Khó quản lý thức ăn đường phố

02/07/2019 13:16

Nhờ tiện lợi nên thức ăn đường phố đã được nhiều người sử dụng, nhưng nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) rất cao.

Cán bộ Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh làm mẫu xét nghiệm tại một điểm kinh doanh ăn sáng ở phường Tân Bình (TP Hải Dương)

Các cơ quan chức năng cũng đang gặp không ít khó khăn trong quản lý loại hình kinh doanh này.

Hơn 70% số thực phẩm không có nguồn gốc

Mấy năm gần đây, dịch vụ thức ăn đường phố ở phường Bình Hàn (TP Hải Dương) phát triển nhanh chóng. Nếu như trước kia phường chỉ có một vài quán nhỏ bán đồ ăn sáng, cơm bụi thì nay có cả những dãy phố ẩm thực với hàng trăm cửa hàng kinh doanh những món ăn đường phố khác nhau. Anh Nguyễn Huy Thành, cán bộ phụ trách ATVSTP của phường Bình Hàn cho biết: “Toàn phường hiện có hơn 150 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống. Thực tế con số này có thể còn nhiều hơn, bởi không ít cơ sở ăn uống nhỏ lẻ của nhiều gia đình chỉ bán sáng hoặc tối. Lực lượng cán bộ y tế phường phụ trách ATVSTP mỏng nên việc kiểm tra chỉ tập trung theo từng đợt, không thể thường xuyên, liên tục. Trong các cuộc kiểm tra, cán bộ phụ trách ATVSTP của phường chủ yếu mới chỉ nhắc nhở nên chưa đủ sức răn đe”.

Toàn tỉnh hiện có khoảng 10.000 cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm và dịch vụ thức ăn đường phố nhưng chỉ có khoảng 35% số cơ sở được cơ quan quản lý cấp phép. Còn một số lượng không nhỏ các quán bán rong thực phẩm hoạt động trôi nổi. Theo Chi cục ATVSTP, trong số các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố được quản lý thì chỉ có 18,5% số cơ sở đạt yêu cầu quy định về ATVSTP. Tỷ lệ người kinh doanh, chế biến thực phẩm được khám sức khỏe định kỳ và trang bị kiến thức về bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là kinh doanh thức ăn đường phố còn rất ít. Do hoạt động mang tính tạm thời nên việc quản lý và cấp phép cho các cơ sở kinh doanh theo hình thức này gặp nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Xuân Trường, Phó Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh cho rằng: Qua đợt kiểm tra chuyên đề về dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố ở TP Hải Dương mới đây cho thấy, ý thức chấp hành về ATVSTP của các chủ nhà hàng chưa cao. Sau khi được kiểm tra có tới trên 70% số thực phẩm không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, nguy cơ mất ATVSTP cao. Theo ông Trường, để quản lý tốt dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố, cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức ATVSTP cho những người trực tiếp sơ chế, chế biến và bán hàng. Các cấp chính quyền, nhất là lãnh đạo các phường, xã cùng các ngành chức năng của địa phương cần vào cuộc quyết liệt hơn trong xử lý những cửa hàng, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố vi phạm ATVSTP”.

Nguy cơ mắc các bệnh mạn tính về đường ruột

Thực tế thức ăn đường phố khá tiện lợi, nhiều người dân thích sử dụng nhưng hiểu biết của người bán hàng về bảo quản thức ăn còn hạn chế. Nguyên liệu chế biến gần như nằm ngoài sự kiểm soát của cơ quan chức năng, nguy cơ cao dẫn đến mắc các bệnh về đường tiêu hóa, thậm chí gây ngộ độc thực phẩm. Khoa Nội 4, Bệnh viện Đa khoa tỉnh thường xuyên tiếp nhận những ca ngộ độc thực phẩm, nhất là trong các ngày lễ, Tết. Phần lớn người bị ngộ độc thực phẩm đều xuất phát từ việc dùng thức ăn không bảo đảm ATVSTP. Đối với ngộ độc thực phẩm thức ăn đường phố, đa số người bị có biểu hiện nhẹ như đau bụng, tiêu chảy và tự khỏi nên thường không để ý. Nhưng nếu thường xuyên dùng thực phẩm bị nhiễm khuẩn thì nguy cơ mắc các bệnh mạn tính về đường ruột khó tránh khỏi.

Thức ăn đường phố ẩn chứa nhiều mối nguy do nguyên liệu tươi sống dễ bị nhiễm vi sinh, đặc biệt người bán thường mua loại kém chất lượng để có giá rẻ, lãi nhiều hơn. Dụng cụ chứa thức ăn bán ở đường phố thường không bảo đảm vệ sinh, dễ làm hỏng thức ăn. Các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố không có đầy đủ tủ bảo quản, thức ăn không được che đậy. Phần lớn thức ăn đường phố được bày bán ngay trên mặt đất, gần với cống rãnh, hố ga... cũng dễ khiến đồ ăn, thức uống bị nhiễm khuẩn...

Để bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng, chính quyền địa phương cần phối hợp chặt chẽ với ngành, đơn vị chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các cơ sở kinh doanh, chế biến thức ăn đường phố. Mỗi người dân cần thông thái, lựa chọn cho mình những nhà hàng, cơ sở cung cấp dịch vụ ăn uống sạch sẽ, được cơ quan quản lý nhà nước cấp phép để tránh bị ngộ độc cũng như mắc bệnh mạn tính liên quan đến sử dụng thực phẩm đường phố không an toàn.

ĐỨC THÀNH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khó quản lý thức ăn đường phố