PAPI - Thước đo sự hài lòng của người dân

29/04/2021 06:59

Mặc dù PAPI không phải là tiếng nói của tất cả người dân trong tỉnh nhưng cũng là căn cứ quan trọng để đánh giá khả năng quản trị, điều hành cũng như tinh thần, thái độ phục vụ người dân của chính quyền các cấp.

PAPI (chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam) là chương trình nghiên cứu quan trọng về quản trị do Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam khởi xướng từ năm 2009. PAPI được xây dựng trên triết lý coi người dân như “người sử dụng hoặc khách hàng” của cơ quan công quyền, có đủ năng lực giám sát, đánh giá tính hiệu quả của quản trị và hành chính công ở địa phương. Đến hết năm 2020, khảo sát PAPI đã thu thập và phản ánh trải nghiệm của 146.233 người dân. Chỉ số PAPI nhằm thúc đẩy xây dựng quản trị hiệu quả, chủ động đáp ứng nhu cầu của người dân.

Với 8 chỉ số thành phần gồm: tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; thủ tục hành chính công; cung ứng dịch vụ công; quản trị môi trường và quản trị điện tử, PAPI thể hiện khá rõ nét, chính xác, hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh dựa trên sự trải nghiệm, đánh giá thực tế của người dân khi tương tác với chính quyền các cấp. PAPI gần như là tiếng nói công khai của người dân đánh giá về chính quyền nơi họ cư trú, sinh sống và làm việc. Thông qua PAPI, năng lực điều hành, quản lý nhà nước, khả năng thực thi chính sách và cung ứng dịch vụ công của chính quyền đã bộc lộ rõ nét. Sự đánh giá này là căn cứ để chính quyền các cấp nhìn lại mình, từ đó có những điều chỉnh để phục vụ nhân dân tốt hơn. 

Năm 2020, Hải Dương đạt tổng 42,81 điểm, nằm ở vị trí thứ 14 trong nhóm 16 tỉnh, thành phố xếp loại trung bình cao toàn quốc. Xếp trước là 16 tỉnh, thành phố ở nhóm đạt điểm rất cao. Như vậy, tính chung Hải Dương xếp thứ 30 trong số 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, giảm rất sâu so với vị trí thứ 7 của năm 2019. Nếu như năm 2019, Hải Dương có tới 3 chỉ số thành phần ở mức cao nhất và 5 chỉ số ở mức trung bình cao thì năm 2020, chúng ta không có chỉ số ở mức cao nhất, chỉ có 4 chỉ số ở mức trung bình cao trong khi 2 chỉ số ở mức trung bình thấp và 1 chỉ số ở mức thấp nhất với 2,49 điểm. Như vậy, so với năm 2019, chỉ số PAPI của tỉnh năm 2020 giảm 2,93 điểm, tụt 23 bậc.

Mặc dù PAPI không phải là tiếng nói của tất cả người dân trong tỉnh nhưng cũng là căn cứ quan trọng để đánh giá khả năng quản trị, điều hành cũng như tinh thần, thái độ phục vụ người dân của chính quyền các cấp. Là một địa phương có quá nhiều tiềm năng, lợi thế như Hải Dương, việc chỉ số PAPI, PCI (chỉ số năng lực cạnh cấp tỉnh) chỉ loanh quanh ở mức trung bình, thấp là một câu hỏi day dứt cần lời giải đáp của chính quyền và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Để PAPI của tỉnh luôn nằm trong nhóm dẫn đầu, rất cần chính sách, giải pháp căn cơ, lâu dài cũng như hành động quyết liệt của cả hệ thống chính trị. Đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, nâng cao ý thức kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ và tinh thần phục vụ nhân dân cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là giải pháp quan trọng để xây dựng thói quen vì nhân dân phục vụ. Đưa người dân về đúng vị thế người đóng thuế nuôi hệ thống công quyền. Tức người dân là những ông chủ.

LÃ VỌNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    PAPI - Thước đo sự hài lòng của người dân