Về quê bầu cử

24/05/2021 07:01

Mặc dù ảnh hưởng của dịch Covid-19 và công việc bận rộn nhưng nhiều người vẫn bố trí thời gian về quê bầu cử, thể hiện trách nhiệm của mình với quê hương.


Cử tri Phạm Văn Hiền nhà ở TP Chí Linh nhưng vẫn về quê ở khu dân cư Nhân Hưng (thị trấn Nam Sách) tham gia bầu cử

Theo quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, để bảo đảm quyền, nghĩa vụ cũng như sự thuận tiện, cử tri sinh sống, làm việc, học tập tại đâu có thể đăng ký bỏ phiếu tại đó. Nhưng với trách nhiệm của mình, nhiều người vẫn lựa chọn về quê hương để bỏ phiếu.

Ông Phạm Văn Hiền quê ở khu dân cư Nhân Hưng (thị trấn Nam Sách) đã nghỉ hưu và sinh sống tại TP Chí Linh. Từ sáng sớm 23.5, ông đã chuẩn bị về quê bỏ phiếu. Theo ông Hiền, mặc dù ảnh hưởng của dịch bệnh, việc đi lại bị hạn chế nhưng ông vẫn muốn về quê để thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình. Những ngày trước đó, mỗi lần về quê ông đều ra nhà văn hóa khu dân cư đọc tiểu sử các ứng viên. Để hiểu kỹ hơn về những người mình chuẩn bị bầu, ông Hiền còn nghiên cứu chương trình hành động của người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND cấp tỉnh. "Trong những ngày qua, tôi đã nghiên cứu kỹ về từng ứng cử viên, có thể nhớ được tên, tuổi, vị trí, chức vụ của từng người. Do đó, hôm nay khi bỏ phiếu tôi không mất quá nhiều thời gian lựa chọn. Hy vọng những người mà chúng tôi bầu chọn thật sự sẽ thể hiện tiếng nói trên các diễn đàn để giải quyết những vấn đề cử tri quan tâm".

Đợt bầu cử này, thị trấn Nam Sách có 8.000 cử tri với 9 điểm bỏ phiếu. Trong đó có hơn 100 người thuộc danh sách cử tri bổ sung, chủ yếu là sinh viên các trường học nghỉ dịch nên về quê bỏ phiếu. Để bảo đảm quyền công dân của cử tri, UBND thị trấn Nam Sách đã tuyên truyền trên loa phát thanh hoặc yêu cầu trưởng các khu dân cư đến từng gia đình rà soát sinh viên, người lao động, người sinh sống ở xa về quê đúng dịp bầu cử để kịp thời bổ sung danh sách.

Sáng 23.5, chị Phạm Thị Ngọc Huyền, 23 tuổi, ở khu 7 phường Ngọc Châu (TP Hải Dương) đã bắt chuyến xe sớm nhất từ Hà Nội về Hải Dương để kịp giờ đi bầu cử. Đây là lần thứ hai chị Huyền được thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân của mình. Làm truyền thông cho một doanh nghiệp tại quận Đống Đa (TP Hà Nội), công việc khá bận rộn, lại thêm diễn biến dịch Covid-19 phức tạp nên chị Huyền rất đắn đo khi lựa chọn về quê hay ở lại Hà Nội để bỏ phiếu. Tuy nhiên, sau nhiều ngày suy nghĩ, chị đã quyết định về quê nhà để bầu cử. Để lựa chọn được những người xứng đáng, chị chủ động tìm hiểu thông tin về bầu cử, chương trình hành động của người ứng cử trên báo Hải Dương điện tử. "Tôi rất háo hức được tự tay cầm lá phiếu bầu ra những người đại diện cho mình tại các cơ quan quyền lực của Trung ương và địa phương. Tôi mong muốn những đại biểu trúng cử sẽ thực hiện đúng lời hứa của mình với cử tri", chị Huyền bày tỏ.

Với em Đặng Bích Ngọc (21 tuổi), sinh viên Trường Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), ngày 23.5 thật đặc biệt bởi em được thực hiện quyền bầu cử của mình. Ngay từ sớm, Ngọc đã có mặt ở điểm bỏ phiếu của thôn Cúc Bồ, xã Kiến Quốc (Ninh Giang). Lần đầu tiên cầm trên tay lá phiếu, Ngọc thấy mình có trách nhiệm hơn với gia đình và xã hội. "Ở trên trường, tôi đã được các thầy cô tuyên truyền nhiều về ngày bầu cử nên thấy được ý nghĩa, tầm quan trọng của sự kiện này. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, tôi về nghỉ ở nhà gần 1 tháng nay. Tuy nhiên, tôi cũng dự tính, nếu không được nghỉ thì vẫn đăng ký bỏ phiếu bầu cử ở quê", Ngọc cho biết.

Theo Ủy ban Bầu cử huyện Ninh Giang, ngay từ khi lập danh sách cử tri, huyện đã yêu cầu các xã, thị trấn thực hiện nghiêm túc và đúng luật, đặc biệt là người đăng ký thường trú, tạm trú tại địa phương cũng như các trường hợp có hộ khẩu tại địa phương nhưng chưa khai báo tạm vắng thì vẫn được lập danh sách và cấp thẻ cử tri để bảo đảm quyền của các công dân. Các tổ bầu cử cũng tuyên truyền, vận động các trường hợp này về quê thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình...


PV

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Về quê bầu cử