Cảnh giác với những “đột biến”

28/03/2021 07:28

Thời gian gần đây, dư luận xôn xao với những giao dịch mua bán giống hoa lan tiền tỷ xuất hiện liên tiếp trên báo chí và mạng xã hội.

Những cây hoa lan được cho là giống đột biến gen, rất quý hiếm được bán với giá từ hàng tỷ tới hàng trăm tỷ đồng. Những người liên quan tới các giao dịch này giải thích rằng sở dĩ cây lan loại này có giá “trên trời” như vậy do nó có giá trị nhân giống sau này, từ một cây có thể sẽ đẻ ra nhiều cây con và đều cho hoa cực quý hiếm, tiếp tục bán giá cao.

Vì giá những cây lan đột biến quá cao so với thông thường nên nhiều người không tin các giao dịch này có thực. Cư dân mạng gọi các mầm lan đột biến là “rau muống” ngụ ý giá trị của chúng là “ảo”. Thậm chí trên mạng xã hội còn xuất hiện trào lưu chế ảnh về hoa lan tiền tỷ. Song bên cạnh đó cũng có nhiều người tin rằng có thể kiếm tiền nhanh chóng bằng việc đầu tư vào mua bán các giống lan đột biến.  

Theo một số chuyên gia trong lĩnh vực sinh học nông nghiệp, lan đột biến nếu tự nhiên thì cực hiếm. Còn những cây lan giống được cho là đột biến trong các giao dịch giá trên trời hầu như đều do con người tác động để lai tạo nên hoàn toàn có thể có số lượng lớn sau khi nhân giống. Về lâu dài, các giống đó sẽ ngày một phổ biến, không còn quý hiếm như trước nữa. Vì vậy, giá trị của các cây lan có thể sẽ ngày một giảm chứ không thu được lãi khủng như nhiều người kỳ vọng.

Việc đầu tư vốn lớn vào lan đột biến tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là với những người ít kiến thức, ít kinh nghiệm chăm sóc, nhân giống chúng. Thứ nhất, nếu không thực sự am tường thì người mua khó xác định được giống hoa mình định mua có đúng là đột biến hay không, nhất là khi nhiều cây giống được bán dưới dạng mầm, cây chưa ra hoa. Thứ hai, nếu không tìm hiểu kỹ thì những “tay mơ” dễ trở thành nạn nhân cho những chiêu trò thổi giá nhằm tạo cơn sốt ảo để bán được hàng. Thứ ba, cho dù mua được cây lan đột biến thật sự thì người không có kiến thức, kinh nghiệm chăm sóc, nhân giống cây sẽ khó nuôi dưỡng và khiến cây sinh ra nhiều cây con có đột biến tương tự để bán giá cao, thu lời. Còn nếu đầu tư theo kiểu “lướt sóng”, tiếp tục bán sang tay cho người khác trong thời gian ngắn thì việc mua bán này sẽ tạo thành cái vòng luẩn quẩn. 

Trước đây có nhiều bài học kinh nghiệm về đầu cơ hàng hóa, đẩy giá bán lên cao so với giá trị thực. Điển hình là cơn sốt hoa tulip hay bong bóng uất kim hương ở Hà Lan vào thế kỷ thứ 17. Khi đó, những củ hoa tulip cũng được đẩy giá bán lên rất cao, có thời điểm giá một củ hoa bằng cả một gia tài. Song khi thị trường chỉ toàn người đầu cơ và lượng cung vượt quá nhu cầu thì giá củ hoa rơi xuống chỉ còn 1% so với trước, khiến nhiều người phá sản, vỡ nợ. Ở nước ta cũng từng có những cơn sốt như nuôi chó Nhật, trồng các loại cây cảnh (sanh, cau vua…)… Dù giá mua bán các mặt hàng này không cao bằng các giống lan đột biến nhưng diễn biến tương tự như cơn sốt hoa tulip cũng đã làm nhiều gia đình lao đao.

Các cơn sốt đầu cơ, thổi giá các mặt hàng đều không có lợi cho sự phát triển lành mạnh của nền kinh tế. Vì vậy, mặc dù các giao dịch hoa lan tiền tỷ đều là sự tự nguyện giữa các cá nhân nhưng các cơ quan chức năng cũng cần vào cuộc, xác minh rõ thật hư các vấn đề như các giao dịch có xảy ra thật không; nếu có thật thì người tham gia đã làm đủ trách nhiệm đóng thuế cho Nhà nước hay chưa; các cây hoa lan được giao dịch có phải là lan đột biến và đột biến tự nhiên hay do tác động của con người… Tăng cường cảnh báo những nguy cơ rủi ro trong kinh doanh hoa lan đột biến để người dân nắm được. Bản thân những người đang muốn đầu tư vào việc mua bán, nhân giống các cây hoa lan đột biến cần cân nhắc, thận trọng, tránh các rủi ro có thể gây thiệt hại lớn về kinh tế. 

LAM ANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cảnh giác với những “đột biến”