Hiệu quả Bí thư cấp ủy cấp huyện không phải người địa phương

23/09/2021 06:02

Hiện trong tỉnh có 6 địa phương là TP Hải Dương, thị xã Kinh Môn và các huyện: Bình Giang, Cẩm Giàng, Gia Lộc, Nam Sách có Bí thư cấp ủy cấp huyện không phải người địa phương.


Đồng chí Bí thư Huyện ủy Gia Lộc Đặng Xuân Thưởng kiểm tra công tác phòng chống dịch Covid-19 tại xã Đoàn Thượng (Gia Lộc)

Đề án xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là người đứng đầu có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín đáp ứng yêu cầu phát triển giai đoạn 2021-2030 đề ra mục tiêu đến hết năm 2025 bố trí 100% Bí thư cấp ủy cấp huyện không phải người địa phương.

Hiện trong tỉnh có 6 địa phương là TP Hải Dương, thị xã Kinh Môn và các huyện: Bình Giang, Cẩm Giàng, Gia Lộc, Nam Sách có Bí thư cấp ủy cấp huyện không phải người địa phương. Thực tế cho thấy việc Bí thư cấp ủy cấp huyện không phải người địa phương có nhiều ưu điểm, đem lại những kết quả tích cực đối với công tác cán bộ và sự phát triển của địa phương.

Theo đồng chí Nguyễn Trọng Tuệ, Bí thư Huyện ủy Bình Giang, Bí thư cấp ủy không phải người địa phương sẽ không bị ràng buộc, chi phối vì các mối quan hệ thân quen trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo. Tháng 8 vừa qua, đồng chí Nguyễn Trọng Tuệ đã cùng tập thể Thường trực, Ban Thường vụ Huyện ủy thảo luận, xây dựng và ban hành Nghị quyết chuyên đề của Ban Thường vụ Huyện ủy về lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ giải phóng mặt bằng các dự án trên địa bàn huyện. Nghị quyết đã thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế và đề ra những giải pháp để làm tốt công tác giải phóng mặt bằng. Nghị quyết được kỳ vọng sẽ tạo bước chuyển đột phá, gỡ một trong những điểm nghẽn thu hút đầu tư, thực hiện các dự án tại Bình Giang, nhất là trong bối cảnh huyện đang chuẩn bị đầu tư nhiều dự án lớn như nút giao đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với đường tỉnh 392, khu công nghiệp Bình Giang, khu công nghiệp Phúc Điền mở rộng, cầu Cậy mới và vùng công nghiệp động lực của tỉnh. "Với kinh nghiệm, năng lực và sự am hiểu của mình, những cán bộ ở tỉnh được luân chuyển xuống địa phương cũng giúp đưa những chiến lược, chủ trương phát triển lớn của Trung ương, của tỉnh vào thực tế nhanh hơn", đồng chí Nguyễn Trọng Tuệ cho biết.  

Việc bố trí 100% Bí thư cấp ủy cấp huyện không phải người địa phương cũng là giải pháp quan trọng trong công tác đào tạo, đánh giá cán bộ diện Ban Thường vụ quản lý. Đồng chí Đặng Xuân Thưởng, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Gia Lộc cho biết sau gần 3 năm giữ chức Phó Bí thư Thường trực và Bí thư Huyện ủy Gia Lộc, đồng chí đã thu được rất nhiều kinh nghiệm từ thực tiễn địa phương và trưởng thành hơn trong công tác. "Thực hiện chủ trương trên tạo cơ hội để cho cán bộ được thể hiện năng lực, phẩm chất của mình, đồng thời giúp Ban Thường vụ Tỉnh ủy đánh giá đúng cán bộ từ những kết quả thực tiễn ở địa phương. Cán bộ được luân chuyển cũng là cầu nối quan trọng để nắm bắt, báo cáo, tham mưu tỉnh giải quyết những ý kiến, nguyện vọng chính đáng của cán bộ, đảng viên, nhân dân ở cơ sở nhanh hơn", đồng chí Thưởng chia sẻ.

Thực tế cho thấy khi Bí thư cấp ủy không phải người địa phương sẽ dễ giải quyết các công việc một cách công tâm, khách quan, nhất là trong những lĩnh vực nhạy cảm như công tác cán bộ, đầu tư công. Không bị ràng buộc những mối quan hệ thân quen, đồng chí Bí thư sẽ cùng tập thể Thường trực, Ban Thường vụ Huyện ủy đánh giá, lựa chọn cán bộ khách quan, thuyết phục; phân bổ đầu tư công với những công trình, dự án thực sự cần thiết. Trong các đợt dịch Covid-19 vừa qua, huyện Cẩm Giàng và TP Hải Dương đã phê bình nhiều cán bộ, lãnh đạo các đơn vị, địa phương lơ là phòng chống dịch. Đặc biệt, tại TP Hải Dương việc phê bình, điều chuyển cán bộ không hoàn thành tốt nhiệm vụ được thực hiện kiên quyết. Nhiều công việc được đánh giá khó thực hiện như cấm dạy thêm ở cấp tiểu học, giải phóng mặt bằng, xử lý vi phạm trong phòng chống dịch... được đồng chí Bí thư Thành ủy chỉ đạo thực hiện quyết liệt, hiệu quả và đạt được những kết quả cụ thể. `

Theo ý kiến của nhiều đồng chí lãnh đạo địa phương, việc quan trọng nhất khi thực hiện bố trí 100% Bí thư cấp ủy cấp huyện không phải người địa phương chính là công tác đánh giá, lựa chọn cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực, có khát vọng, dám nghĩ, dám làm. Nếu lựa chọn được đúng người thì sẽ vừa phát huy được năng lực, phẩm chất của cán bộ, vừa góp phần thúc đẩy phát triển của địa phương. Còn nếu cán bộ không đủ tâm, đủ tầm, không có bản lĩnh, làm việc với tâm lý "vo tròn", "giữ mình" thì sẽ không thể hiện được vai trò và cản trở sự phát triển của địa phương. Đồng chí Bí thư cấp ủy cấp huyện không phải người địa phương cũng phải là người có khả năng quy tụ, phát huy được sự đoàn kết, thống nhất trong tập thể Thường trực, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ để góp phần đẩy lùi, ngăn chặn tư tưởng cục bộ, bè phái trong bộ máy lãnh đạo, là rào cản phát triển ở địa phương.

Một số đồng chí Bí thư cấp ủy cấp huyện không phải người địa phương cho biết tỉnh cũng cần có chính sách quan tâm, bố trí công tác đối với cán bộ sau thời gian luân chuyển ở cấp huyện trở về, để những đồng chí hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tiếp tục được phát huy năng lực, sở trường của mình; những đồng chí chưa hoàn thành tốt nhiệm vụ có cơ hội khắc phục hạn chế. 

HOÀNG BIÊN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hiệu quả Bí thư cấp ủy cấp huyện không phải người địa phương