Nhiều trẻ em mắc cúm A vì thời tiết thất thường

20/12/2019 15:52

Thời tiết thất thường và chênh lệch nhiệt độ lớn là một trong những nguyên nhân khiến cho bệnh cúm A diễn biến trái quy luật.


Trẻ mắc cúm A đang được điều trị tại Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Nhi Hải Dương) 

Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh cúm A có thể gây biến chứng phức tạp. 

Một tuần trước, cháu Đặng Thị Kim Ngân (17 tháng tuổi) ở phường Sao Đỏ (TP Chí Linh) bị sốt cao khoảng 39 độ, hay quấy khóc. Sau khi cho cháu uống thuốc hạ sốt nhưng không khỏi, gia đình đã đưa cháu đến Trung tâm Y tế TP Chí Linh, rồi chuyển lên Bệnh viện Nhi Hải Dương để điều trị. Kết quả xét nghiệm cháu bị nhiễm cúm A.

Điều trị tại bệnh viện khoảng 3-4 ngày, cháu đã cắt cơn sốt nhưng vẫn bị sổ mũi và có những cơn ho dai dẳng, nhất là về đêm. Dự kiến phải vài ngày nữa, cháu Ngân mới được xuất viện. 

Cháu Phạm Quốc Việt (14 tháng tuổi) ở xã Thanh Giang (Thanh Miện) đã phải điều trị hơn chục ngày nay vì mắc cúm A. Cháu Việt đã bị biến chứng gây ra viêm phổi nên thời gian điều trị kéo dài hơn thông thường.

Chị Nguyễn Thị Hương, mẹ của cháu Việt cho biết: "Trước đây, tôi vẫn nghĩ bệnh cúm không quá nghiêm trọng, chỉ cần điều trị ở nhà sẽ khỏi. Sau khi nghe các bác sĩ tư vấn tôi mới biết bệnh có thể gây ra biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời. Trong khi chăm sóc con, tôi đã bị lây cúm nên mấy ngày nay tôi đau đầu, nhức mỏi toàn thân". 

Những ngày gần đây, mỗi ngày Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Hải Dương tiếp nhận từ 10-20 trẻ mắc cúm A. Hiện có nhiều trường hợp trẻ mắc cúm đang điều trị tại khoa. Cao điểm có ngày khoa điều trị cho 60 trẻ.

Bác sĩ Trần Thị Thanh Nhàn, Trưởng Khoa Truyền nhiễm cho biết, cúm A là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra, lây qua đường hô hấp với các biểu hiện sốt cao, đau đầu, hắt hơi, sổ mũi, ho... Bệnh này có thể xuất hiện cả ở người lớn nhưng chủ yếu người mắc bệnh vẫn là trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi vì ở tầm tuổi này sức đề kháng của trẻ còn kém. 

Năm nay, quy luật của bệnh cúm A khác so với mọi năm. Thông thường loại cúm này xuất hiện vào khoảng tháng 2, tháng 3 khi thời tiết từ lạnh chuyển sang nóng. Thời điểm này tuy đang là mùa đông nhưng có những ngày nhiệt độ cao lại đan xen với những lúc trời chuyển lạnh khiến bệnh diễn biến bất thường. Ngay từ cuối tháng 11, đầu tháng 12 đã có nhiều bệnh nhi mắc cúm A.

Bác sĩ Nhàn khuyến cáo, phụ huynh nên theo dõi sát sức khỏe của trẻ. Khi trẻ có dấu hiệu sốt cao (dưới 40 độ) nên cách ly và dùng một số biện pháp để hạ sốt, vệ sinh mũi, miệng, họng cho trẻ. Sau khi áp dụng các biện pháp này trong vòng 1 ngày, nếu tình trạng của trẻ không thuyên giảm, phụ huynh nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.

Riêng với trường hợp trẻ sốt trên 40 độ trở lên rất dễ dẫn tới co giật nên cần đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế để có cách xử lý, can thiệp tốt nhất.

Thông thường người bệnh sẽ phục hồi trong vòng 5-7 ngày, nhưng đối với trẻ em, người lớn tuổi, người có bệnh mạn tính thì có thể diễn biến nặng hơn như viêm phổi, viêm phế quản, suy hô hấp. Đã có một số trường hợp bệnh nhi mắc cúm A sau đó chuyển sang viêm phổi, viêm phế quản. Các năm trước từng có trẻ diễn biến nặng phải thở máy.  

Để có thể ngăn ngừa bệnh cúm A nói riêng và một số loại bệnh trong điều kiện thời tiết diễn biến thất thường, khắc nghiệt như hiện nay, phụ huynh nên thường xuyên vệ sinh mũi họng cho trẻ, bảo đảm dinh dưỡng.

Tùy theo mức độ, thể trạng của trẻ, phụ huynh có thể bổ sung thêm lượng chất dinh dưỡng hằng ngày. Cũng có thể lựa chọn tiêm vaccine phòng bệnh cúm để đạt hiệu quả cao. 

HUYỀN TRANG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhiều trẻ em mắc cúm A vì thời tiết thất thường