Số lượng xe tự chế nhiều, xử lý ít

16/05/2019 08:07

Theo lộ trình của tỉnh, việc xử lý xe 3 bánh, 4 bánh tự chế phải hoàn thành cuối năm 2018, nhưng đến nay các loại xe này vẫn xuất hiện trên nhiều tuyến đường trong tỉnh, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông.


Xe tự chế vẫn ngang nhiên hoạt động ở nhiều địa phương

Ngang nhiên đi lại

Hiện không có thống kê chính xác số lượng xe 3 bánh, 4 bánh tự chế, song ước tính cả tỉnh còn khoảng 1.900 phương tiện này dùng để chở học sinh, chở nông sản, vật liệu xây dựng... Nhiều xe hoạt động công khai, không chỉ ở đường thôn xóm, xã, huyện mà cả trên đường tỉnh và quốc lộ. Theo Văn phòng Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh, tất cả các loại phương tiện trên được sản xuất, lắp ráp trong nước hoặc nhập khẩu trái phép. Vì vậy xe không được cấp giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật - bảo vệ môi trường. Xe không được đăng ký, không có giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật - bảo vệ môi trường. Không chỉ có xe tự chế 3 bánh, 4 bánh, toàn tỉnh còn xuất hiện nhiều mô tô kéo theo xe khác. Các xe này được lắp thêm móc sắt ở phía sau, kéo theo thùng xe 3 bánh hoặc kéo xe cải tiến.

Đại diện Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Bình Giang cho biết đầu năm 2017 huyện thống kê còn 385 xe tự chế. Đến nay, số lượng này đã giảm song vẫn còn tới 255 chiếc. Còn số lượng mô tô kéo theo xe khác thì không thể thống kê được vì những xe này chỉ cần tháo thùng phía sau sẽ trở lại là chiếc mô tô bình thường. Số lượng xe tự chế ở huyện Cẩm Giàng cũng đã giảm song vẫn còn khoảng 100 chiếc. "Xe chủ yếu tập trung ở các làng nghề, khu sản xuất tập trung chứ hầu hết không lưu thông ngoài đường lớn. Lực lượng Công an huyện khi phát hiện đều tổ chức tịch thu", Phó Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Cẩm Giàng Nguyễn Văn Ký cho biết.

Theo lộ trình của tỉnh, trước ngày 31.12.2017 phải xử lý dứt điểm xe 3 bánh, 4 bánh tự chế, ô tô hết niên hạn sử dụng lưu thông trên quốc lộ, đường tỉnh, nội thành, nội thị (trừ xe thu gom rác, xe làm phương tiện đi lại của thương binh, người khuyết tật). Trước ngày 31.12.2018 xử lý dứt điểm xe 3 bánh, 4 bánh tự chế, ô tô hết niên hạn sử dụng lưu thông trên đường huyện, đường liên xã, đường xã, đường thôn, xóm (kể cả xe thu gom rác).


Cả đợt kiểm tra trong tháng 4 vừa qua ở 3 huyện, thành phố, cơ quan chức năng chỉ phát hiện được 13 xe tự chế

Kiên quyết xử lý, tịch thu

Năm 2018, Ban ATGT tỉnh phối hợp tuyên truyền, vận động 1.827 trong tổng số 2.098 chủ xe công nông, xe tự chế ký cam kết không sử dụng phương tiện này. So với số liệu thống kê năm 2017 của Ban ATGT các huyện, thành phố, hết năm 2018, toàn tỉnh chỉ giảm được 141 xe tự chế.

Do tất cả xe tự chế đều đã cũ, giá trị thấp nên hầu hết chủ xe vẫn chạy cố, chấp nhận bị tịch thu, nộp phạt khi không may bị phát hiện. Ông Bùi Văn H. ở xã Thái Dương (Bình Giang) trước đây có một chiếc xe tự chế chuyên chở thuê hàng hóa. Trong tháng 4 vừa qua, chiếc xe đã bị cơ quan chức năng thu giữ, ông H. bị phạt 5 triệu đồng. Ông H. nói: "Biết có quy định cấm xe này nhưng hiện không có nghề gì khác nên tôi vẫn phải chạy". 

Hiện nay, việc kiểm tra, thu giữ xe tự chế rất khó khăn. Mỗi năm Văn phòng Ban ATGT tỉnh chỉ tổ chức được vài đợt kiểm tra, xử lý tại cơ sở do phải thành lập đoàn liên ngành. Trong cả đợt kiểm tra tháng 4 vừa qua tại nhiều xã, phường ở TP Hải Dương, các huyện Bình Giang, Cẩm Giàng, đoàn liên ngành chỉ phát hiện được 13 xe tự chế đang lưu thông do không phải lúc nào xe tự chế cũng ra đường hoặc các chủ xe biết bị kiểm tra nên đã thông tin với nhau tránh ra đường.

Việc xử lý xe tự chế hiện không đúng lộ trình đã đề ra. Số lượng xe tự chế, thậm chí xe công nông "đầu ngang", "đầu dọc" còn khá nhiều, nhưng lượng xe bị phát hiện, xử lý, tịch thu còn ít. Chính quyền các địa phương cần tiếp tục rà soát, tuyên truyền để người dân không sản xuất, sử dụng loại xe này, vận động chủ xe giao nộp phương tiện. Lực lượng cảnh sát giao thông cần tích cực xử lý xe tự chế. Ban ATGT tỉnh nên phân rõ trách nhiệm đối với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương trong xử lý, tịch thu xe tự chế...

TIẾN HUY

(0) Bình luận
Số lượng xe tự chế nhiều, xử lý ít