Phòng cháy, chữa cháy phải thường xuyên

23/04/2021 07:09

Liên tiếp những ngày gần đây, nhiều vụ cháy xảy ra ở các nơi làm nhiều người chết. Có những vụ cả nhà chết thảm. Ngay tại tỉnh ta, vụ cháy mới đây ở Bình Giang làm một học sinh chết.

Từ vụ việc này khiến chúng ta nhớ lại vụ cháy năm trước ở xã Thanh An (Thanh Hà) cũng làm chết người và thiệt hại tài sản lớn của một gia đình.

Trên phạm vi cả nước, công tác phòng chống cháy nổ luôn "nóng" bởi những vụ cháy đã làm nhiều người chết và bị thương, thiệt hại tài sản cả nghìn tỷ đồng. Để khắc phục tình hình trên, từ ngày 24.11.2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 136/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy (PCCC) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC. Tuy nhiên, văn bản “nóng như lửa” đó đã mấy tháng nay nhiều nơi vẫn chưa phổ biến, triển khai.

Từ xa xưa, ông cha ta đã rất coi trọng việc phòng cháy nên “hỏa” xếp thứ hai trong 4 nguy cơ “thủy - hỏa - đạo - tặc”. Ngày nay, quá trình phát triển kinh tế - xã hội có rất nhiều vật liệu, nhiên liệu dễ xúc tác gây cháy nổ. Nhà nước và các cơ quan chức năng đã có nhiều luật, văn bản nhằm tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, giáo dục… về phòng chống cháy nổ, cứu nạn theo phương châm “4 tại chỗ” để hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản. Tiếc thay, việc tổ chức triển khai, thực hiện vẫn còn nhiều cơ quan, đơn vị thiếu trách nhiệm, nhất là chính quyền cấp cơ sở, người dân còn lơ là, chủ quan… dẫn đến hậu quả nhiều vụ rất nghiêm trọng.

Từ thực tế công tác PCCC nói chung và những vấn đề nổi cộm gần đây, Nghị định 136 của Chính phủ nhấn mạnh đến vai trò của Chủ tịch UBND cấp xã, người đứng đầu cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC, chủ phương tiện giao thông cơ giới… về bảo đảm an toàn PCCC, chịu trách nhiệm tổ chức và xây dựng phương án PCCC ở cơ sở.

Để bảo đảm an toàn và hạn chế thiệt hại do cháy nổ gây ra, UBND cấp xã cần có trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về công tác PCCC ở địa phương. Trách nhiệm phải được cụ thể hóa bằng các phương án, nhiệm vụ cụ thể từ ban hành đến kiểm tra, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ PCCC tới tận khu dân cư, doanh nghiệp, gia đình, đặc biệt là những hộ nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, nhà trọ của công nhân, người lao động. Cùng với đó là tổ chức tuyên truyền, giáo dục ý thức PCCC, đầu tư kinh phí, quản lý đội dân phòng cứu hỏa, cứu nạn; xây dựng và thực tập phương án cụ thể đề phòng khi có diễn biến cháy nổ thì khắc phục nhanh hậu quả…

Trong công tác PCCC thì ý thức con người quan trọng nhất. Vì thế đòi hỏi từ công tác tuyên truyền, giáo dục, chỉ đạo đến lực lượng, phương tiện, vật chất, sử dụng an toàn vật liệu cháy nổ… phải luôn sẵn sàng, ứng phó trước mọi sự cố bất thường, không để tình trạng “nước xa, lửa gần”. Như vậy, mới bảo đảm được thành quả lao động sản xuất, bảo vệ được cuộc sống yên bình, hạnh phúc của các gia đình và mỗi người.

THẾ NGUYỄN(Tứ Kỳ)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phòng cháy, chữa cháy phải thường xuyên