Tấm gương liêm khiết của Anh Cả

02/04/2023 06:00

Cái tên Anh Cả mà nhiều người thường gọi chính là sự tôn vinh những phẩm chất mẫu mực, trong sáng nghĩa tình của Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng.


​Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng và gia đình (ảnh tư liệu gia đình)

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng đã đi xa nhưng tấm gương về cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư hiếm thấy của người Anh Cả vẫn còn mãi với thời gian.

Không màng danh lợi

Ngày 16.8.1945, Quốc dân Đại hội Tân Trào, tiền thân của Quốc hội Việt Nam được triệu tập tại Tân Trào (Tuyên Quang). Đây là sự kiện trọng đại trong lịch sử cách mạng nước ta. Sau đó, Đại hội đã bầu Ủy ban Giải phóng dân tộc Việt Nam do lãnh tụ Hồ Chí Minh đứng đầu với 15 thành viên. Ủy ban làm việc như Chính phủ lâm thời. Cùng với Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Nguyễn Lương Bằng là 2 trong 5 thành viên Ban Thường trực của Ủy ban Giải phóng dân tộc Việt Nam.

Cách mạng Tháng Tám thành công, trở về Hà Nội, trước khi Chính phủ lâm thời ra mắt đồng bào Thủ đô, với tinh thần vì đoàn kết dân tộc, đồng chí Nguyễn Lương Bằng tự xin rút khỏi Ban Thường trực Ủy ban Giải phóng dân tộc Việt Nam để nhường chỗ cho các nhân sĩ, trí thức yêu nước ở ngoài Việt Minh tham gia Chính phủ lâm thời. Sinh thời khi nhắc đến việc này, đồng chí Nguyễn Lương Bằng chia sẻ: "Chính Bác nhắc chúng ta làm cách mạng giải phóng dân tộc là chỉ biết đem sức lực phục vụ nhân dân chứ không phải khi cách mạng thành công mà ta lại chiếm hết các cương vị trong Chính phủ, nên để cho người khác".

Đánh giá về hành động tự xin rút, nhường ghế trong Chính phủ lâm thời cho các nhân sĩ, trí thức tham gia của đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Đó là một cử chỉ vô tư, tốt đẹp, không ham chuộng địa vị, đặt lợi ích của dân tộc, của đoàn kết toàn dân lên trên lợi ích cá nhân. Đó là một cử chỉ đáng khen, đáng kính mà chúng ta phải học".

Khi làm tài chính cho Đảng, vì quỹ Đảng khó khăn, nên lúc nào đồng chí Nguyễn Lương Bằng cũng phải tính toán cẩn thận từng xu và quản lý rất minh bạch. Là người quản lý quỹ của Đảng, Anh Cả Sao Đỏ luôn đề cao kỷ luật tài chính, chi tiêu tiết kiệm, tính toán để đạt hiệu quả cao nhất. Cố Tổng Bí thư Trường Chinh từng nói, trong thời gian phụ trách công tác tài chính của Đảng, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã thể hiện đức tính liêm khiết tuyệt đối, rất minh bạch trong hoạt động tài chính, do vậy, Đảng rất yên tâm khi giao đồng chí phụ trách tài chính.


Lãnh đạo, nhân dân xã Thanh Tùng (Thanh Miện) ôn lại những kỷ niệm của đồng chí Nguyễn Lương Bằng với quê hương

Cần, kiệm, liêm khiết

Khi đã là Phó Chủ tịch nước, vào những dịp cuối tuần, đồng chí Nguyễn Lương Bằng vẫn thường ăn mặc giản dị, thỉnh thoảng lại ra bến xe để bắt xe khách lên vùng sơ tán thăm con gái. Rất nhiều lần, đồng chí đi trên những chuyến xe đông người chen lấn, đôi khi đến chỗ đứng còn khó khăn nhưng không một ai biết ông là ai.

Ở quê hương Thanh Tùng (Thanh Miện) của đồng chí Nguyễn Lương Bằng, ấn tượng sâu đậm nhất của cán bộ, đảng viên, nhân dân địa phương với Anh Cả cũng chính là tính cách chính trực, liêm khiết. Theo lãnh đạo xã Thanh Tùng, món quà vật chất quý nhất mà đồng chí Nguyễn Lương Bằng từng tặng cho địa phương là một chiếc đài thu thanh cho Ủy ban Hành chính xã và một chiếc ống nghe tim phổi cho Trạm xá xã. 


Lãnh đạo, nhân dân xã Thanh Tùng (Thanh Miện) dâng hương tưởng niệm 119 năm ngày sinh Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng (2.4.1904-2.4.2023)

Vinh dự nhiều lần được gặp Phó Chủ tịch nước, ông Nguyễn Đức Phẩm, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Thanh Tùng từng kể rằng có dịp ông cùng một lãnh đạo xã lên Hà Nội tìm gặp đồng chí Nguyễn Lương Bằng để ngỏ ý nhờ đồng chí có ý kiến với tỉnh cho xã giữ lại trạm biến thế phục vụ sản xuất vì tỉnh có chủ trương di chuyển. Thế nhưng cả 2 lần tìm đến, các ông đều không gặp được và đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã cho người nhắn cứ về đề nghị tỉnh theo đúng quy định.

Tấm gương của đồng chí Nguyễn Lương Bằng được chính các thành viên trong gia đình noi theo. Vợ chồng đồng chí Nguyễn Lương Bằng có 4 người con đều là những cán bộ, nhà khoa học, làm công việc chuyên môn thuần túy cho đến khi nghỉ hưu. Theo di nguyện của đồng chí, bà Hà Thục Trinh, phu nhân cố Phó Chủ tịch nước đã hai lần xin tình nguyện và đã trả lại Nhà nước căn nhà ở số 5 phố Thiền Quang (Hà Nội) mà gia đình được ở theo tiêu chuẩn. 


Nhà tưởng niệm đồng chí Phó Chủ tịch Nguyễn Lương Bằng tại xã Thanh Tùng (Thanh Miện)

Những dòng viết của cố Tổng Bí thư Đỗ Mười về Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng càng khẳng định thêm về tấm gương sáng mà Anh Cả Sao Đỏ còn lưu lại cùng thời gian: “Không hám hư danh, không màng tư lợi, suốt đời hy sinh phấn đấu vì lợi ích của dân tộc và hạnh phúc của nhân dân, chiến đấu không mệt mỏi vì sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, đó là động cơ, là mục tiêu phấn đấu của đồng chí Nguyễn Lương Bằng. Trong cuộc sống, Anh Cả - Nguyễn Lương Bằng là người rất mực khiêm tốn, giản dị, liêm khiết, rất mực thương yêu đồng chí, đồng bào, hết lòng chăm lo đời sống của nhân dân. Cái tên "Anh Cả" mà nhiều người thường gọi, chính là sự tôn vinh những phẩm chất mẫu mực, trong sáng nghĩa tình đồng chí, anh em của đồng chí Nguyễn Lương Bằng”.

HOÀNG BIÊN

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng (2.4.1904-20.7.1979) quê ở thôn Đông, xã Thanh Tùng (Thanh Miện). Đồng chí Nguyễn Lương Bằng tham gia hoạt động cách mạng từ tháng 12.1925, thường sử dụng bí danh Anh Cả, Sao Đỏ.

Từ những ngày đầu thành lập nước, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã được Đảng và Nhà nước giao phó cho nhiều sứ mệnh quan trọng như làm Tổng Giám đốc đầu tiên của Ngân hàng quốc gia Việt Nam; Đại sứ đặc mệnh toàn quyền đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Liên Xô; Tổng Thanh tra Chính phủ; Trưởng Ban Kiểm tra Trung ương.

(0) Bình luận
Tấm gương liêm khiết của Anh Cả