Chặn tình trạng “thổi giá” trang thiết bị y tế

07/12/2021 07:30

Nghị định số 98/2021/NĐ-CP về quản lý trang thiết bị y tế có hiệu lực từ ngày 1.1.2022 với nhiều điểm mới bổ sung các biện pháp quản lý giá trang thiết bị y tế so với các quy định cũ.


Đại biểu HĐND tỉnh giám sát thực trạng trang thiết bị y tế tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh (ảnh minh họa)


Nghị định 98 sẽ góp phần khắc phục tình trạng "thổi giá", "đội giá" trong mua sắm, đấu thầu trang thiết bị y tế.         

Năm 2020, dư luận cả nước xôn xao về những vụ "thổi giá", nâng khống giá thiết bị y tế xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội. Hệ thống xét nghiệm PCR tự động khi nhập về Việt Nam giá khoảng hơn 2 tỷ đồng nhưng các doanh nghiệp nhập khẩu, phân phối mua bán lòng vòng với nhau và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội đã mua với giá hơn 7 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần giá nhập. Vụ nâng khống giá thiết bị chữa bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai khi hệ thống robot hỗ trợ phẫu thuật thần kinh từ hơn 7 tỷ đồng được “thổi giá” lên gần 40 tỷ đồng cũng là một ví dụ. Một trong những nguyên nhân của tình trạng trên là hành lang pháp lý về việc thẩm định giá, đấu thầu còn nhiều kẽ hở, thiếu minh bạch về giá trang thiết bị y tế. 

Nghị định 98 thay thế Nghị định 36/2016/NĐ-CP của Chính phủ với việc bổ sung các biện pháp quản lý giá trang thiết bị y tế nhằm giải quyết các hạn chế, bất cập trong quản lý giá giai đoạn vừa qua. So với Nghị định36, Nghị định 98 đã bổ sung thêm các nội dung về nguyên tắc quản lý nhà nước đối với giá trang thiết bị y tế; biện pháp quản lý giá trang thiết bị y tế; nội dung, trách nhiệm kê khai giá trang thiết bị y tế. 

Theo đó, nguyên tắc quản lý nhà nước về giá trang thiết bị y tế theo cơ chế thị trường, tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân kinh doanh trang thiết bị y tế theo quy định của pháp luật. Bảo đảm công khai, minh bạch giá trang thiết bị y tế khi lưu hành trên thị trường. Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân kinh doanh, sử dụng và lợi ích của Nhà nước. Thực hiện các biện pháp để quản lý giá trang thiết bị y tế phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ.

Tiến sĩ Lê Quang Đức, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương cho biết việc công khai  các thông tin về tên, chủng loại trang thiết bị y tế; hãng, nước sản xuất; hãng, nước chủ sở hữu; đơn vị tính; giá bán tối đa của trang thiết bị y tế tương ứng với từng cấu hình, tính năng kỹ thuật theo đơn vị tính; chi phí bảo hành, bảo dưỡng, bảo trì; chi phí đào tạo… trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế nhằm bảo đảm công khai, minh bạch, lành mạnh thị trường trong việc mua sắm, đấu thầu trang thiết bị y tế. Với việc công khai giá như vậy giúp các cơ sở y tế sẽ có mức giá tham khảo để xây dựng kế hoạch lựa chọn nhà thầu, tránh tình trạng cùng một trang thiết bị y tế nhưng có nhiều mức giá, giá trúng thầu giữa các cơ sở y tế có sự khác biệt...

Theo luật sư Phạm Thị Dịu, Trưởng Văn phòng Luật sư Tâm Á, việc đưa trang thiết bị y tế, sinh phẩm xét nghiệm vào mặt hàng phải kê khai giá; quy định chỉ chủ sở hữu số lưu hành hoặc đơn vị phân phối được chủ sở hữu ủy quyền mới được thực hiện việc công khai giá; các nhà phân phối còn lại không được bán hơn giá mà chủ sở hữu số lưu hành đã công khai, đồng thời phải niêm yết, công khai giá mà nhà phân phối đó bán... cũng được đưa vào quy định của nghị định. Yêu cầu trên sẽ xác định cụ thể chủ thể chịu trách nhiệm về giá bán trang thiết bị y tế trên thị trường và chủ thể này phải minh bạch toàn bộ thông tin về giá trang thiết bị y tế mà mình kinh doanh. Từ đó, góp phần khắc phục và hạn chế tình trạng "thổi giá", "đội giá" trang thiết bị y tế từng xảy ra ở một số địa phương.

HN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chặn tình trạng “thổi giá” trang thiết bị y tế