Doanh nghiệp đang mong chờ gì?

10/06/2022 06:12

Cuộc đối thoại, tiếp xúc giữa lãnh đạo tỉnh với doanh nhân sắp tới là cơ hội để doanh nghiệp nói lên những khó khăn, vướng mắc sau thời gian dài chịu tác động của nhiều yếu tố khó khăn, trong đó có dịch Covid-19.


Công ty CP VTC Group đã nỗ lực khắc phục bất lợi để đi vào hoạt động từ cuối tháng 3.2022. Doanh nghiệp mong muốn tỉnh có quy định, quy hoạch cụ thể về lĩnh vực nhôm thanh định hình


Sau hơn 2 năm đương đầu với dịch Covid-19 với chồng chất khó khăn, cuộc đối thoại, tiếp xúc giữa lãnh đạo tỉnh với doanh nhân sắp tới là cơ hội để doanh nghiệp gỡ bỏ vướng mắc, phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Nhiều cái khó

Khởi công dự án nhà máy nhôm định hình ở thị xã Kinh Môn vào tháng 2.2021, đúng lúc dịch Covid-19 diễn biến vô cùng phức tạp nhưng Công ty CP VTC Group đã nỗ lực khắc phục bất lợi để đi vào hoạt động từ cuối tháng 3.2022. Với vốn đầu tư 223 tỷ đồng, công suất 10.000 tấn nhôm thành phẩm/năm, hiện công ty có 33 nhà phân phối ở các tỉnh miền Bắc, miền Trung và tiếp tục mở rộng thị trường. Là doanh nghiệp trẻ, vượt khó vươn lên trong đại dịch song công ty vẫn loay hoay khi tỉnh chưa có quy định, quy hoạch cụ thể về lĩnh vực nhôm thanh định hình. Theo ông Phạm Ngọc Vũ, Tổng Giám đốc công ty, không có quy hoạch sẽ khiến việc quản lý khó khăn và ảnh hưởng tới các doanh nghiệp làm ăn chân chính. Công ty mới thành lập nên rất cần có quy hoạch để định hướng phát triển, phù hợp với mục tiêu của cả tỉnh.

Đi lên từ hộ sản xuất, kinh doanh, Công ty CP Xuất nhập khẩu Hoài Giang (TP Hải Dương) đang đứng trước nhiều sức ép. Bà Phạm Mỹ Hoài, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc công ty cho biết khó khăn của đơn vị cũng là vướng mắc chung của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ. Phần lớn nhà kho, nhà xưởng được xây dựng tự phát trên đất ở hoặc thuê mượn trong các khu dân cư nên chật chội, gây ô nhiễm môi trường, không an toàn về phòng cháy, chữa cháy và ảnh hưởng tới dân sinh. Doanh nghiệp muốn có mặt bằng để ổn định và mở rộng sản xuất song không đủ khả năng và không phù hợp để thuê đất trong các cụm công nghiệp, khu công nghiệp vì diện tích cần không lớn.

“Tôi cũng như các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ mong muốn tỉnh có cơ chế thỏa đáng, linh hoạt để có thể tiếp cận mặt bằng kinh doanh hợp lý”, bà Hoài bày tỏ.

Phần lớn các doanh nghiệp có dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư mong mỏi từng ngày để được triển khai các thủ tục tiếp theo. Những vướng mắc về đất đai khiến cho dự án bị kéo dài, lỡ mất cơ hội đầu tư, kinh doanh và chịu ảnh hưởng nặng nề bởi trượt giá. Theo một số doanh nhân, chỉ tính từ năm 2020 đến nay, doanh nghiệp có thể thiệt hại từ 35-40% chi phí dự án đầu tư ban đầu do trượt giá. Nhìn xa hơn, không chỉ doanh nghiệp bị ảnh hưởng mà nguồn thu ngân sách cũng thâm hụt vì doanh nghiệp không có doanh thu để đóng góp thuế. Ngoài ra, do dịch Covid-19, các doanh nghiệp khó thu hồi được công nợ để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh nên rất cần tới "phao cứu sinh" là các gói hỗ trợ hoặc phương án giãn, hoãn nợ để vượt qua khó khăn.

Kỳ vọng

Đây không phải lần đầu lãnh đạo tỉnh tiếp xúc, đối thoại với doanh nhân để trực tiếp tháo gỡ rào cản, vướng mắc song cộng đồng doanh nghiệp rất kỳ vọng vào lần này bởi những tín hiệu tích cực từ cấp uỷ, chính quyền. Thời gian qua, năng lực điều hành kinh tế của Hải Dương đã được khẳng định khi chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021 đã tăng 34 bậc, vươn lên vị trí thứ 13 cả nước. Các chỉ số thành phần là tính năng động của chính quyền, cạnh tranh bình đẳng tăng hơn 3 điểm so với năm 2020. Điều này cho thấy những nỗ lực trong cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh của Hải Dương, nhất là của lãnh đạo tỉnh.


Dù đã được chấp thuận đầu tư hơn 11 năm nay nhưng Công ty TNHH một thành viên Thương mại và Dịch vụ Lai Vu mới chỉ xây dựng được 1 nhà xưởng tạm, phần lớn diện tích bỏ không


Năm 2019, sau cuộc tiếp xúc, đối thoại với lãnh đạo tỉnh, dự án sản xuất đồ sắt mỹ nghệ và nội thất văn phòng của Doanh nghiệp Tư nhân Lai Vu (nay là Công ty TNHH một thành viên Lai Vu) ở huyện Kim Thành đã được gỡ vướng phần nào. Vì thế, lần này ông Bùi Gia Thuật, Giám đốc công ty hy vọng khó khăn của doanh nghiệp sẽ được các cấp, ngành giải quyết triệt để, giúp doanh nghiệp yên tâm sản xuất, kinh doanh. Ông Thuật cho hay, công ty được chấp thuận chủ trương đầu tư và được cho thuê đất nhưng lại không được phép xây dựng trên đất hơn 11 năm qua vì vướng thủ tục đê điều. Quy mô dự án là 60.000 sản phẩm/năm, tuy nhiên hiện tại cơ sở sản xuất chỉ là lán tạm hoạt động cầm chừng. Doanh nghiệp mong mỏi từng ngày dự án được tháo gỡ để xây dựng nhà xưởng sản xuất.

Bà Trần Thị Thu, Chủ tịch Hội Nữ doanh nhân tỉnh nhận định hiện phần nhiều doanh nhân đang thiếu và yếu về mặt tiếp cận pháp luật. Lỗ hổng về kiến thức pháp lý gây ra những trục trặc trong quá trình đầu tư, thậm chí là sai phạm. Cuộc tiếp xúc, đối thoại của lãnh đạo tỉnh là dịp để doanh nhân giãi bày, từ đó tạo được sự kết nối giữa chính quyền với doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp có niềm tin và an tâm sản xuất, kinh doanh. 

Hội nghị đối thoại doanh nghiệp tỉnh Hải Dương lần thứ nhất được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh tổ chức sáng 27.3.2018.

Tại cuộc đối thoại này, đại diện các doanh nghiệp nêu một số ý kiến đáng chú ý:

Có ý kiến nêu cùng giải quyết thủ tục đầu tư nhưng ở một số tỉnh, thành phố khác phục vụ, giải quyết rất nhanh còn ở tỉnh mình lại rất chậm, làm khó cho doanh nghiệp. Thời gian để chuyển đổi quyền sử dụng đất quá dài. Tỉnh nên có quy trình khoa học trong việc tiếp nhận hồ sơ và nêu rõ thời gian giải quyết các thủ tục hành chính.

Một số ý kiến đề nghị các sở, ngành hướng dẫn doanh nghiệp cập nhật thông tư, nghị định kịp thời; phải rút ngắn thời gian hướng dẫn doanh nghiệp, nhất là các thông tư, nghị định về thuế. Nên chắt lọc các thông tin để hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện dễ dàng hơn, tránh mất thời gian.

Đa phần là các doanh nghiệp ở tỉnh có quy mô nhỏ và siêu nhỏ. Những doanh nghiệp này tiếp cận chính sách pháp luật rất hạn chế. Thậm chí chính sách thuế, đất thay đổi đã lâu nhưng không biết. Doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ rất ngại đến các cơ quan công quyền để bày tỏ ý kiến. Khi đến gặp, đại diện nhiều cơ quan, chính quyền vẫn còn thờ ơ. Doanh nghiệp đề nghị chính quyền cởi mở với doanh nghiệp hơn.

Đại diện một số doanh nghiệp ở khu công nghiệp bức xúc về tình trạng mất điện thường xuyên, không được báo trước ảnh hưởng đến sản xuất. 

Có ý kiến về việc thiếu trách nhiệm của chính quyền cấp xã đối với doanh nghiệp. Nhiều khoản doanh nghiệp đóng góp cho xã không được xã công khai làm gì.

Có doanh nghiệp đề nghị tỉnh sớm xây dựng được chuỗi nông sản sạch; ban hành danh sách các cơ sở sản xuất nông sản sạch. Việc cấp giấy chứng nhận cho các cơ sở sản xuất mặt hàng này phải chặt chẽ hơn. Tỉnh nên tổ chức các phiên chợ nông sản sạch để quảng bá thương hiệu nông sản Hải Dương...

     PV

(0) Bình luận
Doanh nghiệp đang mong chờ gì?