Kinh tế toàn cầu: Dấu hiệu một cuộc khủng hoảng mới

09/09/2019 09:24

Nền kinh tế thế giới đang đối mặt với cuộc khủng hoảng mới.

Nền kinh tế thế giới đang lâm vào tình trạng suy yếu

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng mới đó là “quả bom” nợ khổng lồ của thế giới ở mức 246.000 tỷ USD đang chờ phát nổ, cùng với cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc chưa đến hồi kết. Theo các chuyên gia, nếu cuộc khủng hoảng mới xảy ra, nó sẽ nghiêm trọng hơn nhiều lần cuộc khủng hoảng năm 2008.

Cuộc chiến thương mại – Mối nguy cơ của kinh tế thế giới

Nhiều chuyên gia phân tích cho rằng cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc đã khiến kinh tế của hai nền kinh tế hàng đầu thế giới nói riêng và nền kinh tế thế giới nói chung lâm vào tình trạng suy yếu. Đợt áp thuế 15% đối với số hàng hóa nhập từ Trung Quốc ước tính 112 tỷ USD có hiệu lực từ ngày 1.9 vừa qua được cho là một “cơn bão thuế quan” mới kể từ sau đợt “đình chiến thương mại” hồi cuối tháng 6. “Cơn bão thuế quan” lần này rất có thể sẽ châm ngòi cho những biện pháp quyết liệt hơn nữa khiến xung đột thương mại Mỹ - Trung Quốc sẽ khó tìm lối thoát trong một ngõ hẹp.

Đối với Mỹ: Cuộc chiến thương mại làm cho tăng trưởng kinh tế của Mỹ giảm tốc còn 2,5% trong năm 2019 và dự báo là 1,8% trong năm tới. Mọi sự chú ý tại Mỹ đang đổ dồn vào vấn đề chỉ tiêu tiêu dùng, lĩnh vực đóng góp hơn 2/3 GDP của Mỹ và dễ bị tổn thương khi giá cả tăng. Đợt tăng thuế này của Mỹ nhằm vào hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ khiến các gia đình Mỹ phải trả thêm 621 USD tiền thuế/năm (theo ước tính của Liên minh quốc gia những người đóng thuế Mỹ), đặc biệt những người có thu nhập thấp sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Đối với Trung Quốc: Theo ước tính của giới chuyên gia, đợt áp thuế mới giữa Mỹ và Trung Quốc lần này sẽ làm giảm mức tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong ngắn hạn của Trung Quốc tới 5% (trong khi của Mỹ là 1%). Tính tới tháng 8 vừa qua là tháng thứ 15 các đơn hàng xuất khẩu của Trung Quốc liên tục giảm. Tăng trưởng GDP trong quý II.2019 của Trung Quốc chỉ đạt 6,2%, mức thấp nhất trong 30 năm qua. Quan trọng nhất là do không xuất khẩu được sang Mỹ, Trung Quốc đang phải tìm các phương cách tiêu thụ số hàng hóa dư thừa hằng năm lên đến gần 1.000 tỷ USD. Các tập đoàn nước ngoài đang hoạt động tại Trung Quốc phải tìm mọi cách để di dời hoạt động sản xuất đi nơi khác để tránh một cuộc chiến thương mại dai dẳng. 

Dấu hiệu về cuộc khủng hoảng

Từ những dấu hiệu của khủng hoảng, các nhà đầu tư đã tìm đến những lựa chọn an toàn như mua trái phiếu kho bạc Mỹ. Giới đầu tư thường làm như vậy trong những thời điểm không chắc chắn cho nguồn tiền của họ. Nhưng thời điểm hiện tại lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ 30 năm đã giảm xuống mức thấp nhất. Không những thế, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm cũng hạ xuống dưới mức lợi suất của trái phiếu kho bạc có thời gian đáo hạn 2 năm. Đây là hiện tượng được gọi là đường cong lợi suất đảo ngược, dấu hiệu dự báo cuộc suy thoái đã xảy ra trước đây. Dấu hiệu này được ông Niclolas Akins, Giám đốc điều hành Công ty American Electric Power có trụ sở tại Ohio (Mỹ) nhận định phiên bản của thời kỳ tiền suy thoái dường như đã bắt đầu xuất hiện. Và lịch sử cũng cho thấy, trung bình khoảng 22 tháng sau khi đường cong lợi suất trái phiếu đảo ngược, một cuộc suy thoái sẽ bắt đầu và khoảng 18 tháng sau khi đảo ngược, thị trường chứng khoán sẽ chuyển hướng tiêu cực.

Một số nhà phân tích kinh tế cho rằng nền kinh tế thế giới hiện nay sẽ có ít thời gian hơn (sẽ dưới 22 tháng và 18 tháng như vừa nêu). Vì trong 10 lần đảo ngược đường cong lợi suất trái phiếu từ năm 1956 có tới 6 lần đường cong đạt đỉnh kể từ khi đường cong đảo ngược, còn 4 lần khác phải mất 11 - 22 tháng để đạt đỉnh. Vì vậy, đây là thời điểm để các ngân hàng trung ương ra tay can thiệp nhằm cắt giảm lãi suất khẩn cấp và đưa ra các chương trình nới lỏng định lượng, tăng nguồn tiền cho nền kinh tế. Như vậy nguy cơ một cuộc suy thoái mới đang hiện hữu.

“Quả bom” 246.000 tỷ USD nợ đang chờ nổ

Theo điều tra của giới phân tích kinh tế thế giới, tổng nợ của thế giới hiện nay là 246.000 tỷ USD. Đây là con số kỷ lục, gấp hơn 3 lần GDP toàn cầu (320% GDP toàn cầu). Nó như một quả bom “hẹn ngày” chờ nổ. Theo viện tài chính quốc tế (IIF) thì quý 1.2019 nợ toàn cầu đã tăng thêm 3.000 tỷ USD, riêng các quốc gia phát triển nợ tăng thêm 1.600 tỷ USD lên tới 177.000 tỷ USD.

Ở Mỹ: Nợ của Mỹ hiện ở mức 69.000 tỷ USD, trong đó 22.000 tỷ USD là các khoản vay của chính phủ. Hồi tháng 7 vừa qua, Trung tâm lưỡng viện của Mỹ (BPC) cảnh báo Mỹ sẽ vỡ nợ vào tháng 9. Vì vậy lưỡng viện quốc hội Mỹ đã đồng ý cho phép chính phủ duy trì mức trần nợ công như hiện nay đến 31.7.2021. Bộ trưởng Tài chính Mỹ cho biết 2 năm liền các khoản vay của chính phủ đều vượt quá 1.000 tỷ USD.

Ở Trung Quốc: Để có tốc độ tăng trưởng cao liên tục, Trung Quốc đã vay những khoản tiền mới khiến nợ công của nước này đã tăng 4 lần, lên đến 300% GDP, khu vực doanh nghiệp của Trung Quốc (chủ yếu là các công ty nhà nước) đã vay 21.000 tỷ USD, chiếm 55% GDP (gần 2/3 tổng số nợ). Hiện Trung Quốc chiếm 42% khoản nợ doanh nghiệp của các nền kinh tế mới nổi. Năm 2018, có 18.000 công ty của Trung Quốc đã phá sản.

Câu hỏi đặt ra là tại sao nợ toàn cầu lại tăng mức kỷ lục như vậy? Viện Tài chính quốc tế cho rằng đây là hậu quả của chính sách thiếu thận trọng của các ngân hàng trung ương. Ngân hàng in tiền và phân phối các khoản vay một cách không cân nhắc. Chính phủ, các công ty và cá nhân vay tiền để phát triển kinh tế, khi tăng trưởng chậm lại, họ lại vay thêm tiền vì các ngân hàng hạ lãi suất cho vay. Điều này dễ nhìn thấy là trước khi Cục dự trữ liên bang Mỹ hạ lãi suất, rất nhiều ngân hàng lớn của các nước phát triển đã giảm lãi suất.

Như vậy “bóng ma” của cuộc khủng hoảng (suy thoái) mới đã hiện rõ và quả “bom nợ” của thế giới sẽ nổ, nếu cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ không có hồi kết. Sẽ đến lúc cả Mỹ và Trung Quốc đều cần một thỏa thuận thương mại mà cả hai bên đều có thể chấp nhận được. Nếu không có thỏa thuận nền kinh tế thế giới sẽ không có nhiều thời gian để tránh một cuộc suy thoái tiếp theo.

HẢI HÀ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kinh tế toàn cầu: Dấu hiệu một cuộc khủng hoảng mới