Cụm công nghiệp Tây Ngô Quyền: Bất cập công nghiệp trong đô thị

09/10/2021 14:30

Với định hướng phát triển đô thị loại I của TP Hải Dương, vị trí nằm trong khu vực nội thành của cụm công nghiệp (CCN) Tây Ngô Quyền không còn phù hợp.


Cụm công nghiệp Tây Ngô Quyền nằm ở khu vực trung tâm TP Hải Dương không phù hợp với quy hoạch phát triển của thành phố 

Các doanh nghiệp trong CCN cần sớm được di chuyển để thành phố hình thành khu chức năng theo quy hoạch chung.         

Không còn phù hợp

CCN Tây Ngô Quyền được phê duyệt quy hoạch vào năm2003 và quyết định thành lập năm 2016 với quy mô 19,51 ha thuộc 2 phường Cẩm Thượng, Thanh Bình. Trong cụm đang có 24 doanh nghiệp được tỉnh giao đất với thời hạn từ 25-35 năm, thời hạn thuê đất kết thúc từ năm 2028-2053. CCN được hình thành trên cơ sở đề xuất dự án, UBND tỉnh chấp thuận đầu tư. Các doanh nghiệp tự thực hiện giải phóng mặt bằng, làm đường giao thông đối ngoại, hệ thống hạ tầng kỹ thuật và xây dựng các công trình được cấp phép nên không có chủ đầu tư quản lý.

CCN này nằm ở phía tây đường Ngô Quyền thuộc khu vực trung tâm thành phố, giáp các khu dân cư và khu đô thị mới. Theo quy hoạch chung TP Hải Dương đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và quy hoạch phân khu phường Thanh Bình thì khu vực CCN được quy hoạch là đất ở, đất dịch vụ công cộng và đất hỗn hợp. Hiện các doanh nghiệp trong cụm đã xây dựng nhà xưởng, nhà kho, khu văn phòng và công trình phụ trợ phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh. Nếu tiếp tục duy trì sản xuất trong CCN này thì về lâu dài sẽ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới mỹ quan đô thị, phá vỡ quy hoạch của thành phố khi định hướng phát triển khu vực cửa ngõ phía bắc là khu đô thị sinh thái, thông minh.

Nhà anh Vũ Văn Đại ở ngõ 20 đường Ngô Quyền, nằm cạnh CCN Tây Ngô Quyền. Anh Đại cho biết cuộc sống cạnh CCN rất bất tiện vì doanh nghiệp sản xuất, làm ngày làm đêm. Tiếng ồn từ hoạt động sản xuất, kinh doanh ảnh hưởng không nhỏ tới việc sinh hoạt, học tập của người dân trong ngõ. Hơn nữa, việc vận chuyển hàng hóa của các doanh nghiệp cũng có thể gây ra tai nạn giao thông. "Người dân sống cạnh CCN không thoải mái, doanh nghiệp sản xuất cũng không yên tâm. Vì thế chúng tôi mong muốn các doanh nghiệp trong CCN Tây Ngô Quyền sớm di dời ra địa điểm thích hợp", anh Đại cho ý kiến.


Tiếng ồn từ hoạt động sản xuất của doanh nghiệp ảnh hưởng tới việc sinh hoạt của người dân sống ngay cạnh cụm công nghiệp     

Đề xuất di dời

Qua kiểm tra hiện trạng, đối chiếu quy hoạch và cân nhắc các vấn đề liên quan, TP Hải Dương đã lên phương án di dời các doanh nghiệp trong CCN Tây Ngô Quyền đồng thời có kế hoạch sử dụng hiệu quả quỹ đất tại khu vực này.

Để giải quyết vị trí cho các doanh nghiệp tiếp tục có nhu cầu thuê đất, thành phố đã đề xuất thành lập CCN Tây Việt Hòa rộng 66,2 ha ở phường Việt Hòa và CCN Tiền Tiến-Telin Park có diện tích 75 ha ở xã Tiền Tiến. Hiện 2 CCN này đã được Bộ Công thương thống nhất bổ sung các CCN trên địa bàn tỉnh. Cùng với việc di chuyển các doanh nghiệp trong CCN Tây Ngô Quyền, việc di dời Nhà máy gạch Viglacera Hải Dương ngay cạnh sẽ tạo quỹ đất để thành phố quy hoạch xây dựng tổ hợp tài chính, thương mại, dịch vụ và nhà ở cao cấp với quy mô khoảng 26 ha kết nối đồng bộ với các khu dân cư, khu đô thị lân cận.

Điểm nhấn trung tâm của dự án là công viên, đài phun nước kết hợp biểu tượng kiến trúc có diện tích 1,68 ha được coi là lá phổi xanh của toàn bộ dự án, không gian mở kết hợp trục đường chính tạo chiều sâu cho toàn bộ công trình cao tầng. Khu tổ hợp tài chính gồm trụ sở các ngân hàng, quỹ đầu tư, trung tâm chứng khoán, khách sạn... bố trí dọc tuyến đường Ngô Quyền, Tuệ Tĩnh kéo dài, tạo bộ mặt đô thị đồng bộ, hoàn chỉnh. Ngoài khu đất xây dựng chung cư cao cấp, trung tâm mua sắm, hệ thống giao thông được quy hoạch với quy mô lớn kết hợp cây xanh, vườn hoa, tạo không gian xanh, thông thoáng cho khu vực. Dự án xây dựng theo hướng đô thị thông minh, ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong quản lý, vận hành để nâng cao chất lượng đô thị, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên.

Theo ông Tăng Văn Quản, Phó Chủ tịch UBND TP Hải Dương, việc di chuyển doanh nghiệp trong CCN Tây Ngô Quyền là cần thiết để đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị loại I của thành phố. Vì thế, thành phố đã đề xuất và kiến nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh giao đơn vị chủ trì, phối hợp với UBND thành phố xây dựng phương án di dời, phấn đấu hoàn thành trong thời gian sớm nhất có thể.

DŨNG CƯỜNG

(0) Bình luận
Cụm công nghiệp Tây Ngô Quyền: Bất cập công nghiệp trong đô thị