Ký ức không quên về ngày giải phóng

30/04/2021 10:02

Với nhiều cán bộ, nhân dân Hải Dương, ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước 30.4.1975 đã trở thành ký ức không thể nào quên trong cuộc đời.


Ông Nguyễn Thanh Trà, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Tứ Kỳ và lá cờ Tổ quốc mua đúng ngày giải phóng miền Nam

Khoác áo mưa ngồi nghe tin chiến thắng

Trong số những tư liệu quý được ông Nguyễn Thanh Trà 79 tuổi đời, 57 tuổi Đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Tứ Kỳ, gìn giữ có lá cờ Tổ quốc được gấp gọn gàng để trong tủ. Gần nửa thế kỷ đã qua, ông Trà coi lá cờ như một kỷ vật thiêng liêng của cuộc đời mình. Mỗi lần mang lá cờ ra xem, những ký ức về ngày miền Nam được giải phóng, người dân hai miền Nam - Bắc sum họp một nhà lại hiện lên trong tâm trí người đảng viên già. “Lá cờ này tôi mua đúng vào ngày miền Nam giải phóng để mang về treo tại nhà riêng. Bấy giờ tôi đang làm Phó Ban Nông nghiệp Huyện ủy Thanh Hà. Nghe tin quân ta liên tiếp làm chủ tình hình khắp các mặt trận, Huyện ủy Thanh Hà khi đó ra hẳn chỉ thị yêu cầu HTX mua bán của huyện không bán vải đỏ cho dân may quần áo mà dùng tất cả để may cờ chuẩn bị chào mừng ngày đất nước được giải phóng”, ông Trà kể.

Sáng sớm 30.4.1975, ông Trà và toàn bộ đội ngũ cán bộ huyện Thanh Hà đã tập trung về sân Huyện ủy để theo dõi tình hình chiến sự qua một số chiếc đài chạy bằng pin. Đông đảo nhân dân sống quanh khu vực nhà làm việc của Huyện ủy cũng ngồi theo dõi cùng. Ông Trà hồi tưởng: “Khi nghe phát thanh viên Đài Tiếng nói Việt Nam đọc tin ngụy quyền trung ương ở Sài Gòn đã phải tuyên bố đầu hàng không điều kiện, lá cờ cách mạng phấp phới tung bay trên nóc dinh Độc Lập thì tất cả nhảy lên hò reo, ôm chầm lấy nhau trong vui sướng. Một số người bật khóc. Suốt từ thời điểm đó cho đến tối 30.4, rất nhiều cán bộ, nhân dân các xã trong huyện rủ nhau đạp xe diễu hành lên tận thị xã Hải Dương mừng ngày đất nước được giải phóng”.

Còn ông Vương Văn Nghề ở thôn Mỹ Xá, xã Minh Tân (Nam Sách) vẫn nhớ cả xóm Chùa nơi gia đình ông sinh sống khi đó chỉ nhà bác sĩ Đào Văn Thành có chiếc đài bán dẫn. Sáng 30.4, hầu hết người dân trong xóm, từ già trẻ, gái trai bỏ mọi công việc đến nhà ông Thành ngồi theo dõi tình hình chiến sự. “Cứ 15 - 20 phút lại có một bản tin mới. Lúc phát thanh viên trên đài thông tin ngụy quyền Sài Gòn đã đầu hàng quân giải phóng thì tất cả nhảy lên hò hét. Không khí hân hoan, phấn khởi bao trùm khắp làng quê chúng tôi”, ông Nghề kể.

Ông Đồng Quang Thường ở xã Kim Tân (Kim Thành) nhớ lại, kể từ khi quân ta đánh vào thị xã Buôn Mê Thuột (ngày 10.3.1975) cho tới giây phút miền Nam hoàn toàn giải phóng thì tối nào người dân trong xóm cũng đến nhà ông theo dõi tình hình chiến sự qua chiếc đài bán dẫn. Pin hết, để có thể tiếp tục nghe đài, bố ông Thường dùng lõi cục pin hỏng, cắt miếng thiếc, lấy hai đoạn dây điện rồi chế thành hai cực ngâm vào 2 bát nước muối để tạo nguồn điện cung cấp cho chiếc đài. Nguồn điện không ổn định, tín hiệu lúc được lúc mất nhưng ai cũng chăm chú theo dõi.

Ngày 30.4.1975 trở thành ngày hội non sông của toàn dân tộc Việt Nam, ngày vui đoàn tụ. Nhưng giữa niềm vui to lớn ấy, có biết bao bà mẹ phải nén nỗi đau riêng để có ngày chiến thắng cho mọi người, cho non sông đất nước. Mặc dù năm nay đã 98 tuổi nhưng Bà mẹ Việt Nam anh hùng Đặng Thị Bưởi ở thôn Mỹ Xá, xã Minh Tân (Nam Sách) vẫn nhớ rõ về ngày giải phóng: “Cả dân làng lúc đó hò reo như mở hội. Cờ Tổ quốc được treo ở sân kho. Tôi đã bật khóc. Khóc vì mừng cho dân tộc, cũng vì thương cho chồng và con trai đã hy sinh. Nhưng tôi rất tự hào vì họ”.

Không phai mờ

Theo nhiều người kể lại, do kinh tế thời bấy giờ còn khó khăn nên các địa phương trong tỉnh không có điều kiện tổ chức liên hoan ăn uống mà chỉ giao lưu văn nghệ quần chúng, thể thao tạo khí thế phấn khởi mừng ngày đất nước được giải phóng. Nhiều nơi tổ chức mít tinh ca ngợi chiến thắng vĩ đại của quân và dân ta, cổ vũ các tầng lớp nhân dân tiếp tục hăng hái thi đua lao động sản xuất, góp phần đưa đất nước ta bước ra khỏi đống đổ nát của chiến tranh để tiến lên con đường chủ nghĩa xã hội.

Sau ngày đất nước giải phóng, khắp nơi trong tỉnh dấy lên các phong trào vận động nhân dân hăng hái lao động sản xuất, ủng hộ gia đình thương binh, liệt sĩ, ủng hộ đồng bào những vùng mới giải phóng… “Trên khắp các cánh đồng, xí nghiệp ở tỉnh ta hừng hực khí thế thi đua lao động sản xuất. Các huyện trong tỉnh tổ chức nhiều đoàn xe tải chở vôi, lợn, gà giống vào ủng hộ đồng bào miền Trung, miền Nam”, ông Nguyễn Thanh Trà nhớ lại.

Cứ vào dịp 30.4 hằng năm, trên khắp dải đất hình chữ S lại diễn ra nhiều hoạt động sôi nổi kỷ niệm chiến thắng năm ấy. Ký ức về ngày giải phóng chắc chắn sẽ không phai mờ trong các thế hệ người dân nước Việt.

 TIẾN MẠNH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ký ức không quên về ngày giải phóng