Những giao lộ tắc

31/12/2020 14:32

Nhiều điểm giao trên các tuyến quốc lộ thường xuyên bị ách tắc, giao thông lộn xộn, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.


Chỉ một giây bất cẩn cũng có thể xảy ra tai nạn hay va chạm giao thông. Trong ảnh: Km 59+800 quốc lộ 5 đoạn chân cầu Lai Vu, điểm giao cắt giữa quốc lộ 5 với đường vào xã Hồng Lạc (Thanh Hà) lúc 7 giờ sáng 28.12

Sự gia tăng nhanh chóng về số lượng phương tiện tham gia giao thông cùng với kết cấu hạ tầng một số nơi chưa theo kịp nhu cầu đi lại đã làm nhiều điểm trên các tuyến quốc lộ, đường tỉnh bị ách tắc, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông (ATGT).

Điểm nóng các quốc lộ 5 và 38 

17 giờ, hàng dài các phương tiện giao thông từ xe máy cho đến ô tô con, xe tải, xe chở container cố nhích từng mét để thoát khỏi điểm ách tắc trên quốc lộ 5 đoạn giao với quốc lộ 17B thuộc địa bàn thị trấn Phú Thái (Kim Thành). Anh Trần Văn Cường, lái xe tải chạy tuyến Hà Nội-Hải Phòng cho biết: “Cứ giờ này đi qua đây, cánh lái xe chúng tôi lại được thưởng thức đặc sản tắc đường. Mặc dù thời gian vận chuyển đã được công ty thay đổi để thích ứng nhưng vẫn không thể hoàn toàn tránh khỏi ách tắc, nhất là với những chuyến hàng đột xuất”.

Cũng vào khung giờ trên, anh Nguyễn Công Tiến, lái xe cho một công ty thuộc khu công nghiệp Lai Vu đang cẩn thận thoát khỏi dòng phương tiện ùn ứ tại km36+160 quốc lộ 5 đoạn qua xã Cẩm Điền (Cẩm Giàng). Vừa lái chiếc xe tải nhỏ nhích từng mét, anh Tiến vừa chia sẻ: “Lái xe trên quốc lộ 5 đã lâu, chúng tôi gần như thuộc hết những điểm nóng về tắc đường. Mỗi lần đi qua những điểm này là một lần căng thẳng”. Các phương tiện luồn lách, di chuyển từ các điểm giao cắt ra đường lớn cốt chỉ để thoát khỏi cảnh tắc đường đã tạo nên hình ảnh nhốn nháo, lộn xộn. “Chỉ cần sơ sẩy là có thể xảy ra va chạm", anh Tiến nói thêm.

Theo đánh giá của Trạm Kiểm soát giao thông Ba Hàng (Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh), quốc lộ 5 là đường cấp I đồng bằng với lưu lượng thiết kế 15.000 lượt phương tiện/ngày đêm. Dù vậy, lưu lượng xe tham gia giao thông trên tuyến đường này hiện đã tăng gấp 4 - 5 lần so với thiết kế. Tuyến đường đã và đang ngày một xuống cấp. “Tốc độ đô thị hóa ngày một tăng kéo theo sự xuất hiện của các khu công nghiệp, cụm công nghiệp dọc quốc lộ 5 làm lưu lượng xe cộ tham gia giao thông tăng chóng mặt. Cùng với đó, hạ tầng giao thông còn nhiều bất cập đã tạo nên những điểm nóng tắc đường chưa thể xử lý dứt điểm”, trung tá Bùi Văn Hải, Phó Trạm trưởng Trạm Kiểm soát giao thông Ba Hàng cho biết. 

Ngoài 2 điểm nóng kể trên, tình trạng tắc đường trên quốc lộ 5 còn xuất hiện tại km 59+800 đoạn chân cầu Lai Vu, điểm giao cắt giữa quốc lộ 5 với đường vào xã Hồng Lạc (Thanh Hà). Đây cũng là vị trí xảy ra nhiều vụ tai nạn và va chạm giao thông. Bên cạnh đó, toàn tỉnh còn xuất hiện một số điểm nóng ùn tắc khác như tuyến quốc lộ 38 đoạn qua các xã Vĩnh Hưng (Bình Giang), Lương Điền, Ngọc Liên, thị trấn Cẩm Giang (Cẩm Giàng) và tại cầu sắt thị trấn Cẩm Giang, hướng từ đường tỉnh 394C đi quốc lộ 38…

Hạ tầng, nhân lực và cảnh báo sớm

Tình trạng ách tắc giao thông chủ yếu xảy ra vào các khung giờ từ 6 giờ 30 đến 8 giờ, từ 16 giờ đến 19 giờ. Đây là thời điểm lưu lượng phương tiện tăng đột biến, nhất là các xe siêu trường siêu trọng, xe chở container và xe cá nhân của công nhân làm việc tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Trước tình trạng trên, để bảo đảm an toàn, giao thông thông suốt trên tuyến quốc lộ5, nhất là tại các vị trí thường xuyên ùn tắc, lãnh đạo Trạm Kiểm soát giao thông Ba Hàng đã phân công lực lượng điều tiết, phân luồng. Tương tự, Đội Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an huyện Cẩm Giàng cũng phối hợp với Phòng CSGT Công an tỉnh thực hiện điều tiết giao thông trên tuyến quốc lộ 38. 

Trung tá Nguyễn Văn Hường, Đội trưởng Đội CSGT-trật tự Công an huyện Cẩm Giàng cho biết: “Cái khó trong việc bảo đảm giao thông tại các vị trí ách tắc đối với lực lượng CSGT tỉnh nói chung, Công an huyện Cẩm Giàng nói riêng là nhân lực. Lực lượng mỏng, lại phải thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nên không thể thường xuyên có người trực tại các điểm nóng giao thông”. Điều này dẫn đến tình trạng các điểm bị ùn tắc, thường ách tắc nhiều hơn mỗi khi thiếu vắng CSGT.

Để bảo đảm ATGT tại các điểm thường xuyên ùn tắc cần sự vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương. Trong đó quan trọng nhất là từng bước khắc phục các hạn chế trong kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là các bất cập về tổ chức giao thông cũng như hệ thống biển báo. “Biển cấm xe ô tô không được lưu thông qua cầu sắt tại thị trấn Cẩm Giang được cắm ngay sát cầu, lái xe đi từ quốc lộ 38 rẽ vào không thể nhìn thấy. Trót đi vào thì bất ngờ thấy biển cấm, đi tiếp thì phạm luật mà quay lại thì khó khăn do đường nhỏ làm cho lái xe rơi vào thế khó”, một lái xe ô tô lần đầu qua khu vực này cho biết.

Tại hội nghị do Công an tỉnh và Tiểu ban An ninh trật tự, ATGT đường sắt tỉnh tổ chức chiều 16.12, một đề xuất được nhắc đến trong việc bảo đảm ATGT tại các vị trí giao cắt giữa đường sắt và đường bộ là cải thiện cảnh báo sớm. Theo đó, ngành đường sắt thời gian tới sẽ nghiên cứu để cảnh báo sớm thời gian các chuyến tàu đến những vị trí giao cắt, nhất là những nơi có lưu lượng phương tiện qua lại đông. Đây là giải pháp được cho là sẽ góp phần hạn chế những vụ va chạm đáng tiếc giữa tàu hỏa và các phương tiện đường bộ khác, nhất là xe tải, xe chở container do đây là những xe mất nhiều thời gian để đi qua đường sắt.

Cùng với những nỗ lực của các cấp, ngành, địa phương, người dân khi tham gia giao thông cần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật giao thông để góp phần khắc phục các điểm ùn tắc.

HÀ KIÊN - ĐỖ QUYẾT

(0) Bình luận
Những giao lộ tắc