"Công dân" - Danh hiệu bình thường nhất nhưng cao quý nhất

22/05/2020 08:08

Có một số người là công dân, là cán bộ, có danh nọ danh kia, thậm chí có người là anh hùng, chức cao, quyền lớn vậy mà họ phạm tội để đến nỗi cái danh hiệu công dân cũng không còn.

Ở Việt Nam ta, cứ 18 tuổi, cái tuổi được cầm lá phiếu bầu cử sẽ được mang danh hiệu "công dân" (gọi đầy đủ là “Công dân nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”), tất nhiên phải là người bình thường, không thuộc các đối tượng bị tước quyền bầu cử theo quy định của pháp luật.

Ngoài danh hiệu chung cho tất cả người Việt Nam, chúng ta còn có nhiều danh hiệu cao quý để phong tặng cho mỗi người, tùy vào công việc hay thành tích họ đạt được. Ngành giáo dục có danh hiệu “Nhà giáo Ưu tú”, “Nhà giáo Nhân dân”. Ngành y có hai danh hiệu “Thầy thuốc Ưu tú”, “Thầy thuốc Nhân dân”. Các ngành nghệ thuật cũng có danh hiệu “Nghệ sĩ Ưu tú”, “Nghệ sĩ Nhân dân”, “Nghệ nhân Ưu tú”, “Nghệ nhân Nhân dân”. Trong công tác thi đua có danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, cấp tỉnh,  bộ, ngành, đoàn thể trung ương và Chiến sĩ thi đua toàn quốc. Trên nhất là “Anh hùng” (Anh hùng Lao động, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân). 

Được phong tặng các danh hiệu cao quý nói trên không hề dễ dàng. Vì thế người nào được phong tặng đều cảm nhận rất vinh dự. Vậy là cùng một lúc họ có cả danh hiệu “công dân” và một danh hiệu vinh dự.

Nếu đem so với danh hiệu “anh hùng”, “nhân dân” hay “ưu tú” thì danh hiệu “công dân” quả là bình thường. Nó bình thường vì mọi người đều có một cách tự nhiên. Không một ai phải đăng ký hoặc làm đơn xin cấp, xin phong tặng và cũng không có cơ quan, tổ chức nào cấp danh hiệu công dân cho ai cả. Bình thường khi có danh hiệu ấy, người ta sẽ mang nó suốt đời. Bình thường đến mức không ai làm huy hiệu, làm logo... cho người có danh hiệu ấy. Thậm chí chúng ta nhiều khi quên đi cái việc mình là công dân. Cũng chẳng ai mang danh hiệu công dân để khoe với người khác.

Danh hiệu công dân tuy bình thường như vậy nhưng lại là danh hiệu cao quý nhất trong tất cả các danh hiệu. Nó cao quý vì không đổi bằng của cải vàng bạc được. Nó cao quý vì không xin, cho được. Nó cao quý vì nó là mạng sống của con người, bởi lẽ người còn có danh hiệu công dân thì luôn được pháp luật bảo vệ. Họ có quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc, quyền bất khả xâm phạm...

Ngược lại người nào bị tước đi danh hiệu công dân thì đồng thời họ cũng không còn các danh hiệu như ưu tú, nhân dân hay anh hùng. Họ mất quyền công dân tức là ở tù. Họ làm việc theo mệnh lệnh. Họ ăn, ngủ, sinh hoạt theo mệnh lệnh. Họ không được hưởng hạnh phúc gia đình, mất quyền tự do... Cao hơn nữa, có người bị tước cả quyền sống bất kể họ là ai nếu phạm tội tày trời. Trong con mắt mọi người, hầu hết kẻ nào bị mất quyền công dân đều là kẻ đáng coi thường, thậm chí là khinh bỉ, căm ghét.

Bàn về danh hiệu "công dân", một ông ở gần nhà tôi, năm nay 60 tuổi, mới được ra tù nói với tôi: "Án tù của tôi là 7 năm, được đặc xá trước 1 năm. Họ (tức công an quản giáo) chẳng đánh đập, mắng nhiếc gì chúng tôi. Chúng tôi đi lao động. Tôi có tuổi nên việc cũng nhẹ nhàng. Chúng tôi ăn uống no nê, sạch sẽ. Vậy mà tôi vẫn thấy nhục lắm. Chỉ đơn giản thế này thôi: Có anh quản giáo trẻ măng, chỉ tuổi con út của tôi. Vậy mà gặp anh tôi phải cúi đầu “chào cán bộ”. Nhưng thôi, câu chào cán bộ thì lời nói gió bay. Còn ánh mắt họ nhìn thì tôi không chịu nổi. Đó là ánh mắt vừa coi thường, vừa cảnh giác". Ông về nhà cả năm rồi mà không dám đi đâu. Ông vẫn biết là mình đã được trả lại quyền công dân nhưng nỗi xấu hổ, nỗi nhục thì làm sao phai nhạt được? Cả gia đình ông, họ hàng ruột thịt bây giờ nhìn ông cũng khác. Đành rằng họ vẫn hỏi han, chào mời, an ủi động viên nhưng ông biết đấy chỉ là bề ngoài. Thấy vợ con có ý sai, ông không dám nói, sợ họ vặc lại mình. Ngày giỗ họ vừa rồi, ông giả ốm để xin vắng chứ thực tình ông chưa dám đến. "Tôi biết tôi đã làm ảnh hưởng đến cả dòng họ... Đến bây giờ tôi mới thực sự thấm thía giá trị cao quý của hai chữ “công dân”.

Nghe ông hàng xóm được hoàn lương tâm sự, tôi hiểu là ông nói rất thật. Vậy mà có một số người là công dân, là cán bộ, có danh nọ danh kia, thậm chí có người là anh hùng, chức cao, quyền lớn vậy mà họ phạm tội để đến nỗi cái danh hiệu công dân cũng không còn. Ước gì họ được nghe lời tâm sự của ông hàng xóm nhà tôi, hy vọng họ nhận ra điều gì và biết mình phải làm gì để giữ lấy danh hiệu cao quý: Công dân.

VĂN DUY (Kinh Môn)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    "Công dân" - Danh hiệu bình thường nhất nhưng cao quý nhất