Nhớ thời bản thảo viết tay

21/06/2021 13:32

Đó không chỉ là những câu chuyện về tập bản thảo tin, bài viết bằng tay mà còn gợi nhớ khoảng thời gian làm nghề khó khăn, thiếu thốn.


Trước những cuốn sổ tay, mỗi chuyến đi công tác của nhà báo, nguyên Tổng Biên tập Báo Hải Dương Nguyễn Hà Cừ như mới hôm qua

Những hồi ức tưởng chừng đã cũ ấy phần nào toát lên truyền thống vượt khó, yêu nghề của lớp nhà báo cha anh đi trước, để rồi truyền lại cho thế hệ nhà báo hiện nay.

Vượt gian khó

Là một trong những người gắn bó với Báo Hải Dương mới (nay là Báo Hải Dương) từ những ngày đầu thành lập và cũng là người tham gia làm số báo Hải Dương đầu tiên ra ngày 1.12.1961, nhà báo Nguyễn Hữu Phách nay đã 84 tuổi nhưng vẫn nhớ như in những tháng năm nhiều gian khó nhưng cũng đầy kỷ niệm. Từ một nhà báo phụ trách tuyên truyền lĩnh vực văn hóa, sau chuyển sang mảng nông nghiệp, quãng thời gian làm nghề của nhà báo Nguyễn Hữu Phách gắn liền với những chuyến “bám đội lội đồng” khắp những vùng quê. Gần 6 thập kỷ trôi qua nhưng ông vẫn không quên thời kỳ chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, Báo Hải Dương phải sơ tán về thôn Tó, xã Phương Hưng (nay là thị trấn Gia Lộc). Từ ngôi làng nhỏ này, với chiếc xe đạp, nhà báo Nguyễn Hữu Phách cùng đồng nghiệp đã đi khắp nơi để “săn tin viết bài”.

Ông cho biết Báo Hải Dương thời kỳ đầu thành lập là một trong những tờ báo địa phương đầu tiên đặt mục tiêu “không tiếp trang” các bài viết. Để có những tác phẩm ngắn gọn, hấp dẫn đòi hỏi người làm báo lúc đó phải thật chỉn chu trong từng câu chữ. Bản thảo dù viết tay nhưng nếu chưa ưng ý thì sẵn sàng viết lại. “Thời đó giấy mực không nhiều, chúng tôi phải suy nghĩ sẵn ý tứ của bài viết, sắp xếp làm sao để tờ bản thảo vừa bảo đảm số chữ lại vừa có tính thời sự và lôi cuốn. Điều đó giúp tiết kiệm và tạo thuận lợi cho đồng nghiệp trong khâu biên tập”, nhà báo Nguyễn Hữu Phách nhớ lại.

Gắn bó với Báo Hải Dương từ năm 1976, câu chuyện của nhà báo, nguyên Tổng Biên tập Nguyễn Hà Cừ về một thời giấy mực vẫn như mới hôm qua. Ông chia sẻ trong khoảng thời gian 5 năm làm phóng viên, bất kỳ chuyến đi địa phương nào cũng giống như một hành trình, luôn mới mẻ. “Ngoại trừ quần áo, tư trang, tiền ăn, tem gạo, bơm xe đạp, thứ phải chuẩn bị kỹ lưỡng chính là mực bút. Bộ phận thư ký tòa soạn phải dùng bút ngòi lá tre chấm mực. Anh em phóng viên do phải đi xa nên dùng bút máy. Ai cũng bơm đầy ắp bình mực của bút, ấy vậy mà vẫn thiếu, phải tìm và xin mực ở địa phương”, nhà báo Nguyễn Hà Cừ kể lại.

Mỗi chuyến đi thường từ 3-4 ngày, có những lần kéo dài cả tuần hay thậm chí nửa tháng. Từng sự việc, từng tấm gương điển hình hay những vấn đề quan tâm đều được nhà báo Nguyễn Hà Cừ ghi chép lại cẩn thận trong sổ tay. Sau những hành trình đó, mỗi mảnh đời, từng câu chuyện đều được người phóng viên ấy thể hiện qua trang bản thảo bằng giấy rơm trước khi gửi đến bộ phận biên tập. “Là phóng viên thời bản thảo phải viết bằng tay, có lẽ ai cũng từng phải viết lại, vừa để chỉnh sửa cho bài cô đọng, ngắn gọn, vừa để bản thảo sạch sẽ phục vụ cho khâu trình bày ma-két về sau. Khó khăn, thiếu thốn, vất vả là thế nhưng mỗi tác phẩm được đăng trên báo Hải Dương luôn bảo đảm chất lượng, trở thành món ăn tinh thần đặc biệt của người dân”, nhà báo Nguyễn Hà Cừ chia sẻ.


Một thời bản thảo viết tay nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng cũng đầy kỷ niệm của thế hệ nhà báo cha anh đi trước

Tiếp lửa nghề

Bước sang những năm đầu của thế kỷ 21, kinh tế của cả nước nói chung, Hải Dương nói riêng vẫn còn nhiều khó khăn. Báo Hải Dương cũng vì thế chưa đủ điều kiện đầu tư, nâng cấp phương tiện phục vụ tác nghiệp. Cuối năm 2003, nhà báo Nguyễn Tiến Huy về công tác tại Báo Hải Dương. Anh Huy kể lại: “Ngày ấy, mỗi phòng phóng viên được trang bị từ 1-2 máy vi tính để bàn. Tuy nhiên không phải ai cũng có thể sử dụng thành thạo. Nhiều phóng viên vẫn viết tay”.

Bản thảo viết tay nên “chữ như giá đỗ” là chuyện vui vẫn được bộ phận thư ký tòa soạn nhắc đến. Ngày đó không có điện thoại, mỗi khi biên tập những bản thảo khó đọc, thậm chí không "dịch" được, bộ phận thư ký tòa soạn phải cầm bản thảo “chạy dọc chạy ngang” để hỏi trực tiếp phóng viên hoặc yêu cầu phóng viên đó viết lại.

Cùng sự phát triển của đất nước, của tỉnh, Báo Hải Dương đã có bước chuyển mình mạnh mẽ vươn lên. Khoảng một thập kỷ trước, báo đã ứng dụng công nghệ thông tin, đầu tư nâng cấp và trang bị hệ thống máy vi tính phục vụ tác nghiệp cũng như sử dụng các phần mềm nội bộ. Những tập bản thảo viết tay dần đi vào ký ức. Dấu ấn rõ nét nhất có lẽ là việc áp dụng tòa soạn điện tử đầu năm 2018. Từ bản thảo viết tay đến tòa soạn không giấy, Báo Hải Dương đã sớm bắt nhịp với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, quy trình gửi tin bài, biên tập, duyệt đăng... hoàn toàn qua mạng và phần mềm, không cần dùng giấy.

Khoảng năm 2006, trước khi nghỉ hưu, nhà báo Nguyễn Đức Trà lúc đó là Thường trực Xuất bản, từng ngồi trước tập bản thảo viết tay của các phóng viên để nhớ lại một thời kỳ đầy khó khăn, gian khổ nhưng đầy nghị lực của tập thể cơ quan. Không riêng nhà báo Đức Trà mà với những phóng viên, biên tập viên hay các nhà báo khác, bản thảo viết tay là trải nghiệm đáng nhớ, đầy ắp kỷ niệm mà không phải ai cũng có được.

 HÀ KIÊN

(0) Bình luận
Nhớ thời bản thảo viết tay