Người thân đồng hành với bệnh nhân HIV/AIDS

01/12/2019 06:44

Khi biết người thân nhiễm HIV/AIDS, nhiều người bị sốc nhưng vượt qua tất cả, họ sẵn sàng dang rộng vòng tay yêu thương, chở che cùng người bệnh vươn lên hòa nhập cộng đồng.

Sự chở che, đùm bọc của người thân trong gia đình chính là liều thuốc tinh thần giúp người nhiễm HIV có thêm động lực sống

Những sự thật gây sốc

"Cuộc đời thật lắm trái ngang nhưng chưa bao giờ tôi nghĩ nó lại rơi vào mình", đó là lời tâm sự đầy nước mắt của chị T.T.T. (39 tuổi) ở xã Đồng Lạc (Nam Sách) khi nói về biến cố cuộc đời.

Chồng chị T. đã mất trong một vụ tai nạn giao thông khi đứa con thứ hai mới 4-5 tháng tuổi. Chị một mình xoay xở nuôi 2 đứa con nhỏ.

Sau đó, chị nhờ mẹ chồng đến chăm sóc, trông nom con cái. Một ngày nọ, mẹ chồng chị lâm bệnh nặng. Nhìn vào những dấu hiệu mà mẹ chồng đang mắc phải, chị T. bắt đầu hoang mang khi nghĩ đến HIV/AIDS.

Chị quyết định đưa mẹ chồng đi xét nghiệm và cuối cùng đúng như chị dự đoán, bà đã chuyển sang giai đoạn AIDS. Không lâu sau đó, bà qua đời.

Sau khi lo xong hậu sự, chị T. và 2 con cùng với chị dâu, cháu đi xét nghiệm máu. Điều chị không ngờ nhất đã xảy đến, bé P.T.A.Th., con gái thứ hai của chị dương tính với HIV. Thời khắc nhận kết quả, chị T. cảm thấy đất dưới chân mình như sụt xuống.

Sáng một ngày chủ nhật cuối tháng 11, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh có rất đông bệnh nhân đến lấy thuốc điều trị kháng virus ARV. Một người đàn ông khoảng 70 tuổi ngồi lặng lẽ, ưu tư. Hỏi ra mới biết ông ở xã Cẩm Chế (Thanh Hà) đến lấy thuốc hộ con gái.

Con gái ông đang phải chăm sóc con nhỏ tại một bệnh viện ở Hà Nội. Người đàn ông ấy kể về cuộc đời éo le của cô con gái với ánh mắt u buồn. 3 năm trước, cả gia đình ông sốc nặng khi biết con gái lây bệnh HIV từ chồng.

Con rể đã qua đời vì căn bệnh này. May mắn là cháu của ông không mắc bệnh. 

Điểm tựa yêu thương

Thực tế, nhiều người khi phát hiện mình bị nhiễm HIV/AIDS chính là lúc họ phải trải qua cú sốc tinh thần rất lớn. Không ít người sống trong tự ti, mặc cảm, nảy sinh những suy nghĩ tiêu cực. Vì vậy, những người nhiễm HIV/AIDS rất cần sự cảm thông, chia sẻ của mọi người mà trước hết là những người thân trong gia đình.

Chị T. thương đứa con bé bỏng đã sớm đối mặt với bệnh tật, cố gắng dành cho con những gì tốt đẹp nhất để bù đắp thiệt thòi.

Chị cho con tới trường như bao bạn bè cùng trang lứa. Mới đầu chị định giấu chuyện cháu Th. mắc bệnh nhưng rồi chị cảm thấy day dứt, sợ giấu sẽ khiến những người khác lây bệnh.

Chị đã nói với hàng xóm, họ hàng và giáo viên nhà trường, nhiều người hiểu, đồng cảm, sẻ chia với chị. 3 năm ròng kiên trì với liệu trình điều trị cho con, không biết bao lần chị ngược xuôi đưa con đi lấy thuốc, làm các xét nghiệm, kiểm tra sức khỏe.

Qua tư vấn, hướng dẫn của y sĩ, bác sĩ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, chị T. có thêm kiến thức chăm sóc con. Chị tạo cho con thói quen uống thuốc đúng giờ, biết cách xử lý khi bị thương, chảy máu.

Tuy mới 7 tuổi nhưng cháu Th. đã phần nào ý thức về căn bệnh của mình, biết cách phòng tránh bệnh cho những người xung quanh. Bây giờ, chị T. chỉ mong muốn có phép màu, y học sớm tìm ra thuốc để loại trừ hoàn toàn căn bệnh này.

Với người đàn ông xin giấu tên ở xã Cẩm Chế thì những gì con gái ông gánh chịu vốn quá nghiệt ngã. "Nước mắt chảy xuôi", ông đã dang tay đón con trở về để có thể bù đắp tình thương yêu, là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho con.

Sắp tới, ông sẽ xây một căn nhà nhỏ ở ngay cạnh ngôi nhà của mình để con cháu có không gian riêng và hằng ngày ông vẫn có thể quan tâm, chăm lo cho họ.

Bây giờ, nghĩ về khoảng thời gian phát hiện bệnh, anh Đ.V.D. (40 tuổi) ở phường Chí Minh (TP Chí Linh) bảo rằng nếu như không có điểm tựa là gia đình thì không biết cuộc đời anh đi về đâu, cũng có thể đã bỏ mạng vì căn bệnh HIV/AIDS.

Năm 2007, sau những lần dùng ma túy, ăn chơi phóng túng, anh D. bắt đầu có biểu hiện ho, sốt dai dẳng nhưng chỉ điều trị tại nhà. Hơn 1 tháng không cắt sốt, anh mới đến bệnh viện thăm khám và phải chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh điều trị.

Qua xét nghiệm, anh D. được chẩn đoán nhiễm HIV. Ở thời điểm đó, nhiều người cho rằng mắc bệnh này là nhanh chóng lĩnh "án tử".

Anh D. bàng hoàng, suy sụp tinh thần. Anh không thể nào quên được hình ảnh người mẹ già gom góp từng đồng tiền cuối cùng để đưa cho anh và động viên anh cố gắng điều trị bệnh.

May mắn thay sau khi xét nghiệm, vợ và con anh đều không mắc bệnh, họ trở thành những người đồng hành cùng anh trong quá trình điều trị bệnh. Chị L.T.Ng. (36 tuổi), vợ anh D. khi biết chồng nhiễm HIV đã không buông tay mà cùng anh bước tiếp.

"Lúc khó khăn nhất, nếu như tôi rời bỏ thì có lẽ anh ấy càng suy sụp, khó có thể yên tâm điều trị bệnh. Tôi luôn động viên anh, nếu như chính bản thân mình còn cảm thấy tự ti, mặc cảm thì không thể đòi hỏi xã hội cảm thông", chị Ng. cho biết.

Chị nhắc anh uống thuốc đúng giờ, hỏi han về những tác dụng phụ của thuốc và khuyên anh nên làm việc phù hợp với sức khỏe... Chính sự động viên của mẹ, vợ đã giúp anh D. quyết tâm điều trị bệnh, nỗ lực, khát khao sống. 

Anh N.V.M, Trưởng nhóm "Vì Ngày mai tươi sáng" (nhóm dành cho người nhiễm và có nguy cơ nhiễm HIV/AIDS ở TP Chí Linh) cho biết là người từng trải nên anh hiểu hơn ai hết những người nhiễm HIV rất cần điểm tựa vững chãi.

Cũng có những trường hợp người nhiễm HIV bị chính người thân ruồng rẫy, bỏ rơi nên dễ bi quan, tuyệt vọng. Bởi vậy, sự chở che, đùm bọc của người thân trong gia đình chính là liều thuốc tinh thần giúp người nhiễm HIV có thêm động lực sống.

Hằng tháng, nhóm vẫn tiếp cận với những gia đình có người nhiễm HIV/AIDS để giúp họ hiểu kỹ hơn về các biện pháp dự phòng lây nhiễm, có các cách hỗ trợ người thân trong quá trình điều trị bệnh.

HUYỀN TRANG

(0) Bình luận
Người thân đồng hành với bệnh nhân HIV/AIDS