Những đánh giá mới nhất về "trận chiến cuối cùng" trước khi xung đột ở Ukraine kết thúc

11/04/2023 15:04

"Vượt qua cơn bão, làm kiệt sức kẻ thù và sau đó tấn công trở lại", đó là câu "thần chú" của quân đội Ukraine trong nhiều tháng qua, và cũng được các quan chức cấp cao của Mỹ và NATO nhắc lại.


Xe tăng di chuyển ở phía Bắc Bakhmut, Ukraine ngày 17.3.2023. Ảnh: Anadolu Agency/Getty Images

Nhưng liệu kế hoạch đó có thể được thực thi không và nếu có thì ở đâu, khi nào và với những gì?

Ngay cả chính người Ukraine cũng có thể chưa biết khi họ còn nghiên cứu tiền tuyến dài 1.000 km để tìm các lỗ hổng của Nga, giống như họ đã làm trước khi phát động cuộc tấn công bất ngờ vào tháng 9 ở vùng Kharkiv phía Đông Bắc đất nước.

Công tác chuẩn bị toàn diện và phối hợp

Tuy vậy, họ nhận thức được rằng đây sẽ là một chương quan trọng trong cuộc xung đột. Thiếu tướng Kyrylo Budanov, người đứng đầu Cơ quan Tình báo Quốc phòng Ukraine, cho biết trong một cuộc phỏng vấn vào tháng trước rằng Nga và Ukraine sẽ chiến đấu “một trận chiến quyết định vào mùa xuân này, và đây sẽ là trận chiến cuối cùng trước khi cuộc xung đột này kết thúc”.

Điều đó cho thấy người Ukraine có thể dành thời gian để tối đa hóa khả năng của họ và sẽ có rất nhiều thông tin giả, nghi binh về các ý định trong những tuần tới. Nhưng công tác chuẩn bị đang được tiến hành tốt.

Các điều kiện tiên quyết cần thiết cho một cuộc phản công của Ukraine sẽ bao gồm việc hoàn thành huấn luyện và tích hợp các đơn vị mới, làm suy yếu hậu phương Nga, chuỗi hậu cần kiên cường và thông tin tình báo trên thời gian thực.

“Bức tranh tình báo sẽ cho biết những thứ như nơi có thể có điểm yếu trong việc triển khai phòng thủ của Nga, cũng như các vị trí của Bộ chỉ huy, hậu cần và các địa điểm của lực lượng dự bị của Nga", ông Mick Ryan, cựu tướng quân đội Australia, người gần đây đã có mặt tại Ukraine, cho biết.

Ukraine đang thành lập một số quân đoàn mới, mỗi quân đoàn sẽ bao gồm vài nghìn quân. Ông Ryan nói với CNN: “Trang bị của các lực lượng này không chỉ có xe tăng mới của phương Tây, xe chiến đấu bộ binh, xe bánh lốp và các thiết bị khác mà còn có rất nhiều thiết bị kỹ thuật”. Các đơn vị này gần như đã sẵn sàng.

Ông Ryan cũng nhận định, những cuộc tấn công đầy tham vọng như vậy tiêu tốn một lượng lớn nhiên liệu, đạn dược, thực phẩm, vật tư y tế và thiết bị dự phòng. Chuỗi hậu cần - thứ có thể bị cản trở bởi thời tiết xấu hơn so với lực lượng thiết giáp - là cực kỳ quan trọng.


Binh sĩ Ukraine ở Kherson. Ảnh: Reuters 

Phản công ở đâu và khi nào?

Các sĩ quan cao cấp của Mỹ và Ukraine đã tiến hành các mô phỏng trên bàn chỉ huy vào tháng trước. Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, Tướng Mark Milley, cho biết: “Người Ukraine đang di chuyển mọi thứ trên các bản đồ này để xác định đâu là hướng hành động tốt nhất và họ xác định những lợi thế và bất lợi của những rủi ro liên quan.”

Một manh mối - dù có thể được ngụy trang kỹ lưỡng - sẽ là các hoạt động tấn công các trung tâm hậu cần, căn cứ hậu phương và kho đạn nằm sâu phía sau chiến tuyến của Nga, cả bằng vũ khí tầm xa của phương Tây, như HIMARS, và các hoạt động phá hoại. Thực tế đã có sự gia tăng các cuộc tấn công như vậy ở phía nam Zaporizhzhia và Crimea.

Ông Ryan đánh giá: “Chúng ta có thể dự đoán một cách hợp lý chiến dịch tấn công có thể ở các quy mô khác nhau ở ít nhất hai (và có thể nhiều hơn) địa điểm ở phía đông và phía nam", ít nhất là để khiến người Nga bối rối về vị trí của mũi tấn công chính.


Binh sĩ Ukraine đang trong khóa tập huấn sử dụng xe tăng Leopard 2 tại Đức, hồi tháng 3. Ảnh: Bundeswehr/Reuters

Miền Nam có thể mang lại lợi ích lớn hơn - một cơ hội để chia cắt hành lang hậu cần của Nga tới Crimea và giành lại vùng đất nông nghiệp tốt nhất của Ukraine. Ngoài Mariupol, phần lớn miền Nam ít bị tàn phá hơn so với các thành phố ở miền đông Ukraine.

Một cuộc tấn công thành công về phía Nam sẽ khiến khả năng phòng thủ của Nga đối với các vùng thuộc tỉnh Kherson mà nước này vẫn đang kiểm soát gặp khó khăn. Nó cũng có thể mở đường cho Ukraine giành lại quyền kiểm soát nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia và kênh đào cung cấp nước ngọt cho Crimea.

Nhưng ông Stepanenko đồng ý rằng sẽ là một sai lầm nếu chỉ tập trung vào một khu vực. Các cuộc tấn công ở phía đông và phía nam có thể hỗ trợ lẫn nhau, đẩy người Nga vào những thách thức hơn nữa về hậu cần và triển khai quân.

Một cuộc phản công ở khu vực Bakhmut bởi một lực lượng được chuẩn bị kỹ lưỡng có thể báo hiệu sự khởi đầu của chiến dịch tấn công. Tuần trước, tư lệnh Lục quân Ukraine, Đại tướng Oleksandr Syrskyi, đã có mặt tại khu vực Bakhmut và cho biết: “Nhiệm vụ của chúng ta là tiêu diệt càng nhiều kẻ thù càng tốt và tạo điều kiện cho chúng ta mở một cuộc tấn công”.

Tình hình có gì mới?

Người Ukraine đang khoe hàng loạt thiết bị phương Tây bắt đầu được chuyển đến để tăng cường lực lượng bộ binh của họ.

Khả năng phòng thủ tên lửa của Kiev đang được cải thiện đều đặn và với việc triển khai các khẩu đội Patriot sẽ còn cải thiện hơn nữa. Nhóm binh sĩ Ukraine đầu tiên được huấn luyện trên Patriots hiện đã trở lại châu Âu.

Nhưng việc tích hợp các đơn vị sẽ rất quan trọng.


Xe tăng Ukraine tiến về phía Kharkiv vào tháng 9.2022. Ảnh: Anadolu Agency/Getty Images

“Ukraine cần tăng cường khả năng chiến tranh vũ khí tổng hợp trước khi phản công. Điều này đòi hỏi mức độ phối hợp cao giữa các lữ đoàn Ukraine khác nhau và tích hợp hỏa lực để hỗ trợ cơ động", chuyên gia Kateryna Stepanenko tại Viện Nghiên cứu chiến tranh (ISW) ở Washington DC, nhận xét.

Một nỗ lực như vậy không thể học được trong một sớm một chiều. Trong khi cuộc càn quét qua Kharkiv vào tháng 9 năm ngoái là một thắng lợi và khai thác được những thiếu sót của Nga tại khu vực, thì chiến dịch giành lại Kherson tổn thất lớn hơn nhiều về nhân sự và trang thiết bị.

Trong vài tháng qua, người Ukraine đã nhận được các thiết bị quan trọng để tấn công: như đạn công phá, thiết bị rà phá bom mìn, khả năng bắc cầu di động và phương tiện chống mìn.

Ngoài ra, hơn 4.000 binh sĩ Ukraine đã hoàn thành khóa huấn luyện vũ khí kết hợp ở Đức, bao gồm hai lữ đoàn được trang bị xe chiến đấu Bradley do Mỹ cung cấp và xe Stryker do Mỹ sản xuất. Hai tiểu đoàn bộ binh cơ giới gồm 1.200 binh sĩ Ukraine vẫn đang được huấn luyện tại Đức.

Việc đào tạo để sử dụng các thiết bị kỹ thuật do Mỹ cung cấp cũng sẽ rất cần thiết. Gói viện trợ mới nhất của Mỹ được công bố vào tháng 3 bao gồm cả các phương tiện bắc cầu dành cho xe bọc thép, sẽ đi cùng với các đơn vị tiến công, và các loại đạn dược công phá.


Các lữ đoàn "bão táp" của Ukraine đang tập luyện chuẩn bị cho chiến dịch tấn công lớn. Ảnh: Reuters

“Điều này rất quan trọng vì cuộc chiến sắp tới sẽ cần người Ukraine tham gia vào các cuộc vượt chướng ngại vật bằng vũ khí kết hợp để đột nhập và xuyên thủng hệ thống phòng thủ của Nga, bao gồm mìn, rãnh chống tăng, răng rồng và tăng cường các chướng ngại vật tự nhiên", chuyên gia Ryan nói.

Viện trợ của phương Tây cũng đang tìm cách giải quyết lỗ hổng năng lực chính của Ukraine về hỏa lực cơ động.

“Xe thiết giáp chở quân và xe chiến đấu bộ binh sẽ giúp đảm bảo bộ binh cơ giới Ukraine có thể triển khai an toàn tới khu vực chiến đấu", bà Stepanenko nói.

Xe tăng phương Tây sẽ đóng vai trò là “mũi giáo” nhưng câu hỏi đặt ra là liệu có đủ số lượng để tạo ra sự khác biệt quyết định hay không. Thông tin nguồn mở cho thấy hiện có không đầy 100 xe tăng chiến đấu chủ lực của phương Tây đang ở Ukraine.

Phản ứng của Nga

Nga tất nhiên nhận thức sâu sắc rằng Ukraine đang lên kế hoạch tấn công mới. Họ đã dành nhiều tháng qua để xây dựng nhiều lớp phòng thủ, đặc biệt là ở phía Nam.

Ông Ryan nói rằng ngoài ra, người Nga có thể đã chuẩn bị sẵn các lực lượng cơ động phản công. Thu thập thông tin tình báo và tấn công tầm xa để làm suy yếu các đơn vị như vậy là một yếu tố quan trọng trong kế hoạch của Ukraine.

Nhà sử học quân sự Stephen Biddle viết rằng “hệ thống phòng thủ nông về phía trước có thể bị phá vỡ bằng các cuộc tấn công phối hợp được tổ chức tốt, nhưng hệ thống phòng thủ sâu với lực lượng dự trữ đáng kể đằng sau có thể gây khó khăn hơn cho kẻ tấn công”.

Nhưng ông Biddle cũng đưa ra quan điểm rằng “chỉ số dự đoán tốt nhất về kết quả trong chiến tranh thực sự là sự cân bằng giữa kỹ năng và động lực của cả hai bên", và điều này có thể là một điểm cộng cho người Ukraine.

Các lực lượng vũ trang Ukraine đã chứng tỏ mình nhanh nhẹn, dễ thích nghi và đổi mới; hầu hết các đơn vị đã thể hiện tinh thần chiến đấu cao trước sức mạnh vượt trội của đối phương.

Trong khi đó, đợt huy động quân vào mùa thu của Nga năm ngoái đã không tạo thay đổi nhiều trên chiến trường, và các báo cáo cho thấy quy mô năng lực của Nga có thể không tương xứng với hiệu suất. Trong ba tháng qua, các lực lượng Nga - bao gồm một số sư đoàn tốt nhất của họ - đã cố gắng phá vỡ hệ thống phòng thủ của Ukraine ở bốn khu vực chính. Ngoài một số lợi ích gia tăng trong khu vực Bakhmut, họ hầu như không đạt được tiến bộ nào.

Theo Báo Tin tức

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những đánh giá mới nhất về "trận chiến cuối cùng" trước khi xung đột ở Ukraine kết thúc