Bỏ rơi con - đánh mất lương tâm

16/12/2018 09:29

Tối 1.12, người dân phát hiện một bé sơ sinh vẫn còn dây rốn, đặt trước cổng chùa Cậy, xã Long Xuyên (Bình Giang).

Trước đó, ngày 11.11, tại xã Hà Kỳ (Tứ Kỳ), người dân cũng phát hiện một trẻ sơ sinh bị bỏ rơi. Như vậy, chỉ riêng ở Hải Dương trong vòng chưa đầy một tháng đã có hai trẻ sơ sinh bị người thân bỏ rơi.

Trong cả nước cũng liên tục có những trường hợp trẻ bị bỏ rơi bằng cách này hay cách khác. Có đứa bé được để trong túi xách, trong làn, nhưng có trẻ bị bỏ trong túi nilon... Việc bỏ rơi trẻ sơ sinh ở những nơi không an toàn nếu không được phát hiện kịp thời sẽ gây ra những hậu quả khó lường. Cách đây nhiều năm, câu chuyện bé Thiện Nhân bị bỏ rơi ở khu vực Núi Thành (Quảng Nam), bị thú hoang cắn mất một chân và bộ phận sinh dục đã khiến nhiều người ám ảnh mãi. Bây giờ thì "chú lính chì" Thiện Nhân đã có một cuộc sống ổn định, hạnh phúc trong vòng tay ấm áp yêu thương của gia đình bố mẹ nuôi, đúng như ý nghĩa của cái tên Thiện Nhân - nghĩa là điều thiện, lòng nhân ái sẽ theo bé mãi mãi. Nhưng không phải em bé nào cũng may mắn như Thiện Nhân.

Ngày 12.11 vừa qua, Công an quận Bình Tân (TP Hồ Chí Minh) đã phát thông báo tìm nhân chứng, phục vụ điều tra vụ án bé sơ sinh tử vong tại bãi đất trống đối diện chùa Thiện Hoa (phường An Lạc ở quận này) hơn nửa năm trước. Đứa bé được một người đàn ông ở gần chùa Thiện Hoa phát hiện đang bị đàn lợn rừng nuôi thả rông tha. Ông vác gậy đuổi theo, con lợn thả em bé ra nhưng nạn nhân đã tử vong. Thi thể bé trai còn nguyên dây rốn. Công an quận Bình Tân xác định bé trai khi sinh ra vẫn sống, bị vứt bỏ và chết do đa chấn thương.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng trẻ bị bỏ rơi ngày càng gia tăng. Những đứa bé đáng thương này phần lớn là kết quả của cuộc tình chóng vánh, sống vội, khi mà những người mẹ, người cha chưa thực sự sẵn sàng chịu trách nhiệm cho những hành vi của mình. Hiện nay, dưới tác động của internet với rất nhiều tin tức, hình ảnh, trang web "đen", quan niệm sống thoáng, yêu hết mình cộng với hiểu biết hạn chế, chưa đầy đủ về sức khỏe sinh sản của tuổi vị thành niên, thanh niên đã để lại nhiều hậu quả. Một thống kê của Tổng cục Dân số - KHHGÐ (Bộ Y tế) cho thấy trung bình mỗi năm cả nước có khoảng 300.000 ca nạo phá thai ở tuổi 15-19, trong đó khoảng 70% là tuổi vị thành niên. Việt Nam là nước có tỷ lệ nạo phá thai ở tuổi vị thành niên cao nhất Ðông Nam Á và đứng thứ 5 trên thế giới. Ở Hải Dương, một khảo sát của Chi cục Dân số-KHHGÐ tỉnh năm 2016 cho thấy chỉ có 60% số người trong nhóm tuổi 15-24 có kiến thức về các biện pháp tránh thai và sức khỏe sinh sản. Khi không may cuộc tình để lại "hậu quả" mà không giải quyết được bằng nạo phá thai thì nhiều người mẹ trẻ thiếu hiểu biết sẵn sàng bỏ rơi núm ruột của mình...

Điều 24 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định người mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà giết con do mình đẻ ra trong 7 ngày tuổi thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Còn về mặt đạo lý xã hội, hành vi bỏ rơi những đứa trẻ vừa lọt lòng mẹ là không thể chấp nhận, luôn bị cộng đồng lên án mạnh mẽ.

Để câu chuyện trẻ bị bỏ rơi không còn lặp lại, các gia đình, nhà trường, các đoàn thể, đặc biệt là Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên cần làm tốt công tác tuyên truyền để nâng cao kiến thức sức khỏe sinh sản, hiểu biết pháp luật có liên quan cũng như đạo lý làm người cho trẻ vị thành niên, thanh niên. Các gia đình cần sâu sát hơn với con cái, kịp thời định hướng cho con. Và khi những đứa trẻ chào đời, dù là kết quả không mong muốn cũng đừng bỏ rơi con, đừng vứt bỏ lương tâm và trách nhiệm, để bản thân phải sống trong tội lỗi, lương tâm cắn rứt cả đời.

KIM THANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bỏ rơi con - đánh mất lương tâm