Phòng tránh bệnh tan máu bẩm sinh: Chớ ngại khám sức khỏe trước hôn nhân

07/05/2021 18:32

Khám sức khỏe tiền hôn nhân mang lại nhiều lợi ích. Đây được coi là một trong những biện pháp tốt nhất để phòng tránh bệnh tan máu bẩm sinh.


Học sinh Trường THPT Ninh Giang được tuyên truyền về khám sức khỏe tiền hôn nhân, sức khỏe sinh sản

Còn thờ ơ

Chị N.T.H. ở Gia Lộc đã đăng ký kết hôn và ấn định ngày tổ chức hôn lễ trong tháng 5 này. Tuy nhiên, khi được hỏi đã tham gia tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân chưa thì chị H. cho biết: "Chúng tôi định tổ chức hôn lễ vào dịp đầu năm nay nhưng vì dịch Covid-19 nên đành hoãn lại đến giờ. Từ trước đến nay, tôi cũng có nghe nói đến việc này nhưng khi hỏi một số anh chị em, bạn bè thì đa phần họ đều bảo không khám sức khỏe tiền hôn nhân nên vợ chồng tôi cũng không tham gia". 

Anh T.M.T. ở Ninh Giang đã tổ chức lễ cưới khoảng 1 năm về trước. Trước khi kết hôn, anh T. và vợ cũng không khám sức khỏe tiền hôn nhân. Theo anh T., cả anh và vợ đều khỏe mạnh bình thường, người thân hai bên gia đình không mắc các bệnh di truyền nguy hiểm thì không cần thiết phải thực hiện việc này. 

Thờ ơ với việc tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân là tâm lý của không ít bạn trẻ trước khi lập gia đình. Cả nước cũng như Hải Dương hiện chưa có số liệu thống kê chính xác về tỷ lệ các cặp đôi tham gia hoạt động trên. Đây là việc làm tự nguyện của các cặp đôi chứ không quy định bắt buộc. Theo số liệu thống kê tương đối ở tỉnh Hải Dương, tỷ lệ người tham gia tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân hiện chưa đạt 50%. Tuy nhiên, số liệu này chủ yếu nghiêng về hoạt động tư vấn nhiều hơn. Ngành y tế chỉ đặt mục tiêu còn khiêm tốn là đến năm 2025, phấn đấu có khoảng 60% số người thực hiện tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân.

Vì thế hệ sau

Việc khám sức khỏe tiền hôn nhân có ý nghĩa thiết thực nhằm phát hiện, phòng ngừa và hướng dẫn điều trị các bệnh lý có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe khi kết hôn, mang thai, sinh đẻ, nuôi con bằng sữa mẹ; giúp tránh các nguy cơ sinh con bị bệnh tật bẩm sinh, góp phần bảo đảm hôn nhân bền vững và nâng cao chất lượng giống nòi. Trong đó, đáng lưu ý nhất sẽ giúp tiên lượng một số bệnh lý nguy hiểm khi 2 người kết hôn nếu sinh con có thể gặp phải, điển hình như bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia). Hưởng ứng Ngày Thalassemia thế giới năm nay (8.5), nước ta đã quyết định lựa chọn thông điệp "Thực hiện tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn vì hạnh phúc gia đình, vì sự phồn vinh của đất nước". 

Theo tài liệu truyền thông của Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh, bệnh tan máu bẩm sinh là do tan máu di truyền. Bệnh có hai biểu hiện nổi bật là thiếu máu và ứ sắt trong cơ thể nên bệnh nhân phải điều trị suốt đời. Nếu không được điều trị thường xuyên, đầy đủ, sẽ có nhiều biến chứng làm bệnh nhân chậm phát triển thể trạng, giảm sức học tập, lao động… Nước ta hiện có khoảng 13 triệu người (tương đương khoảng 13% dân số) mang gen bệnh này. Mỗi năm, cả nước có hơn 8.000 trẻ em sinh ra bị bệnh tan máu bẩm sinh, trong đó hơn 2.000 trẻ bị bệnh nặng. Dù đã nỗ lực rất nhiều, song bệnh tan máu bẩm sinh chưa thể chữa khỏi mà chỉ cải thiện tình trạng bệnh, bớt ảnh hưởng đến cuộc sống. Theo ghi nhận tại nước ta, số lượng bệnh nhân bị tan máu bẩm sinh tử vong khá cao, tính đến khoảng 7 tuổi sẽ có khoảng 20% số bệnh nhân tử vong. Hầu hết những người mắc bệnh này đều không có cơ hội xây dựng gia đình vì không bảo đảm sức khỏe. 

Để phòng tránh bệnh trên, biện pháp tốt nhất là khám sức khỏe tiền hôn nhân. Theo kinh nghiệm của ngành y khoa, việc làm này có thể đạt hiệu quả phòng ngừa bệnh tới 95%. Khám sức khỏe tiền hôn nhân có thể xác định được cá nhân có mang gen bệnh hay không, từ đó giúp họ có sự lựa chọn đúng đắn về hôn nhân cũng như quyết định để sinh ra những đứa con không mắc bệnh tan máu bẩm sinh. Từ năm 2009, Hải Dương triển khai mô hình "Tư vấn và khám sức khỏe trước hôn nhân" tại 6 xã. Đến nay, mô hình đã được nhân rộng tại 64 xã, phường, thị trấn với tổng số 390 câu lạc bộ, hiện có 13.760 thành viên tham gia. 

Tuy nhiên, tỷ lệ nam, nữ chưa tham gia khám, tư vấn sức khỏe tiền hôn nhân cao do nhiều người cho rằng việc này không cần thiết, ngại vì khi đi khám nếu phát hiện nguy cơ mắc bệnh lý cao họ sẽ rơi vào tình huống khó xử. Việc khám sức khỏe tiền hôn nhân nếu thực hiện đầy đủ khá tốn kém. 

Mọi người nên cân nhắc tham gia tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra với bản thân và đặc biệt là thế hệ sau.

NGỌC THANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phòng tránh bệnh tan máu bẩm sinh: Chớ ngại khám sức khỏe trước hôn nhân