Ứng cử viên cần làm gì để thu hút cử tri?: Bài 3: Xây dựng chương trình hành động kỹ lưỡng

21/04/2021 11:51

Theo quy định của Luật Bầu cử, mỗi ứng cử viên đại biểu Quốc hội hay đại biểu HĐND các cấp đều phải xây dựng cho mình một chương trình hành động để báo cáo trước cử tri và lưu trong hồ sơ ứng cử.



Mỗi ứng cử viên đại biểu Quốc hội hay đại biểu HĐND các cấp đều phải xây dựng cho mình một chương trình hành động để báo cáo trước cử tri. Trong ảnh: Các ứng cử viên đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri. Ảnh tư liệu

Chương trình hành động của ứng cử viên là gì?

Ứng cử viên (ƯCV) sẽ thực hiện nếu được cử tri bầu làm đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND. Chương trình hành động (CTHĐ) có ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình vận động bầu cử và cũng là định hướng hoạt động trong suốt thời gian làm đại biểu sau này- đó là một cam kết chính trị.

Thứ nhất, đó là “lời hứa danh dự” của ƯCV với cử tri. Các lời hứa không phải để lấy lòng cử tri, mà nó sẽ phải được thực hiện nghiêm túc, với tinh thần trách nhiệm cao sau khi ƯCV trúng cử. Do đó, từng vấn đề được nêu trong CTHĐ phải được ƯCV nghiên cứu kỹ, cân nhắc cẩn thận, trong khả năng và phù hợp với lĩnh vực hoạt động của mình, có tính khả thi, không hứa hẹn điều gì mà ƯCV không thể giữ lời, không đủ điều kiện thực hiện.

Thứ hai, nó là “thước đo” để cử tri nhận biết, hiểu rõ động cơ, bản lĩnh, lòng tự trọng, năng lực, trách nhiệm của ƯCV để gửi gắm lòng tin. Nhưng không vì thế mà bắt chước một ai đó để viết cho thật hay, vượt quá khả năng, trình độ thực tế của mình. Tùy từng vị trí công tác, lĩnh vực hoạt động, trình độ của mình để đưa ra những cam kết phù hợp.

Bố cục một bản CTHĐ

ƯCV có thể vận dụng sáng tạo để có một bản CTHĐ độc đáo, đáng nhớ, mạnh mẽ, ấn tượng. CTHĐ cần tránh các yếu tố sách vở, giáo điều, sáo rỗng, dài dòng, thiếu màu sắc địa phương, cam kết quá nhiều, đề cập quá nhiều vấn đề mà sức ƯCV có hạn. Bố cục thông thường gồm 3 phần:

Phần mở đầu: giới thiệu ngắn gọn, súc tích về bản thân và gia đình (đã và đang làm ở đâu, làm gì, đã làm được những gì, đặc điểm bản thân…); thể hiện sự hiểu biết về trách nhiệm của một đại biểu dân cử và mong muốn trở thành đại biểu dân cử.

Phần nội dung: Dựa vào thông tin có được qua nghiên cứu tìm hiểu, có thể chọn lọc các vấn đề quan trọng để trình bày một số nội dung sau đây: làm gì để thực thi trách nhiệm người đại biểu dân cử (giữ mối liên hệ với cử tri, tham gia kỳ họp, giải quyết ý kiến, kiến nghị và đơn thư của cử tri...). Trình bày ngắn gọn những hiểu biết của mình về tình hình kinh tế - chính trị, xã hội để giúp cho đời sống của cử tri địa phương tốt lên và có khó khăn gì? Trình bày hiểu biết của mình về những vấn đề cử tri quan tâm, mong muốn được giải quyết tốt hơn, phương án giải quyết (nếu có thể). Những vấn đề ưu tiên mà cử tri địa phương quan tâm cũng như những vấn đề sẽ xảy ra và sẽ có ảnh hưởng đến địa phương.

Phần này cần thể hiện được mặt mạnh của ƯCV (kiến thức, kinh nghiệm, năng lực chuyên môn, năng lực giải quyết vấn đề), nên tập trung vài lĩnh vực, vấn đề có thể thực hiện được. Trình bày vấn đề có thể làm, có thể giải đáp thắc mắc của cử tri; làm cách nào để tham gia giải quyết vấn đề. Có thể gom một số vấn đề vào một chủ đề cần nhấn mạnh.

Phần kết luận: khái quát lại những ý quan trọng; nêu tình cảm và trách nhiệm của ƯCV đối với cử tri; bày tỏ mong muốn được cử tri ủng hộ; cảm ơn cử tri đã lắng nghe; cảm ơn các cơ quan, MTTQ đã tổ chức cuộc gặp gỡ tiếp xúc này và không quên lời chào, lời chúc.

Các công việc chuẩn bị để xây dựng CTHĐ

Nghiên cứu, tìm hiểu: Tìm hiểu những nội dung cơ bản về tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nơi mình ứng cử để chọn lựa vấn đề đưa vào CTHĐ sát với tình hình thực tế, khả thi, phù hợp yêu cầu, nguyện vọng của cử tri nơi ứng cử. Nghiên cứu các văn bản quy phạm pháp luật về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của người đại biểu dân cử để chọn cách khẳng định với cử tri về hoạt động cử mình nếu trúng cử. Tìm hiểu đối tượng cử tri nơi ứng cử: trình độ, nhận thức, văn hóa, tôn giáo; nhóm cử tri có khả năng ủng hộ mạnh, ủng hộ yếu, phản đối mạnh, phản đối yếu, chưa quyết định đối với ƯCV;  đối tượng cử tri có khả năng tham dự hội nghị tiếp xúc cử tri (vai trò, vị thế ở địa phương, mong đợi ứng cử viên điều gì, có thể có suy nghĩ gì về ứng cử viên…). Việc tìm hiểu này giúp ƯCV điều chỉnh bài viết và trình bày cho phù hợp người nghe, nói trúng nguyện vọng cử tri. Ngoài ra, cần tìm hiểu những ƯCV cùng khu vực bầu cử: thử so sánh (mặt mạnh, mặt yếu) bản thân mình với các ƯCV khác; dự đoán chương trình hành động của họ nói về những chuyện gì để khai thác thật tốt mặt mạnh của mình.

Chọn vấn đề để đưa vào CTHĐ: Độ dài của CTHĐ khoảng 3-4 trang là phù hợp. ƯCV cần chọn lọc kỹ số lượng vấn đề đưa vào CTHĐ, không nên quá tham nhiều vấn đề. Các căn cứ để chọn vấn đề: nhu cầu, mong muốn của cử tri đối với ƯCV có thể đề xuất giải pháp và giải quyết khi trúng cử; vấn đề thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan dân cử mà mình ứng cử (Quốc hội, hay HĐND ở cấp nào); vấn đề mà ƯCV nắm vững, hiểu rõ nhất, thuộc lĩnh vực chuyên môn mình, mà có đủ khả năng tham gia đề xuất ý kiến, tác động làm cho vấn đề đó được thực hiện.

Lưu ý: Cần luyện tập, sử dụng tốt ngôn ngữ nói kết hợp ngôn ngữ cơ thể. Âm lượng vừa phải, phù hợp với không gian tiếp xúc, không to quá, không nhỏ quá; tốc độ nói phù hợp, không nhanh quá, không chậm quá. Không nói ngọng, nói ngắc ngứ, nói lắp, không sử dụng từ đệm. Ngữ điệu từ tốn, truyền cảm, lưu loát, thể hiện sự nhiệt tình, phù hợp nội dung. Có thể dùng tay để nhấn mạnh ý tưởng nhưng không vung tay quá mạnh, chặt chém, không chỉ tay về phía cử tri. ƯCV có thể luyện trình bày trước gương hoặc trước bạn bè, gia đình hoặc sử dụng máy ghi âm, máy ghi hình, sau đó xem lại để cải thiện kỹ năng trình bày. Dùng đồng hồ để kiểm tra thời lượng trình bày, nếu được thì chấm dứt trước 2 phút theo thời lượng được cho phép.

Để trình bày tốt CTHĐ, ƯCV cần lưu ý: Nhìn bao quát cử tri trong hội trường. Giao tiếp bằng mắt với cử tri theo trật tự nhưng không dừng, nhìn quá thời gian cần thiết vào một người. Hít, thở sâu khi căng thẳng, uống nước để trấn tĩnh. Khi quên nội dung nào đó, hãy bình tĩnh và nhìn lướt qua văn bản đã chuẩn bị để tiếp tục trình bày. Xưng hô với cử tri phù hợp hoàn cảnh cụ thể. Có thể ghi âm để tiếp tục cải thiện bài trình bày trong lần tiếp xúc cử tri kế tiếp. Tránh những cử chỉ thiếu tự tin như: vịn tay vào micro (đang đặt ở bục nói), vuốt mặt, vuốt tóc, gãi đầu, kéo áo, cho tay vào túi quần, nhìn lên trần nhà, nhìn xuống đất hoặc nhìn khoảng không và không giao tiếp bằng mắt với ai...

LƯƠNG ANH TẾ


------------
Kỳ sau: Kỹ năng tiếp xúc với báo chí

(0) Bình luận
Ứng cử viên cần làm gì để thu hút cử tri?: Bài 3: Xây dựng chương trình hành động kỹ lưỡng