Lương tâm quý hơn tất cả

14/06/2020 09:37

Tôi tin họ sẽ mang theo bài học nhớ đời rằng: Đạo đức, lương tâm, nhân phẩm là quý hơn tất cả, không thể để mất. Chỉ có vậy họ mới tìm lại được chỗ đứng trong thế gian.

Xã hội ta đang xây dựng một nền văn hóa mang tính nhân đạo sâu sắc, nhưng đó đây vẫn còn những con người có hành vi không thể chấp nhận như lấy trộm, ăn cướp, tham nhũng, lừa đảo, hiếp dâm, giết người, bắt cóc tống tiền, buôn bán người… Nhiều vụ việc đã bị lôi ra ánh sáng. Nhiều kẻ đã phải trả giá, nhẹ là cảnh cáo, đuổi việc, nặng thì đi tù, thậm chí không ít kẻ đã lĩnh án tử hình. 

Trước những sự việc nêu trên, người thì cho là thất đức, người bảo dã man, mất hết tính người. Song nói chung đều giống nhau ở nhận định đó là những kẻ vô lương tâm, thậm chí là táng tận lương tâm.

Vậy “lương tâm” là gì?

Theo sách “Từ điển tiếng Việt” xuất bản năm 2008 thì “lương tâm" là yếu tố nội tâm tạo cho mỗi con người khả năng tự đánh giá hành vi của mình về mặt đạo đức và tự điều chỉnh mọi hành vi của mình. Như vậy, trong mỗi con người luôn có sự đấu tranh âm ỉ giữa cái thiện với cái ác, cái đúng với cái sai, cái chính với cái tà. Đây là cuộc đấu tranh gay go, quyết liệt, phức tạp và thường xuyên. 

Nhân dân ta có câu “Nhân chi sơ tính bản thiện”. Nghĩa là con người sinh ra đã có bản chất lương thiện. Khi lớn lên, do ảnh hưởng môi trường sống và những cám dỗ mà thành ác. Tục ngữ đã nói “gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”. Bác Hồ cũng có thơ “Ngủ thì ai cũng như lương thiện/ Tỉnh dậy phân ra kẻ dữ, hiền/ Hiền dữ phải đâu là tính sẵn/ Phần nhiều do giáo dục mà nên”. 

Có thể tóm gọn lại "lương tâm" chính là đạo đức, nhân phẩm của con người. Muốn giữ được đạo đức, nhân phẩm thì phải đấu tranh để thắng mọi ý nghĩ và ham muốn xấu xa, thấp hèn.

Vậy đấu tranh như thế nào?

Ta cần làm 5 việc.

Một là, tự tu dưỡng bản thân bằng cách học người tốt, học các việc tốt, cái hay, cái đẹp trong xã hội, trong sách vở và thực tiễn. Trước hết là học tấm gương đạo đức của Bác Hồ. Học đến đâu hành đến đấy, cụ thể từ việc nhỏ đến việc lớn.

Hai là, hằng ngày phải đấu tranh chống lại mọi cám dỗ từ miếng ăn đến tiền bạc và vật chất khác như của cải, chức tước, địa vị... Nếu không có bản lĩnh sẽ rất dễ bị sa ngã. 

Ba là, mỗi người phải biết thượng tôn pháp luật. Pháp luật xét cho cùng là lẽ phải, đúng với đại đa số con người trong xã hội. Với cá nhân mình có thể còn chưa hợp ở một khía cạnh nào đó song không vì thế mà lấy mình làm trung tâm, đòi hỏi pháp luật phải chiều theo.

Bốn là, biết nghe theo lời dạy bảo của cha mẹ, thầy cô giáo (nếu còn ở tuổi học trò), lời dạy của Đức Phật, sách vở, của các bậc hiền triết, biết chấp hành các nội quy, quy chế của cơ quan (nếu là cán bộ công sở). Những lời dạy như hiếu, nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; trung hậu, yêu nước, thương nòi; từ bỏ tham, sân, si… muôn đời vẫn đúng, vẫn phải học.

Năm là, cần xử lý nghiêm những người có hành vi vô lương tâm. Xử lý bằng nhiều biện pháp như giáo dục, thuyết phục, kỷ luật, cách chức, trừ lương, đưa ra tòa… một cách công khai, đúng người, đúng tội, không có vùng cấm… 

Trở lại thực tế những người đã mắc vào tội lỗi như nêu ở trên, dù là một kẻ ít học hay cán bộ, công chức bình thường cho đến những cán bộ cấp cao, khi đứng trước vành móng ngựa đều hối hận, nhận ra sai lầm, tội lỗi của mình. Có người khóc lóc xin lỗi gia đình, cơ quan, xin lỗi Đảng và nhân dân. Tất cả đều thừa nhận không làm chủ được bản thân.

Mặc dù đã muộn nhưng trừ số ít bị án tử hình, còn lại họ đang trong tù để suy ngẫm, tự sửa mình, lấy lại lương tâm, nhân phẩm. Rồi họ sẽ được ra tù. Tôi tin họ sẽ mang theo bài học nhớ đời rằng: Đạo đức, lương tâm, nhân phẩm là quý hơn tất cả, không thể để mất. Chỉ có vậy họ mới tìm lại được chỗ đứng trong thế gian.

VĂN DUY

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lương tâm quý hơn tất cả