Cảnh giác với ‘ma trận’ nước giặt giá rẻ

18/04/2021 06:55

Trong khi một can nước giặt D-nee dung tích 3 lít dành cho trẻ em bán trong siêu thị với giá hơn 200.000 đồng, thì trên mạng xã hội hay một số sàn thương mại điện tử, can nước giặt này chỉ có giá khoảng 37.000 đồng.


Người tiêu dùng cần cẩn trọng trước "ma trận" nước giặt giá rẻ trên mạng xã hội và sàn thương mại điện tử

Vừa mua can nước giặt D-nee có dung tích 3 lít trong siêu thị với giá hơn 200.000 đồng, thì chị Thu Huệ (Hoàng Mai, Hà Nội) giật mình khi thấy trên group cư dân chung cư có người rao bán loại y hệt với giá chỉ…37.000 đồng/can. Theo lời người bán, đây là loại có xuất xứ từ Thái Lan và công ty có dịp “xả hàng” nên có giá mềm và cam kết đây là hàng đảm bảo chất lượng.

“Tôi có hỏi lại bạn bán hàng xem có đăng nhầm giá không nhưng người bán khẳng định giá chỉ như vậy, thậm chí còn khuyến khích tôi mua 2-3 can để dùng dần”, chị Huệ chia sẻ.

Thực tế, chỉ cần lên mạng đánh chữ “nước giặt giá rẻ”, người tiêu dùng sẽ như rơi vào “ma trận” với hàng nghìn kết quả, với nhiều loại và nhãn hàng khác nhau, đi kèm đó là giá thành cũng khác nhau được rao bán trên các trang Facebook, các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada… 

Tuy nhiên, điều đáng nói là cùng 1 chai nước giặt nhãn hiệu, cùng dung tích, nhưng lại có nhiều mức giá khác nhau. Đơn cử như: 1 chai nước giặt xả cho trẻ em mang thương hiệu D-nee có nơi bán dung tích 3 lít, nơi bán 3,8 lít với giá từ 25.000 đến hơn 100.000 đồng. Trong khi can nước giặt này chuẩn hãng giá bán khoảng 190.000 – 210.000 đồng/1 can và dung tích chỉ 3 lít.

Hoặc một số loại nước giặt xả Thái Lan nhãn hiệu Paris can 5 lít giá bán chỉ từ 75.000 đồng. Trong khi đó, can nước giặt này chuẩn hãng giá bán khoảng 110.000 – 120.000 đồng. 

Đặc biệt, còn có một số loại nước giặt mang nhãn hiệu khá lạ như Remix, Fineline, Bell, Pano chỗ thì ghi hàng nhập khẩu, chỗ thì ghi không thương hiệu… có giá từ 55.000 đồng đến hơn 100.000 đồng.

Trên thực tế, nhiều loại nước giặt được chào bán với giá "siêu rẻ" đã thu hút được rất nhiều người tiêu dùng đặt mua. Nhiều đối tượng đã lợi dụng tâm lý “ham rẻ” của người mua mà mở các xưởng pha chế nước giặt giả mạo thương hiệu lớn trên thị trường.

Gần đây, lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) liên tiếp thu giữ những vụ việc liên quan đến nước giặt. Cụ thể, ngày 6/4 vừa qua, Đội QLTT số 17 (Cục QLTT Hà Nội) đã thu giữ 2.000 can nước giặt nhãn hiệu D-nee, trên 400 can nước giặt nhãn Comfort cùng hàng nghìn vỏ thùng carton, vỏ can nhựa bán thành phẩm trong một kho hàng tại thôn Chợ Nga, xã Thanh Xuân, Sóc Sơn, TP Hà Nội khi các đối tượng này đang thực hiện hoạt động pha chế sản phẩm.

Chú thích ảnh
Cơ sở sản xuất nước giặt giả mạo nhãn hiệu Dnee tại Hà Nội mới bị lực lượng Quản lý thị trường triệt phá

Ông Nguyễn Văn Thái, chủ cơ sở sản xuất trình bày với cơ quan chức năng: Cơ sở của ông nhập chai, thùng để đóng nước giặt, nước xả vải từ một cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc; các nhãn mác đều mang tên của các thương hiệu nổi tiếng, nhưng được nhập theo thùng, theo cân.

Trước đó, sáng 2.4, lực lượng QLTT Hà Nội phối hợp với Phòng An ninh kinh tế (Công an TP Hà Nội) bắt quả tang cơ sở sản xuất nước giặt, nước rửa chén bát, tinh dầu thơm có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu D-nee của Thái Lan tại Phú Lương, Hà Đông, Hà Nội.

Tại cơ sở sản xuất, lực lượng chức năng đã thu giữ hàng nghìn can nước giặt loại 3,5 lít mang nhiều thương hiệu khác nhau. Cùng với đó là hàng trăm thùng hàng đã thành phẩm và nhiều can nhựa, nhãn mác, thùng carton dùng để đóng thành phẩm. Ngoài ra, lực lượng liên ngành cũng thu giữ rất nhiều nguyên vật liệu, hóa chất phục vụ cho quá trình sản xuất.

Khai nhận với lực lượng chức năng, chủ cơ sở sản xuất Nguyễn Đăng Đạt cho biết, xưởng sản xuất có 11 công nhân, chia thành 2 ca làm việc. Mỗi ngày, cơ sở sản xuất được 50 thùng, mỗi thùng 4 can. Giá bán buôn theo lời khai ban đầu của Đạt là khoảng 70.000 đồng/thùng.

Ông Lê Việt Phương, Phó Đội trưởng Đội QLTT số 17 cho biết, cơ sở sản xuất không ghi đầy đủ thông tin theo nội dung về nhãn hàng hóa và có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu một số thương hiệu nổi tiếng đã được bảo hộ tại Việt Nam.

Đại diện Tổng cục QLTT cho biết, các đối tượng này sử dụng phương thức, thủ đoạn rất tinh vi. Hầu như các cơ sở sản xuất trên đều "đăng ký một nơi, nhưng sản xuất một nẻo". Địa điểm sản xuất khác so với địa chỉ trên giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. 

Trước "ma trận" nước giặt và những vụ việc vừa được phát hiện trên,  các chuyên gia khuyến cáo: Người tiêu dùng cần thận trọng khi quyết định mua sản phẩm có giá rẻ để tránh tiếp tay cho hàng giả; nếu mua sản phẩm nước giặt nhập khẩu, chỉ nên mua tại các trụ sở của hãng tại Việt Nam.

Ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) lưu ý, trước khi mua hàng qua thương mại điện tử, người tiêu dùng nên tìm hiểu kỹ về sản phẩm, dịch vụ đó. Trong trường hợp phát sinh tranh chấp liên quan đến quyền lợi khi mua sắm trực tuyến, người tiêu dùng có thể liên hệ với nhà bán hàng, sàn thương mại điện tử để giải quyết tranh chấp.  Trong trường hợp cần tư vấn hoặc phản ánh, khiếu nại, người tiêu dùng liên hệ Tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng: 1800.6838 (miễn phí cước gọi) hoặc gửi đơn khiếu nại tới Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng theo địa chỉ: 25 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội; email: bvntd@moit.gov.vn.

Theo Báo Tin tức

(0) Bình luận
Cảnh giác với ‘ma trận’ nước giặt giá rẻ