Nông dân vẫn bị động trong tiếp cận thương mại điện tử

18/11/2022 12:00

Dù là một kênh tiêu thụ nông sản đầy tiềm năng nhưng nhiều nông dân trong tỉnh chưa chủ động tiếp cận sàn thương mại điện tử.


Dù đã được hỗ trợ tiếp cận bước đầu với thương mại điện tử nhưng nhiều hộ nông dân, HTX vẫn chưa “thông” thị trường số. Trong ảnh: Nhân viên Bưu điện tỉnh hướng dẫn nhân viên HTX Nông nghiệp phường Văn An (Chí Linh) tạo gian hàng trên sàn Postmart

Kiến thức công nghệ thông tin hạn chế, kỹ năng tiếp thị trong các giao dịch thương mại điện tử (TMĐT) không bài bản… là những rào cản chính khiến các hộ nông dân vẫn bị động trong các kế hoạch kinh doanh trực tuyến.

Ưa kinh doanh truyền thống

Thành lập từ năm 2009, đến nay 350 thành viên của HTX Dịch vụ thủy sản Đoàn Kết (Thanh Miện) đã và đang từng bước ứng dụng quy trình nuôi một số loại cá thương phẩm như rô phi, trắm, chép theo hướng bền vững. Hệ thống sục khí bán tự động, hệ thống cho cá ăn tự động đã góp phần giúp 87,7 ha diện tích nuôi thủy sản của HTX này có mức doanh thu bình quân 65 tỷ đồng mỗi năm.

Tuy vậy, tất cả các hộ thành viên chưa từng tiếp cận sàn TMĐT. Ông Đặng Văn Tuyền, cán bộ HTX này chia sẻ, dù ứng dụng công nghệ trong nuôi cá nhưng thị trường đầu ra hoàn toàn phụ thuộc các thương lái. “Hơn 70% số hộ thành viên trong HTX có mô hình nuôi cá nhỏ lẻ, lại chủ yếu là các bác nông dân tuổi đã cao nên kinh doanh truyền thống vẫn là phương pháp hiệu quả. Nhắc đến công nghệ thông tin hay TMĐT là nhắc đến một khái niệm gì đó rất xa vời”, ông Tuyền nói.

Tại phường Hiến Thành (Kinh Môn), gia đình ông Nguyễn Văn Đỉnh có hơn 1.000 m2 trồng dưa lưới, dưa chuột. Sản lượng bình quân 10 tấn dưa mỗi vụ được gia đình ông xuất bán hoàn toàn cho thương lái.

Để nâng cao hiệu quả trồng trọt, kinh doanh, tháng 4.2022 ông Đỉnh đã thành lập HTX Sản xuất và Kinh doanh rau quả sạch Hiến Thành, nâng tổng diện tích trồng trọt toàn HTX lên hơn 7.000 m2. Thị trường đầu ra của HTX này vẫn theo hướng kinh doanh truyền thống. “Chưa hiểu biết nhiều về thị trường kinh doanh trực tuyến nên chúng tôi chỉ chuyên tâm bán cho thương lái. Có thể trong tương lai chúng tôi sẽ tìm hiểu thêm về các sàn TMĐT”, ông Đỉnh nói.

Không như 2 trường hợp trên, năm 2020, các hộ nông dân thuộc HTX Nông nghiệp phường Văn An (Chí Linh) đã được nhân viên Bưu điện tỉnh bồi dưỡng kỹ năng kinh doanh trên sàn TMĐT, đồng thời hỗ trợ HTX này thành lập gian hàng trên sàn Postmart.

Tuy được hỗ trợ tiếp cận sàn TMĐT song đến nay chỉ 5% tổng sản lượng gạo nếp cái hoa vàng của HTX này được kinh doanh trực tuyến. Ông Giáp Văn Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc điều hành HTX cho biết: “Kiến thức, trình độ về công nghệ thông tin cũng như kỹ năng kinh doanh trực tuyến của chúng tôi thực sự còn nhiều hạn chế. Hơn nữa, để kinh doanh hiệu quả trên sàn TMĐT cần kỹ năng tiếp thị trực tuyến nhất định trong khi chúng tôi chưa được đào tạo một cách bài bản. So với kinh doanh trực tuyến, kinh doanh truyền thống vẫn đơn giản hơn”.


Phần lớn các hộ trồng dưa lê ở xã Bạch Đằng (Kinh Môn) vẫn kinh doanh theo cách truyền thống, chưa chú trọng đến thương mại điện tử


Cần cú hích

Dù không có số liệu chính thức, song theo đánh giá từ Bưu điện tỉnh, một trong những đơn vị trực tiếp hỗ trợ nông dân tiếp cận sàn TMĐT, người nông dân chưa thực sự chủ động khai thác kênh kinh doanh trực tuyến này.

Là một trong những người trực tiếp hướng dẫn nông dân, theo anh Vũ Khánh Linh, nhân viên Bưu điện tỉnh, việc đăng ký, tạo gian hàng trên các sàn TMĐT nói chung, sàn Postmart nói riêng không quá phức tạp. “Khó khăn ở việc kinh doanh trên sàn là nông dân phải nắm được cách thức quảng cáo sản phẩm sao cho phù hợp thị hiếu người tiêu dùng. Ngoài ra, nếu tự kinh doanh, nông dân hoặc phải tìm phương thức vận chuyển hoặc phải liên kết đơn vị vận chuyển. Đây là những vấn đề không đơn giản nhất là với các hộ trồng trọt, chăn nuôi nhỏ lẻ”, anh Linh cho biết.

Kinh doanh trực tuyến không phải hình thức mới ở Hải Dương. Thực tế, khai thác tốt kênh này hiện chủ yếu là giới trẻ, những công ty quy mô lớn. Theo đánh giá của ông Phạm Huy Thắng, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, kinh doanh truyền thống và kinh doanh trực tuyến đều có điểm chung là tạo thị trường đầu ra ổn định, gia tăng trị giá sản phẩm kinh doanh.

Tuy nhiên kinh doanh truyền thống phụ thuộc rất nhiều yếu tố, đặc biệt là khoảng cách địa lý trong khâu tiếp thị sản phẩm. “Nếu nông dân làm chủ kỹ năng kinh doanh trên các sàn TMĐT, giá trị gia tăng của hàng hóa sẽ được nâng cao vì chính họ sẽ quyết định mức giá bán cho người tiêu dùng trực tiếp thay vì phải thông qua kênh truyền thống. Cùng với kinh doanh truyền thống, nông dân sẽ có thêm công cụ trực tiếp góp phần nâng cao thu nhập”, ông Thắng nói.

Nông dân chưa chủ động trong kinh doanh trực tuyến vì tâm lý e ngại ứng dụng công nghệ kinh doanh mới. "Nông dân, những người làm ra nông sản trực tiếp cần hiểu rằng sàn TMĐT là kênh tiêu thụ đầy tiềm năng. Qua đó góp phần nâng cao mức doanh thu trên từng diện tích nông nghiệp. Không thể trực tiếp làm thì có thể nhờ người thân hoặc các đơn vị hướng dẫn như Bưu điện tỉnh, Viettel Post…”, ông Thắng nói thêm.

Tinh thần chủ động, không ngại khó cùng sự hướng dẫn từ thành viên các tổ công nghệ số cộng đồng, doanh nghiệp bưu chính, viễn thông sẽ tạo cú hích, từng bước hướng người dân đến kinh doanh số.

HÀ KIÊN

(0) Bình luận
Nông dân vẫn bị động trong tiếp cận thương mại điện tử