Quét “mạng nhện” trên mạng

20/10/2020 13:18

Cùng với sự phát triển hằng ngày, hằng giờ của công nghệ, “cạm bẫy” trên mạng xã hội cũng ngày một tinh vi hơn. Nếu không tỉnh táo, người dùng mạng xã hội sẽ bị rơi vào bẫy lúc nào không hay.

Trên thực tế, rất nhiều người đã bị sập bẫy trên mạng xã hội. “Ma trận” bẫy được giăng khắp nơi, bẫy tiền bạc có và bẫy tình cũng có. Các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng bây giờ không còn là chuyện hiếm, đã có người mất hàng tỷ đồng vì tin vào “bạn bè” chỉ quen qua mạng. Nhiều cô gái mới lớn cả tin cũng trở thành nạn nhân bị xâm hại, bị quấy rối từ thủ đoạn lừa đảo “kết bạn”, “làm quen”, “rủ rê” trên mạng.

Ở một góc độ khác, lại có nhiều người bị sập bẫy thông tin trên mạng khi trở thành cánh tay nối dài cho những nội dung xấu độc, kích động tiêu cực, trái pháp luật, chống phá Nhà nước… Thiếu kiểm chứng thông tin, họ lan truyền tin giả với tốc độ vẫn thường được gọi là “tay nhanh hơn não” và vi phạm kiểu này đã bị các cơ quan chức năng xử lý quyết liệt, nhất là trong quãng thời gian chống dịch Covid-19 vừa qua.

Nhưng nguy hại hơn là cạm bẫy văn hóa. Ban đầu, người dùng có cảm giác “không mất gì” khi rơi vào loại bẫy này trên mạng xã hội, chỉ là xem video cho vui, xem để giải trí, nhưng những cái bẫy trên lại âm thầm gặm nhấm một cách từ từ, chậm rãi, dần làm thay đổi nhận thức và hành vi ứng xử của người dùng mạng theo hướng tiêu cực. Đó là khi những video nhảm nhí, giật gân xuất hiện tràn lan, tiêm nhiễm vào người xem những nội dung nhố nhăng, phản cảm, đi ngược lại chuẩn mực đạo đức và thuần phong mỹ tục, trong đó ảnh hưởng không nhỏ tới sự hình thành nhân cách của trẻ em.

Những cạm bẫy như thế dường như đang không thể kiểm soát nổi khi mà việc tạo một kênh cá nhân trên các nền tảng mạng xã hội như Youtube, Facebook hay Tiktok lại đang trở nên quá dễ dàng. Trẻ em làm Youtube. Người già cũng làm Youtube. “Giang hồ mạng” nổi lên khắp nơi… Để lôi kéo người xem, câu like (lượt thích) với mục đích kiếm tiền quảng cáo chia sẻ từ các mạng xã hội, chủ kênh không từ bất kỳ chiêu trò “chế” ra các nội dung độc lạ, giật gân, sẵn sàng bóp méo văn hóa Việt bằng những kiểu troll (chọc ghẹo, chơi khăm) nhảm nhí nhất.

Vấn đề là những video clip giật gân kích động như vậy luôn thu hút được rất đông lượt người xem, lượt like, lượt chia sẻ, trong đó đa phần là giới trẻ. Thật đáng lo ngại khi không ít người trong số đó cổ súy cho những hành vi phản cảm, thách thức thêm những chiêu trò để các chủ kênh nối dài sự nhảm nhí của mình… Thậm chí nhiều bạn trẻ còn thần tượng “giang hồ mạng” như những người hùng. Câu chuyện chắc chắn sẽ càng trở nên khó lường hơn khi tới đây học sinh được nới lỏng việc sử dụng điện thoại trong trường học…

Trước phản ánh của báo chí và dư luận xã hội, Thủ tướng Chính phủ mới đây đã yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xử lý những video có nội dung nhảm nhí, giật gân tràn lan trên mạng xã hội. Có thể xem đây là một gợi mở để cơ quan chức năng nghiên cứu áp chế tài đủ mạnh đối với các video xấu độc.

Nhìn sang một số quốc gia khác, họ không ngần ngại xử lý mạnh tay đối với các mạng xã hội vi phạm quy định hoạt động, thậm chí cấm hoạt động vĩnh viễn, nếu phát hiện sự dung túng cho các nội dung xấu độc, kích động bạo lực, thù hận…

Sau cùng, một liệu pháp quan trọng mà người dùng mạng xã hội có thể chủ động, đó là hãy biết tự nói “không” với những video xấu độc, dù điều này thực sự cần thời gian và quyết tâm cao độ. Phụ huynh cũng cần quan tâm quản lý, hướng dẫn, giáo dục con em mình khi tham gia mạng xã hội, để mạng xã hội mở ra bầu trời tri thức và không gian giải trí tích cực cho các em, đúng như ý nghĩa của internet và mạng xã hội buổi sơ khai.

TRUNG SƠN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quét “mạng nhện” trên mạng