Đối phó với giá điện tăng

22/03/2019 08:04

Giá điện đã tăng từ ngày 20.3 theo quyết định của Bộ Công thương.

Giá bán lẻ điện bình quân tăng 8,36%, từ 1.720 đồng/kWh lên 1.864,44 đồng/kWh. Theo Bộ Công thương, sở dĩ giá điện tăng là do chi phí các yếu tố đầu vào đều tăng như giá than, dầu, khí... Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) từng cho biết giá điện ở Việt Nam tăng từ 7,4 cent/kWh lên 8 cent/kWh là vẫn ở mức thấp so với các nước trong khu vực và thế giới. Nếu thực hiện giá điện cũ, EVN sẽ giảm lãi, dần dẫn đến lỗ.

Từ năm 2010 đến nay đã có 7 lần điều chỉnh giá điện. Tổng doanh thu của EVN năm 2018 là 340.500 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2017 (năm 2017 EVN báo lãi 2.370 tỷ đồng). Đương nhiên ngành sản xuất nào cũng cần có lãi để đầu tư phát triển sản xuất, phúc lợi xã hội. Nhưng ngành điện có vị trí rất quan trọng trong sản xuất, kinh doanh, đời sống xã hội; là một trong những nguồn lực quan trọng để cân đối nền kinh tế quốc dân, cân đối vĩ mô. Theo tính toán của các nhà kinh tế, nếu tăng giá điện 8,36% thì sẽ làm giảm 0,22% GDP và sẽ tác động làm chỉ số lạm phát tăng 0,29%.

Có thể nói điện có tác động đến mọi hoạt động của xã hội, chi phối trực tiếp và quyết định đến sản xuất, đời sống. Việc tăng giá điện sẽ ảnh hưởng lớn đến giá thành sản phẩm, nhất là đối với những cơ sở sản xuất xi măng, sắt thép, giảm sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Chi phí của doanh nghiệp sẽ tăng cao khi đẩy giá bán điện lên, làm giảm sức cạnh tranh trên thị trường, nhất là thị trường nước ngoài. Trong khi đó sức cạnh tranh của ta còn thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Khi được tin tăng giá điện, các hộ sản xuất, kinh doanh từ lớn đến nhỏ và kể cả người dân chắc chắn đều lo lắng.

Để giảm tác động từ việc tăng giá điện, ngay từ bây giờ các nhà đầu tư, nhà sản xuất quy mô lớn tiêu thụ nhiều điện năng cần tính toán, cân đối lại các khoản mục giữa các chi phí đầu vào như năng lượng, nguyên vật liệu, lao động... với mức hợp lý nhất, tiết kiệm nhất để giá thành không biến động lớn. Nói chung, các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh đều phải tính toán lại một cách căn cơ hơn, thực sự tiết kiệm. Cần đẩy mạnh hơn nữa việc tiết kiệm điện, thậm chí phải cắt giảm ở những nơi sử dụng còn lãng phí.

Tăng giá điện thật sự là điều bất đắc dĩ vì sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế quốc dân và đời sống xã hội. 

VŨ HOÀNG(TP Hải Dương)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đối phó với giá điện tăng