Quan điểm sai trái về quyền con người ở Việt Nam

13/01/2021 07:55

The World Economic đánh giá Việt Nam trở thành một trong những điểm sáng về phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có bảo đảm và thực thi quyền con người.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành, với sự chủ động, tích cực, quyết liệt, hiệu quả, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2020. Không chỉ là “ngọn hải đăng” trong phòng chống Covid-19, The World Economic đánh giá Việt Nam trở thành một trong những điểm sáng về phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có bảo đảm và thực thi quyền con người.

Tuy nhiên, vẫn với cách nhìn chưa khách quan, báo cáo thường niên về nhân quyền của Bộ Ngoại giao Mỹ lại có quan điểm sai lệch về bảo đảm và thực thi quyền con người ở Việt Nam như tước đoạt sinh mạng trái luật hoặc tùy tiện của chính quyền; sự can thiệp tùy tiện hoặc trái luật vào đời sống riêng tư; những hình thức tồi tệ nhất của hạn chế tự do biểu đạt, tự do báo chí, tự do internet...

Có thể khẳng định những nội dung trên chưa phản ánh đúng cơ sở thực tiễn và mang tính áp đặt, hoàn toàn sai sự thật. Bởi vì hệ thống pháp luật ở Việt Nam ngày càng được hoàn thiện và pháp luật về quyền con người là một thành công nổi bật. Từ khi có bản Hiến pháp đầu tiên năm 1946 đến nay, Việt Nam đã 4 lần sửa đổi Hiến pháp, trong đó quyền con người ngày càng được quy định toàn diện, đầy đủ hơn. Bản Hiến pháp năm 2013 quy định rõ nội dung quyền, các biện pháp bảo đảm cho quyền con người ở Việt Nam, trong đó có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm, bình đẳng; có quyền bình đẳng giữa các dân tộc và bình đẳng nam nữ, quyền bầu cử, ứng cử, khiếu nại, tố cáo, lập hội, tự do ngôn luận, tự do báo chí, quyền được thông tin, tự do tôn giáo, tín ngưỡng, tự do kinh doanh, sở hữu hợp pháp của cá nhân, tự do đi lại ở trong nước và ra nước ngoài, lao động, giáo dục, bảo vệ sức khỏe...

Việt Nam cũng đã gia nhập hầu hết các điều ước nhân quyền quốc tế, trong đó có các Công ước về quyền dân sự, chính trị, quyền kinh tế, xã hội, văn hóa, Công ước về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử với phụ nữ. Việt Nam là nước thứ hai trên thế giới và nước đầu tiên ở châu Á tham gia Công ước quyền trẻ em.

Ở Việt Nam hiện nay không có tù nhân chính trị, mà chỉ có tù nhân vi phạm pháp luật, chống Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa. Mọi công dân đều có quyền tự do lập hội, tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do đi lại, sinh hoạt, biểu đạt ý kiến theo quy định của pháp luật. Đặc biệt, Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong khuyến khích người dân ứng dụng, sử dụng internet, mạng xã hội, blog, website… 

Người dân Việt Nam ngày càng có điều kiện tham gia nhiều hơn vào việc xây dựng, thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước, phát triển kinh tế-xã hội thông qua các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp do chính họ lập ra để đại diện cho lợi ích của mình.

Những thành tựu trong bảo vệ, phát triển và thực thi quyền con người ở Việt Nam là kết quả của sự kết hợp giữa bản chất ưu việt, tiến bộ của chế độ xã hội chủ nghĩa với truyền thống nhân đạo, nhân văn của dân tộc Việt Nam; giữa chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam luôn đặt con người là trung tâm trong sự phát triển đất nước, với nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong thúc đẩy thực hiện quyền con người. Vì vậy, các quan điểm trong báo cáo thường niên về nhân quyền của Bộ Ngoại giao Mỹ là hoàn toàn sai lệch và thiếu thiện chí.

NGUYỄN THANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quan điểm sai trái về quyền con người ở Việt Nam