Nông dân Nam Sách chung tay phòng chống lao

08/07/2020 16:01

Nhờ tham gia mô hình "Nông dân phát hiện sớm người nghi mắc lao, tư vấn hỗ trợ người mắc lao điều trị theo DOTS", nhận thức của của người dân được nâng cao, góp phần phòng chống lao.


Ban Quản lý mô hình ở xã Phú Điền thảo luận, thống nhất nội dung tuyên truyền về phòng chống lao

Năm 2018, các xã Hợp Tiến và Phú Điền (Nam Sách) được Hội Nông dân tỉnh lựa chọn để xây dựng mô hình "Nông dân phát hiện sớm người nghi mắc lao, tư vấn hỗ trợ người mắc lao điều trị theo DOTS" (điều trị ngắn hạn có kiểm soát trực tiếp). Sau khi triển khai, mô hình này đã có những tác động rõ rệt đến nhận thức của người dân, góp phần phòng chống lao.

Khi nông dân là tuyên truyền viên

Tháng 7.2018, mô hình "Nông dân phát hiện sớm người nghi mắc lao, tư vấn hỗ trợ người mắc lao điều trị theo DOTS” được thành lập tại xã Hợp Tiến. Theo Hội Nông dân xã, thời điểm đó, Hợp Tiến là xã có nhiều bệnh nhân lao nhất huyện với 18 người nên được chọn để xây dựng mô hình. Các thành viên tham gia có nhiệm vụ tuyên truyền phòng chống bệnh lao cho cán bộ, hội viên nông dân trong xã theo các hướng dẫn của Ban Quản lý Dự án Quỹ toàn cầu phòng chống lao (Trung ương Hội Nông dân Việt Nam) và Hội Nông dân cấp trên nhằm phát hiện sớm người mắc lao; tư vấn, hỗ trợ điều trị khỏi, tiến tới giảm tỷ lệ người mắc lao tại địa phương.

Mô hình có Ban Chỉ đạo, Ban Quản lý và nhóm chăm sóc y tế. 50 thành viên là hội viên Hội Nông dân. Ban Chỉ đạo đã đẩy mạnh tuyên truyền kiến thức về bệnh lao trên hệ thống loa truyền thanh và trong các buổi sinh hoạt theo chuyên đề được tổ chức 1 lần/quý. Trong một số buổi sinh hoạt chuyên đề còn có sự tham gia của những bệnh nhân đã điều trị khỏi bệnh lao. Những thông tin mà họ chia sẻ từ lúc phát hiện đến khi điều trị và khỏi bệnh hoàn toàn đã trở thành những câu chuyện thuyết phục, có tác động tuyên truyền tốt đến nhiều người khác.

Nhóm chăm sóc y tế của mô hình tại xã Phú Điền thường xuyên đến các gia đình ở các thôn có người mắc lao và nghi mắc lao để tư vấn và hỗ trợ, giám sát việc điều trị cho người bệnh theo đúng phác đồ, bảo đảm đúng thuốc, đúng liều, đúng thời gian. Do đó, nhiều bệnh nhân nhanh khỏi, hạn chế tình trạng lao kháng thuốc. Nhóm còn hướng dẫn bệnh nhân lao thực hiện các biện pháp phòng chống lây lan bệnh ra người thân trong gia đình và cộng đồng; vận động người nghi mắc lao đi khám để phát hiện bệnh kịp thời.

Hiệu quả

Năm 2019, các thành viên trong mô hình ở xã Hợp Tiến đã vận động 63 lượt người nghi mắc lao đi khám tại Trạm Y tế xã; tặng quà 7 bệnh nhân; 281 người được tư vấn và xét nghiệm. Từ khi thành lập đến hết năm 2019, các thành viên đã tư vấn và hỗ trợ 18 bệnh nhân, trong đó điều trị khỏi và hoàn thành điều trị cho 15 bệnh nhân. Toàn xã hiện còn 4 bệnh nhân lao đang điều trị (1 bệnh nhân mới được phát hiện).

Qua tuyên truyền, vận động, các bệnh nhân lao ở xã Phú Điền đã nâng cao ý thức, tích cực điều trị theo DOST. Các thành viên trong mô hình ở đây đã tích cực tuyên truyền để người thân, người dân trong thôn, xã hiểu đúng và nhận thức đầy đủ về bệnh lao. Năm 2019, các thành viên đã vận động 60 lượt người nghi mắc lao đi khám tại Trạm Y tế xã; tư vấn và xét nghiệm cho 195 người; tặng quà cho 12 bệnh nhân lao đã chữa khỏi và bệnh nhân nghi mắc lao. Có 2 bệnh nhân lao đang điều trị.

Anh Nguyễn Ngọc Yên, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Điền cho biết mô hình "Nông dân phát hiện sớm người nghi mắc lao, tư vấn hỗ trợ người mắc lao điều trị theo DOTS” đã góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên nông dân nói riêng, người dân trong xã nói chung về bệnh lao. Từ đó, đa số người dân đã hiểu đúng về bệnh lao và cơ chế lây nhiễm, không còn tâm lý e ngại, hay phân biệt kỳ thị người bệnh. Thời gian tới, hội mong muốn mô hình sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành trong việc hỗ trợ tài liệu, kinh phí để duy trì hoạt động.

HUYỀN TRANG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nông dân Nam Sách chung tay phòng chống lao