Từ Cách mạng Tháng Tám đến cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954

27/04/2019 15:46

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, ngày 2.9.1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Những ngày Tháng Tám sục sôi ở Thủ đô Hà Nội. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Chính quyền cách mạng mới ra đời chưa có thời gian củng cố đã phải đương đầu với hàng loạt khó khăn, thách thức của “giặc đói, “giặc dốt” và nguy hiểm nhất là giặc ngoại xâm. 

Dưới danh nghĩa Đồng minh vào giải giáp quân đội Nhật, quân đội Anh đã che chở cho thực dân Pháp trở lại đánh chiếm Nam Bộ, rồi mở rộng chiến tranh ra Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Từ vĩ tuyến 16 trở ra Bắc, 20 vạn quân đội Tưởng Giới Thạch kéo vào đem theo cả bọn Việt gian phản động về nước để mưu toan chống phá cách mạng.

Để giữ vững thành quả cách mạng, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thực hiện nhiều biện pháp khôn khéo nhằm giải quyết những khó khăn cấp bách trước mắt của đời sống nhân dân; tăng cường thực lực cách mạng trên tất cả các phương diện chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội… Sức mạnh đoàn kết của nhân dân xung quanh Đảng cộng sản và chính quyền cách mạng thể hiện trong “Tuần lễ vàng”, Tổng tuyển cử bầu Quốc hội ngày 6.1.1946, ở các phong trào “diệt giặc đói” và “diệt giặc dốt”… Để đối phó với âm mưu nham hiểm của kẻ thù, Đảng ta đã có đối sách thích hợp với từng kẻ thù: từ 2.9.1945 đến 6.3.1946, kiên quyết phát động kháng chiến chống thực dân Pháp ở miền Nam và thực hiện sách lược nhân nhượng có nguyên tắc với quân Tưởng ở miền Bắc. Từ ngày 6.3.1946, khi tình hình thay đổi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Hiệp định sơ bộ thực hiện hòa hoãn với Pháp để gạt quân Tưởng ra, tiếp đó ký bản Tạm ước 14.9.1946 nhằm cố gắng vãn hồi nền hòa bình và tranh thủ thời gian để củng cố lực lượng cho một cuộc kháng chiến mà Đảng ta biết khó có thể tránh khỏi.

Ngày 19.12.1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến. Theo lời hiệu triệu của Người, gần 20 giờ cùng ngày, các đô thị trong cả nước nổ súng, mở đầu Toàn quốc kháng chiến. Cuộc chiến đấu ở các đô thị diễn ra gần 3 tháng. Xét thấy tình hình cuộc chiến còn dài, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cho di chuyển toàn bộ bộ máy kháng chiến lên chiến khu Việt Bắc, rút các đơn vị chủ lực ra khỏi các đô thị để bảo toàn lực lượng và duy trì sức chiến đấu lâu dài.

Giữa năm 1947, quân Pháp ráo riết chuẩn bị cuộc tiến công vào căn cứ địa Việt Bắc hòng đánh tan cơ quan đầu não kháng chiến của ta. Chiến dịch Việt Bắc Thu Đông 1947 diễn ra từ ngày 7.10 đến 22.12.1947 và kết thúc thắng lợi, làm phá sản chiến lược “đánh nhanh thắng nhanh” của thực dân Pháp, căn cứ địa kháng chiến của ta được giữ vững và phát triển. 

Sau thất bại ở Việt Bắc, thực dân Pháp triển khai kế hoạch Rovers nhằm tập trung nỗ lực giữ vững Bắc Bộ, mở rộng phạm vi chiếm đóng ở trung du và đồng bằng, bao vây căn cứ địa Việt Bắc và tăng cường phòng thủ có trọng điểm tuyến biên giới.

Về phía ta, đến năm 1950, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bước sang năm thứ 5, quân và dân ta đã giành được nhiều thắng lợi lớn, rất quan trọng. Tháng 6.1950, Ban Thường vụ Trung ương Đảng quyết định mở Chiến dịch Biên Giới nhằm tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, mở rộng và củng cố căn cứ địa Việt Bắc, phá tan vòng vây của chủ nghĩa đế quốc. Mở đầu chiến dịch bằng trận Đông Khê (ngày 16.9.1950), sau 29 ngày đêm chiến đấu, ta đã giải phóng toàn khu vực biên giới từ Cao Bằng đến Đình Lập.

Sau chiến dịch Biên Giới, tình hình chiến sự có nhiều thay đổi: Pháp tăng cường chiến tranh, Mỹ giúp Pháp can thiệp sâu vào Đông Dương. Từ cuối năm 1950 đến giữa năm 1951, ta liên tiếp mở các chiến dịch Trần Hưng Đạo (Trung du) diễn ra từ ngày 25.12.1950 đến ngày 18.1.1951; Chiến dịch Hoàng Hoa Thám (Đường số 18) diễn ra từ ngày 23.3 đến 7.4.1951; Chiến dịch Quang Trung (Hà Nam Ninh) diễn ra từ ngày 28.5 đến 20.6.1951. Qua ba chiến dịch này, ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 10.300 quân địch, nhưng về phía quân ta cũng bị tiêu hao nhiều.      

Lúc này, tình hình cuộc chiến ở Nam Trung Bộ và Nam Bộ đang có nhiều khó khăn. Ở Nam Trung Bộ, hầu hết dân cư và địa bàn đều bị quân Pháp chiếm giữ. Ở Tây Nam Bộ, Pháp ra sức lợi dụng tôn giáo để lôi kéo nhân dân, bắt thanh niên đi lính. Để phá âm mưu này, theo chủ trương của Trung ương cục miền Nam, các tỉnh đều đưa thêm cán bộ vào lực lượng vũ trang tuyên truyền hướng nhân dân các vùng tạm bị chiếm đấu tranh phản đối chiến tranh. Tại Sài Gòn, công nhân và đông đảo các tầng lớp nhân dân đấu tranh đưa ra nhiều yêu sách.

Trên chiến trường Bắc Bộ, từ ngày 10.12.1951 đến 25.2.1952, ta đã mở chiến dịch Hòa Bình đánh tan chính sách “lấy chiến tranh nuôi chiến tranh” của quân Pháp. Sau đó ta mở liên tiếp Chiến dịch Tây Bắc (từ ngày 14.10 đến 10.12.1952) xóa sổ âm mưu chia rẽ khối đoàn kết dân tộc bằng việc lập các “xứ” tự trị. Sau khi giải phóng Tây Bắc, ta đã kết hợp với Quân đội Lào, Itxala mở chiến dịch Thượng Lào (13.4 đến 18.5.1953) giải phóng nhiều vùng rộng lớn của Lào và mở rộng căn cứ kháng chiến. 

Đầu năm 1953, nước Pháp lại rơi vào cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài. Một trong những nguyên nhân chính của cuộc khủng hoảng đó là do những thất bại liên tiếp của quân Pháp tại các chiến trường Hòa Bình, Tây Bắc, Thượng Lào cuối năm 1952 đầu năm 1953 làm cho kế hoạch của Pháp muốn giành lại quyền chủ động chiến lược đã bị phá sản hoàn toàn, đẩy thực dân Pháp ngày càng lún sâu vào cuộc chiến tranh ở Đông Dương. Trước nguy cơ thất trận trong cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương lần thứ 2, giới cầm quyền Pháp muốn thay đổi cục diện chiến tranh bằng kế hoạch mới. Do đó đã thông qua kế hoạch Navarre với nội dung cơ bản là trong Thu đông 1953 và mùa xuân 1954, quân Pháp thực hiện cuộc tiến công chiến lược ở miền Nam, tránh quyết chiến với khối chủ lực ở miền Bắc, tạo điều kiện xây dựng một khối chủ lực cơ động mạnh nhằm tập trung tác chiến trên chiến trường miền Bắc trong Đông Xuân 1954-1955 giành thắng lợi quyết định.

Về phía ta, cuối tháng 9.1953, Bộ Chính trị tại Trung ương Đảng họp bàn chủ trương và kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953-1954 với phương hướng giữ vững quyền chủ động đánh địch trên cả hai mặt chính diện và sau lưng địch, phối hợp  trong phạm vi cả nước và trên toàn chiến trường Đông Dương với phương châm “Tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt”. Theo đó, quân và dân Việt Nam trên khắp mọi miền đất nước đồng lòng triển khai triệt để, nhân dân với khí thế “quyết chiến, quyết thắng” một lòng ra trận để chiến đấu và phục vụ chiến đấu.

Đòn tiến công mở đầu của chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954 nổ ra ở mặt trận Lai Châu, tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, giải phóng Lai Châu. Đòn tiến công thứ 2 là Chiến dịch Trung Lào, tiêu diệt một bộ phận quan trọng quân địch và giải phóng vùng Thà Khẹt (Lào). Đòn tiến công chiến lược thứ 3 diễn ra ở Hạ Lào và Đông Bắc Campuchia, giải phóng hơn 20.000 km2 nối liền căn cứ kháng chiến vùng Đông Bắc Campuchia với Hạ Lào. Đòn tiến công chiến lược thứ 4 diễn ra ở Tây Nguyên. Giải phóng địa bàn Bắc Tây Nguyên, góp phần phân tán lực lượng địch. Đòn tiến công chiến lược thứ 5 diễn ra ở Thượng Lào, giải phóng Thượng Lào nối Thượng Lào với khu Tây Bắc Việt Nam.

Sau khi thực hiện thắng lợi một loạt đòn tiến công nhằm vào các hướng quan trọng mà địch tương đối sơ hở để tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch và buộc khối cơ động chiến lược của đối phương tập trung ở đồng bằng Bắc Bộ phải phân tán đối phó trên nhiều hướng, ta đã huy động mọi nguồn sức mạnh của hậu phương và tập trung đại bộ phận bộ đội chủ lực tinh nhuệ mở cuộc tiến công lớn vào Điện Biên Phủ, tập đoàn cứ điểm mạnh nhất của quân Pháp ở Đông Dương.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Từ Cách mạng Tháng Tám đến cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954