hiệu quả trao đổi khí. Thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây ra nhiều bệnh lý về phổi, trong đó có bệnh hen suyễn, phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phổi... Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hằng năm, trên thế giới có khoảng 600.000 người mắc ung thư phổi, trong đó 90% trong số này là người hút thuốc lá. Thuốc lá cũng là nguyên nhân của 75% các ca bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. 

Theo bác sĩ Trần Thị Mai, Trưởng Khoa U bướu (Bệnh viện Phổi Hải Dương), qua nhiều nghiên cứu, thống kê của bệnh viện cho thấy có khoảng 80% số bệnh nhân mắc các bệnh về phổi điều trị tại bệnh viện liên quan trực tiếp đến thuốc lá. Bệnh nhân có thể là người nghiện thuốc lá hoặc là người hút thuốc lá thụ động. Điều đáng nói phần lớn bệnh nhân phát hiện ra các bệnh lý về phổi khi đã ở giai đoạn muộn, gây nhiều khó khăn, trở ngại cho quá trình điều trị. Dù tác hại của thuốc lá được thông tin, tuyên truyền qua nhiều hình thức nhưng chỉ đến khi nhập viện, nhiều người mới biết rõ mức độ ảnh hưởng của nó đến lá phổi. Các y, bác sĩ đưa ra khuyến cáo để bệnh nhân từ bỏ thuốc lá, phối hợp trong quá trình điều trị, song vẫn có bệnh nhân không tuân thủ. Thậm chí, có trường hợp bệnh nhân bị phổi tắc nghẽn mạn tính không chịu được cơn thèm thuốc lá, lén lút vào nhà vệ sinh hút và sau đó phải... cấp cứu. 

Để tránh ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của bản thân và những người xung quanh, những người đang hút thuốc lá cần bỏ càng sớm càng tốt.                                 

HOÀNG QUÂN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hút thuốc lá - nguyên nhân chính của các bệnh về phổi