Loay hoay điều trị 'ngáo đá'

10/09/2019 10:37

Người loạn thần (còn gọi là "ngáo đá") do sử dụng các chất ma túy tổng hợp ngày càng gia tăng chóng mặt, kéo theo đó là nhiều vụ án mạng đau lòng liên tiếp xảy ra.

Dạy học nghề đan lát tại cơ sở cai nghiện số 3 (H.Phú Giáo, Bình Dương)

Dù không còn mấy xa lạ nhưng khi xem đoạn video trình chiếu về "đời sống thực" của người loạn thần trong Cơ sở xã hội Nhị Xuân (H.Hóc Môn, TP.HCM), nhiều người vẫn thấy "nổi cả da gà" vì kinh sợ. 

Đó là hình ảnh những chàng trai tuổi mới đôi mươi nằm co quắp trong phòng với khuôn mặt ngây dại, miệng chửi bới lảm nhảm; hay đó là hiện thân của một "đại ca giang hồ" xăm trổ đứng giữa sân vỗ ngực giương oai quát tháo. Có khi lại là hình ảnh của một "võ sư" đang múa bài quyền chẳng giống ai. 

Loạn thần biến họ trở thành một con người hoàn toàn khác...

Loạn thần ngày càng tăng

Chia sẻ kinh nghiệm trong chẩn đoán, điều trị, chăm sóc và quản lý bệnh nhân rối loạn tâm thần bởi sử dụng các chất ma túy tổng hợp (ATS) mới đây, bác sĩ Hán Thị Hồng Tuyến - trưởng phòng y tế Cơ sở xã hội Nhị Xuân - cảnh báo số người sử dụng ma túy dạng amphetamin (tổng hợp) ngày càng chiếm tỉ lệ cao. Có khoảng 80% số người nghiện sử dụng phối hợp cùng lúc nhiều loại ma túy như cần sa, heroin, amphetamin... Và con số này không có dấu hiệu dừng lại.

Theo bác sĩ Tuyến, từ năm 2017 đến nay, trung bình mỗi năm đơn vị tiếp nhận cắt cơn giải độc và chăm sóc sức khỏe cho 6.000 người cai nghiện ma túy. Đặc biệt trong số này, tình trạng người nghiện ma túy có biểu hiện rối loạn tâm thần đều tăng qua các năm.

Cụ thể năm 2017, trong tổng số 1.358 người cai nghiện tự nguyện có 315 người bị loạn thần; năm 2018 là 384/1.743 bệnh nhân và 6 tháng đầu năm 2019 là 252/909 bệnh nhân. Tình trạng này tại các cơ sở cai nghiện số 1 (Đắk Nông), số 2 (Lâm Đồng) và số 3 (Bình Dương) đều có biểu hiện gia tăng.

Ngoài ra, theo khảo sát của phòng xã hội Lực lượng TNXP TP, người nghiện ma túy tổng hợp có đặc điểm chung là có diễn biến tâm lý phức tạp như trầm cảm, lo lắng, ám ảnh, cáu gắt, trí nhớ kém, mê sảng, lời nói khó hiểu, tự hủy hoại thân thể... Đặc biệt, nhiều học viên có hành vi hung hăng, to tiếng trong giao tiếp, gây sự đánh nhau với các học viên khác. Thống kê cho thấy có tới 90% số vụ việc học viên gây rối liên quan đến việc có tiền sử loạn thần hoặc đang điều trị loạn thần.

"Trong số hàng ngàn người cai nghiện có khá nhiều trường hợp có biểu hiện rối loạn tâm thần, hành vi và các bệnh đồng diễn khác như nhiễm trùng cơ hội, lao, HIV/AIDS, tiểu đường, cao huyết áp..." - ông Nguyễn Văn Bình, phó chỉ huy trưởng Lực lượng TNXP TP Hồ Chí Minh nói.

Bất cập từ quản lý đến điều trị

Theo các cơ sở cai nghiện, điều bất cập lớn trong việc điều trị người loạn thần hiện nay là chưa có quy trình quản lý, giáo dục rèn luyện, tư vấn bệnh lý tâm thần chuyên biệt áp dụng dành riêng cho từng người nghiện ma túy rối loạn tâm thần. Điều này buộc các cơ sở đang áp dụng chương trình giáo dục chung cho tất cả các học viên theo thời gian vào cai nghiện.

Cụ thể, các học viên cai nghiện (cả loạn thần) đều có chung chương trình học gồm chuyên đề, học nghề, mạn đàm giá trị sống, giao ban, tập yoga, aerobic, thể hình... Theo các cơ sở, đây là thực trạng bất cập trong quản lý điều trị bởi học viên bị loạn thần khó tham gia các hoạt động liên quan đến đòi hỏi sự tập trung, suy nghĩ, nhận thức.

Ngoài chương trình điều trị, Cơ sở xã hội Nhị Xuân còn nêu ra hàng loạt khó khăn khác về quản lý người loạn thần hiện nay, như chủ yếu dựa vào kinh nghiệm "người đi trước chỉ người đi sau", các cán bộ còn hạn chế về chuyên môn và kỹ năng mềm. Mặt khác, việc nhận diện học viên loạn thần và đánh giá được mức độ loạn thần... rất hạn chế, chủ yếu bằng kinh nghiệm. Điều này gây khó khăn trong việc sắp xếp người quản lý điều trị phù hợp. Đặc biệt chưa có khu vực dành riêng cho người bị loạn thần điều trị.

Chưa có thuốc điều trị đặc hiệu

Bác sĩ Huỳnh Thanh Hiển - Bệnh viện Tâm thần TP.HCM - cho biết loạn thần, dân gian thường gọi là "ngáo đá", được chia ra hai cấp độ là loạn thần cấp và loạn thần bán cấp.

Hiện nay trên thế giới chưa có thuốc đặc hiệu để điều trị nghiện ma túy đá và cũng không có một tiêu chuẩn nhất định về thời gian điều trị dứt điểm loạn thần.

"Thời gian điều trị loạn thần tùy thuộc từng trường hợp, có người đáp ứng tốt, có người đáp ứng kém, thậm chí không đáp ứng. Loạn thần do sử dụng nhóm ma túy đá hoặc các loại ma túy tổng hợp mới sẽ được điều trị như một trường hợp loạn thần trong các bệnh lý tâm thần" - bác sĩ Hiển nói.

Theo các thống kê trên thế giới, tỉ lệ loạn thần thường chiếm từ 10 - 20% trong tổng số người sử dụng ma túy đá, tỉ lệ này đặc biệt tăng cao ở người sử dụng trên 6 tháng. Các triệu chứng loạn thần thường được điều trị ổn định sau từ 2 - 4 tuần; có một số trường hợp điều trị kéo dài một đến vài năm nhưng chưa hẳn đã mất triệu chứng loạn thần, nguyên nhân tại sao đến nay vẫn chưa rõ.

Bác sĩ Hiển cho rằng ma túy đá và heroin, nếu đặt lên bàn cân, rất khó để đánh giá loại nào gây hại hơn. Bởi heroin nghiện rất kinh khủng, là chất gây nghiện nhanh nhất và rất khó từ bỏ nhất trong tất cả các chất gây nghiện. 

Tuy nhiên nghiện heroin có thể điều trị bằng liệu pháp methadone, còn ma túy đá tuy chậm nghiện hơn, dễ từ bỏ hơn nhưng hiện không có thuốc điều trị đặc hiệu. Chưa kể, ma túy đá nếu sử dụng trên 6 tháng có khả năng gây loạn thần và gây ra các tổn thương não không thể hồi phục.

70% người nghiện dưới 30 tuổi

Theo báo cáo của Bộ Công an, tính đến ngày 30-6-2019, cả nước có 224.142 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý. Người nghiện thuộc mọi thành phần, lứa tuổi từ học sinh, sinh viên, cán bộ công chức cho đến người dân lao động, vùng sâu, vùng xa. Trong đó có đến 70% số người nghiện dưới 30 tuổi, đều là lực lượng lao động chính trong xã hội, và 5% số người nghiện đang ở tuổi vị thành niên.

Đặc biệt, số người sử dụng các loại ma túy tổng hợp và các chất hướng thần mới gia tăng nhanh chóng, chiếm khoảng 80% số người nghiện.

Theo số liệu của Bộ Lao động - thương binh và xã hội và Bộ Y tế, số người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý đã tăng khoảng 10% trong 3 năm qua. Số người nghiện ma túy tổng hợp tăng nhanh trong thời gian gần đây, 21 địa phương có khảo sát số người dùng ma túy tổng hợp chiếm trên 46%; đặc biệt, các tỉnh thành như Trà Vinh, Đà Nẵng, Quảng Trị... trên 80% người nghiện được khảo sát là nghiện ma túy tổng hợp.

Giết người hàng loạt vì loạn thần

* Ngày 11-2, một cán bộ ngân hàng nghi "ngáo đá" ở Cửa Lò (Nghệ An) dùng dao chém chết cha ruột, làm mẹ và em gái bị thương trong đêm.

* Ngày 11-3, vì "ngáo đá", Nguyễn Hoàng Nam (26 tuổi, ngụ H.Hóc Môn, TP.HCM) dùng dao chém chết mẹ ruột, bà nội, cha và một người thân.

* Ngày 13-3, trong cơn phê ma túy đá, Trịnh Minh Hiếu (29 tuổi, ngụ Hải Phòng) dùng dao chém chết cậu ruột vì tưởng là... ma.

* Ngày 2-5, Trương Tín (29 tuổi) bị "ngáo đá" đã sát hại bà ngoại, mẹ và dì tại một căn nhà ở Q.Bình Tân, TP.HCM. Cùng ngày tại Thanh Hóa, một nam thanh niên "ngáo đá" xông vào Trường tiểu học xã Đồng Lương chém trọng thương 5 học sinh và 1 cô giáo.

* Ông Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai, cho biết đã ghi nhận nhiều bệnh nhân bị hoang tưởng, "ngáo đá" do dùng ma túy đá, đặc biệt gần đây đã ghi nhận cả bệnh nhân xuất huyết não sau dùng ma túy đá.


Khơi gợi động lực cho người nghiện ma túy tổng hợp

Đầu năm 2019, Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn phác đồ điều trị cho người nghiện ma túy tổng hợp, theo đó các bác sĩ sẽ can thiệp tâm lý và hành vi, tư vấn, tăng cường động lực để người nghiện ma túy tổng hợp cai nghiện.

Khác với cai nghiện ma túy truyền thống có thuốc hỗ trợ cắt cơn, người nghiện ma túy tổng hợp không có thuốc tương tự hỗ trợ mà chủ yếu tác động vào tinh thần, khơi gợi động lực, tác động vào tâm lý.

Theo Tuổi trẻ

(0) Bình luận
Loay hoay điều trị 'ngáo đá'