Khi ứng viên quan tâm xây dựng chương trình hành động

05/05/2021 17:20

Các ứng cử viên đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp trong tỉnh đang khẩn trương hoàn thành chương trình hành động để phục vụ vận động tranh cử. Nhiều vấn đề thời sự, cử tri quan tâm đã được các ứng viên chú trọng đưa vào chương trình hành động của mình.


Các đại biểu dự hội nghị gặp mặt, hướng dẫn các ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND tỉnh khóa XVII nhiệm kỳ 2021-2026 do Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức sáng 27.4

Chương trình hành động của ông Bùi Sỹ Hoàn, Giám đốc Sở Tư pháp, ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV có 4 nhóm nội dung chính là: Gắn bó chặt chẽ, thường xuyên với cử tri; tích cực góp phần xây dựng tỉnh Hải Dương phát triển bền vững, hiện đại, văn minh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; tham gia xây dựng và giám sát thi hành pháp luật; chủ động nghiên cứu, tham gia kiến nghị với Quốc hội xem xét, xử lý những vấn đề trọng tâm của đất nước. Để cụ thể hóa các nội dung trong chương trình hành động, ông Hoàn đã nắm bắt, cập nhật những vấn đề nóng, cử tri quan tâm qua nhiều kênh thông tin khác nhau. Với kinh nghiệm 23 năm công tác trong các ngành tòa án, thanh tra, tư pháp, khi trúng cử đại biểu Quốc hội, ông sẽ tích cực tham gia đóng góp ý kiến để hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhất là những luật có ảnh hưởng lớn, chặt chẽ đến đời sống cử tri, người dân. "Tôi sẽ đề nghị Quốc hội tập trung giám sát hiệu quả việc thi hành pháp luật, hoàn thiện hệ thống pháp luật để xử lý các vấn đề về công tác quản lý đất đai, môi trường, giải phóng mặt bằng theo nguyên tắc bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân; xây dựng quan hệ xã hội lành mạnh, nghĩa tình", ông Hoàn chia sẻ.

Là Bí thư Thành đoàn Hải Dương, chị Nguyễn Thị Lệ Chi lựa chọn nhiều vấn đề liên quan đến thanh niên trong chương trình hành động tranh cử đại biểu HĐND TP Hải Dương như bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của thanh niên. Quan tâm tạo điều kiện học tập, nghề nghiệp, việc làm cho thanh niên, nhất là trong bối cảnh mọi mặt của đời sống xã hội chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. Xây dựng các thiết chế văn hóa phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí của thanh thiếu nhi... Theo chị Chi, để xây dựng chương trình hành động bảo đảm chất lượng, có tính khả thi, các ứng viên phải tìm hiểu, lắng nghe tiếng nói cử tri, xác định đúng, trúng những vấn đề cử tri quan tâm, ủng hộ. Chị Chi cho biết: "Đối với bản thân tôi, chính tinh thần nhiệt huyết, xung kích của người trẻ cũng như tư duy “dám nghĩ, dám làm, dám dấn thân, dám chịu trách nhiệm” của một cán bộ Đoàn là những yếu tố quan trọng giúp tôi xây dựng chương trình hành động sát thực, chất lượng và hiệu quả, không để những nội dung đưa ra trong chương trình hành động chỉ là lời hứa suông". 

Theo Thượng tọa Thích Thanh Vân, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh, nhiệm kỳ này, Thượng tọa đã cập nhật các chủ trương mới trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng và Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII để hoàn thiện chương trình hành động ứng cử đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026. "Bên cạnh việc góp phần phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc, nếu trúng cử đại biểu HĐND tỉnh tôi sẽ thường xuyên tham gia hoàn thiện cơ chế chính sách về bảo tồn di sản văn hóa, phát huy những giá trị, lối sống và truyền thống tốt đẹp của người xứ Đông trong công cuộc xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phát triển", Thượng tọa Thích Thanh Vân chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh cho biết trong chương trình hành động tranh cử đại biểu Quốc hội lần này của bà có khác so với nhiệm kỳ 2016-2021. Là đại biểu Quốc hội chuyên trách, bà Nga sẽ chú trọng xây dựng pháp luật, giám sát thực thi pháp luật để kiến nghị những khó khăn, bất cập với Quốc hội và các cơ quan liên quan xem xét, giải quyết. Theo bà Nga, để chuẩn bị, xây dựng tốt chương trình hành động thì các ứng viên phải tìm hiểu, nắm rõ Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, Luật Tổ chức Quốc hội và Luật Tổ chức chính quyền địa phương để thực hiện đúng quyền, nghĩa vụ, các quy định về bầu cử, vận động tranh cử. Bên cạnh đó, việc tìm hiểu kỹ lưỡng tình hình địa phương, tâm tư, nguyện vọng của cử tri nơi mình ứng cử, được giới thiệu ứng cử cũng sẽ giúp các ứng viên xác định đúng, trúng những vấn đề để xây dựng tốt chương trình hành động. "Chương trình hành động phần nào thể hiện được năng lực, trình độ, trách nhiệm của các ứng viên. Cử tri cần tích cực tham gia các hội nghị vận động tranh cử, tìm hiểu, lắng nghe xem chương trình hành động của ứng viên có đáp ứng đúng mong muốn, nguyện vọng của mình hay không, chú ý tìm hiểu kỹ tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND để cân nhắc, lựa chọn bầu những người thực sự xứng đáng", bà Nga đề nghị.

HOÀNG BIÊN

Chọn chương trình hành động gắn với chuyên môn
Công tác tại Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh và là người trực tiếp tham mưu giúp việc cơ quan HĐND tỉnh nên tôi hiểu sâu sắc ý nghĩa, tầm quan trọng của việc xây dựng chương trình hành động của mỗi ứng cử viên đại biểu HĐND các cấp. Tôi tin rằng việc lựa chọn nội dung, xây dựng chương trình hành động kỹ lưỡng sẽ là “kim chỉ nam” cho hoạt động trong toàn khóa và là lời hứa về trách nhiệm của mỗi đại biểu trước cử tri.

Được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND tỉnh khóa XVII và được ứng cử tại TP Hải Dương, cũng như các ứng cử viên khác, tôi đã tìm hiểu và lựa chọn nội dung mà cử tri, nhân dân quan tâm để xây dựng chương trình hành động của mình. Tôi chọn nội dung gắn với chuyên môn được đào tạo của tôi là ngành luật. Trong đó, tôi quan tâm nhiều đến nhiệm vụ nâng cao chất lượng cải cách hành chính, thực thi công vụ - một trong những nhiệm vụ quan trọng mà tỉnh đang nỗ lực cải thiện. Nếu trúng cử, tôi mong muốn sẽ đóng góp một phần tiếng nói cùng HĐND tỉnh nâng cao chất lượng, hiệu quả, hiệu lực nền hành chính công toàn tỉnh. 

ĐÀO THỊ HỒNG HẠNH

Trưởng Phòng Tổng hợp, Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh


Phù hợp đặc điểm địa bàn ứng cử
Chương trình hành động của người ứng cử được ví như bản cam kết của ứng cử viên với cử tri. Đó là những hành động cụ thể mà người đại biểu dân cử sẽ thực hiện trong nhiệm kỳ 5 năm nếu được cử tri tín nhiệm bầu là đại biểu HĐND. 

Theo tôi, khi xây dựng chương trình hành động, ngoài những cam kết chung về liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của người dân, ứng viên phải chịu trách nhiệm trước cử tri về thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đại biểu của mình. Người ứng cử cần xây dựng một chương trình hành động cụ thể, chi tiết, thể hiện trách nhiệm riêng của mình gắn với nhiệm vụ được giao; đề ra những giải pháp cụ thể gắn với nhiệm vụ của địa phương. Bởi lẽ, mỗi địa phương mà đại biểu ứng cử có tình hình, đặc điểm kinh tế, văn hóa - xã hội khác nhau, ứng viên cần nghiên cứu kỹ để xây dựng chương trình hành động phù hợp, tập trung vào những vấn đề cử tri quan tâm.

Khi xây dựng chương trình hành động của người ứng cử đại biểu HĐND xã nhiệm kỳ 2021-2026, tôi đã đưa vào một số việc làm cụ thể như góp ý trong thực hiện các tiêu chí về giao thông, an ninh trật tự… để xây dựng nông thôn mới nâng cao của địa phương. Chương trình hành động vừa thể hiện những nhiệm vụ chung, vừa xây dựng được những việc làm riêng, tạo niềm tin của người ứng cử với cử tri.  

TĂNG VĂN HANH 

Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Toàn Thắng (Gia Lộc)


Thường xuyên đánh giá kết quả thực hiện  
Tôi mong muốn chương trình hành động của những người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp, nhất là HĐND cấp huyện, xã cần tập trung vào những vấn đề thiết thực trong đời sống hiện nay. Khi trúng cử, các đại biểu phải bám sát vào chương trình hành động, thực hiện tốt các nội dung, phần việc mà mình đã cam kết với cử tri. Việc thực hiện tốt hay chưa tốt chương trình hành động là một thước đo quan trọng về uy tín, năng lực của đại biểu. Có thường xuyên kiểm điểm, đánh giá tiến độ, kết quả thực hiện chương trình hành động thì mới góp phần nâng cao trách nhiệm của người đại biểu nhân dân và những cam kết của đại biểu mới thực sự đi vào thực tế.

Theo tôi, Quốc hội và HĐND các cấp cần dành thời gian định kỳ hằng quý hoặc năm để các đại biểu đánh giá kết quả thực hiện chương trình hành động của mình. Tại các buổi tiếp xúc cử tri, mỗi đại biểu cần thông báo những việc mình đã làm được và những việc chưa làm được mà chương trình hành động nói tới để cử tri nắm bắt, đóng góp ý kiến.

TRẦN ĐÌNH TRÃI

Cử tri phường Sao Đỏ (TP Chí Linh)


(0) Bình luận
Khi ứng viên quan tâm xây dựng chương trình hành động