Thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội

24/03/2022 15:19

Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm đề ra những quan điểm, chủ trương đúng đắn để xử lý mối quan hệ giữa phát triển kinh tế, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.

Thong nhat chinh sach kinh te voi chinh sach xa hoi hinh anh 1

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. (Ảnh : Trí Dũng/TTXVN)

“Gắn kinh tế với xã hội, thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển”.

Yêu cầu mang tính nguyên tắc nhằm bảo đảm sự phát triển lành mạnh, bền vững của đất nước được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”.

Đó cũng chính là hướng đất nước có dân số hơn 97 triệu người, gồm 54 dân tộc anh em; trong đó hơn 60% số dân sống ở nông thôn, đi tới mục tiêu phát triển kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, không để gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội.

Chính sách kinh tế hướng tới mục tiêu phát triển xã hội

Qua các giai đoạn phát triển của đất nước, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm đề ra những quan điểm, chủ trương đúng đắn để xử lý mối quan hệ giữa phát triển kinh tế, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Tư tưởng đó dần được hoàn thiện qua các kỳ đại hội, thể hiện trong các văn kiện của Đảng và được thể chế hóa trong các chính sách của Nhà nước.

Đặc biệt, trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: Phải gắn kinh tế với xã hội, thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển.

Mỗi chính sách kinh tế đều phải hướng tới mục tiêu phát triển xã hội; mỗi chính sách xã hội phải nhằm tạo ra động lực thúc đẩy phát triển kinh tế; khuyến khích làm giàu hợp pháp phải đi đôi với xóa đói, giảm nghèo bền vững, chăm sóc những người có công, những người có hoàn cảnh khó khăn.

Đồng tình với những luận điểm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đoàn Thế Hanh, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh từng khẳng định không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, cùng với những chính sách nhân văn, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội, nhằm thỏa mãn nhu cầu sống, lao động, cống hiến và thụ hưởng của mỗi người và mọi người dân là mục tiêu phấn đấu, là tính chất của chế độ xã hội chủ nghĩa mà Đảng, nhân dân ta chủ trương và đang tiến hành xây dựng.

Thực tế cho thấy hơn ba thập niên đổi mới, cùng với phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, việc thực hiện tiến bộ xã hội ở Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu: lực lượng sản xuất phát triển với hàm lượng khoa học ngày càng cao và với quan hệ sản xuất phù hợp theo định hướng xã hội chủ nghĩa; kinh tế tăng trưởng nhanh, chất lượng được cải thiện; quyền làm chủ của nhân dân đối với mọi mặt đời sống xã hội được bảo đảm; Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân ngày càng hoàn thiện theo hướng trong sạch, vững mạnh.

Dân chủ được phát huy, kỷ luật, kỷ cương được bảo đảm; văn hóa, giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ được mở mang, trình độ dân trí phát triển; những thói hư, tật xấu, tệ nạn xã hội được đấu tranh loại bỏ dần; môi trường sinh thái được quan tâm bảo vệ hơn; con người có điều kiện hơn để phát triển về thể chất, trí tuệ, đạo đức, nghề nghiệp, có cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc; được cống hiến và hưởng thụ công bằng thành quả của sự phát triển.

Các Đại hội Đảng gần đây đều xác định con người vừa là trung tâm chiến lược, vừa là mục tiêu, động lực của phát triển; thực hiện công bằng và tiến bộ xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách phát triển. Đại hội XII của Đảng nêu rõ: “Gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân.” Đại hội XIII của Đảng xác định định hướng phát triển tiếp tục nắm vững và xử lý tốt mối quan hệ lớn “giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường”.

Đích hướng tới của tiến bộ xã hội nhằm phát triển toàn diện con người đã đạt được những bước tiến dài khi Tổng kết nhiệm kỳ Đại hội XII và nhìn lại 35 năm đổi mới, Đảng ta đánh giá: “Chính trị, xã hội ổn định, đời sống của nhân dân được cải thiện rõ rệt. Các lĩnh vực an sinh xã hội, y tế, giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ, bảo vệ môi trường, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam,… có nhiều chuyển biến tích cực, có mặt khá nổi bật”.

Trên cơ sở những thành tựu đạt được trong suốt nhiều năm qua, Liên hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong việc hiện thực hóa các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ. Đến nay, Việt Nam là một trong những nước nghiêm túc thực hiện các mục tiêu phát triển của Liên hợp quốc, nhất là các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030, lồng ghép các mục tiêu đó vào các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam, hài hòa với các khuôn khổ hợp tác ký kết với Liên hợp quốc theo từng giai đoạn.

Hình mẫu về thành tựu xóa đói, giảm nghèo

Xuất phát từ mục tiêu phát triển kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, không để gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội, suốt những năm qua, Đảng, Nhà nước xác định xóa đói, giảm nghèo là mục tiêu, biện pháp cần tiến hành kiên trì, bền bỉ. Xóa đói, giảm nghèo vừa nâng cao chất lượng nguồn lực cho sự nghiệp xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc vừa góp phần giữ vững ổn định chính trị-xã hội, giảm bớt chênh lệch thu nhập giữa các nhóm dân cư, vừa thể hiện rõ bản chất tốt đẹp của xã hội xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang hướng tới.

Đặc biệt là khi đại dịch COVID-19 bùng phát, Chính phủ đã áp dụng nhiều biện pháp phòng chống dịch mạnh mẽ, quyết liệt để thực hiện mục tiêu ưu tiên trước hết, trên hết là bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân và triển khai những chương trình hỗ trợ chưa từng có trong tiền lệ để giúp đỡ những trường hợp gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch.

Chính bởi sự kiên trì, bền bỉ đó, dù gặp rất nhiều khó khăn, nhưng công tác xóa đói, giảm nghèo của Việt Nam thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng, trở thành một trong những hình mẫu về thành tựu xóa đói, giảm nghèo, là câu chuyện thành công, truyền cảm hứng cho bạn bè năm châu.

Trong 10 năm qua, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm liên tục trên phạm vi cả nước và các vùng miền. Nếu như năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo cả nước lên tới 14,2%, đến năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm còn 4,25%. Việt Nam đã hoàn thành mục tiêu thiên niên kỷ về xóa đói giảm nghèo trước 10 năm và được cộng đồng quốc tế đánh giá là hình mẫu giảm nghèo hiệu quả.

Kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2021 theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội mới đây cho thấy tỷ lệ hộ nghèo tiếp tục giảm xuống, còn 2,23%, tỷ lệ hộ cận nghèo là 3,11%. Có 6 tỉnh, thành phố không có hộ nghèo gồm Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Tây Ninh. Đặc biệt, Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương là 4 địa phương “trắng” cả hộ nghèo và hộ cận nghèo.

Theo Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, giảm nghèo là điểm sáng của Việt Nam, được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao, coi đây là một trong những câu chuyện thành công nhất và đóng góp nhiều bài học thành công cho thế giới.

Đối với phúc lợi xã hội, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng Nhà nước đã dành 21% ngân sách cho phúc lợi xã hội, là mức cao nhất trong số các nước ASEAN, nhờ đó đã cơ bản thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, thông qua chính sách hỗ trợ trực tiếp của Chính phủ và chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, đã hỗ trợ hơn 14,4 triệu người với tổng kinh phí hơn 33.000 tỷ đồng. Trong 5 năm qua, đời sống người có công không ngừng được nâng lên; hằng năm ngân sách Nhà nước dành hơn 32.000 tỷ đồng để thực hiện các chế độ ưu đãi người có công và thân nhân.

Chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế từng bước trở thành trụ cột chính trong hệ thống an sinh xã hội, đặc biệt việc phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW có bước phát triển vượt bậc.

Đến nay, trên 90% dân số đã tham gia bảo hiểm y tế. Chính sách trợ giúp xã hội đã bao phủ hầu hết các nhóm đối tượng ở mọi lứa tuổi, trẻ em được bảo vệ và chăm sóc, xây dựng môi trường sống an toàn. Thu hẹp khoảng cách giới trên tất cả các lĩnh vực, chỉ số giới của Việt Nam nằm trong các quốc gia thuộc nhóm cao nhất trong 5 nhóm trên thế giới.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội