Từ chuyện giải cứu dứa ở Đài Loan

16/05/2021 07:02

Chuyện kêu gọi nông dân giải cứu nông sản khi khó tiêu thụ không mới nhưng cách làm của Đài Loan thì cũng có thể giúp chúng ta rút ra bài học kinh nghiệm để áp dụng vào thực tế ngay vụ vải thiều tới.

Việc giải cứu dứa ngoạn mục của Đài Loan vừa qua khiến không ít người nghĩ ngay đến câu chuyện kêu gọi cộng đồng hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản thường gặp ở Việt Nam.

Lâu nay nông dân Đài Loan trồng dứa chủ yếu để bán cho người dân Trung Quốc Đại lục. 97% thị phần dứa của Đài Loan được xuất khẩu sang thị trường này. Nhưng thật bất ngờ, khi vụ thu hoạch dứa của Đài Loan đã đến thì Trung Quốc lại ban hành lệnh cấm nhập khẩu dứa từ đây với cáo buộc “phát hiện sinh vật gây hại”. Thị trường tiêu thụ dứa lớn nhất bị đóng cửa, nguy cơ dứa phải đổ bỏ hiện hữu. Ngay lập lức người đứng đầu cơ quan đối ngoại Đài Loan đã lên Twitter phát động chiến dịch “Dứa tự do”, kêu gọi người dân trong nước mua dứa. Ông cũng gợi ý nông dân bán dứa trên mạng xã hội. Kết quả không ngờ là chỉ sau 4 ngày, nông dân Đài Loan đã nhận được đơn đặt hàng 41.687 tấn dứa từ hơn 180 doanh nghiệp, các nhà buôn, nhà xuất khẩu, tập đoàn nước ngoài và người tiêu dùng..., vượt qua kim ngạch xuất khẩu dứa sang Trung Quốc Đại lục năm 2020.

Điều đáng nói ở đây là cách mà Đài Loan làm để cứu quả dứa. Trước tiên người lãnh đạo đã sớm vào cuộc. Sau đó, nông dân đã biết tận dụng các trang mạng xã hội để giới thiệu và bán nông sản. Nếu như trước kia người dân chỉ biết mua dứa ở các chợ, siêu thị hay cửa hàng thì nay họ có thể mua của nông dân thông qua đặt hàng trên mạng. 

Các sàn thương mại điện tử được tận dụng tối đa để giới thiệu dứa Đài Loan đến nhiều quốc gia trên thế giới. Kết quả, dứa Đài Loan đã xuất khẩu được sang Nhật Bản, Mỹ, Singapore…, giá trị quả dứa cao hơn nhiều so với xuất sang Trung Quốc. Nhiều doanh nghiệp Đài Loan còn xuất khẩu được cả bánh dứa, một đặc sản của nơi này.

Chuyện kêu gọi nông dân giải cứu nông sản khi khó tiêu thụ không mới nhưng cách làm của Đài Loan thì cũng có thể giúp chúng ta rút ra bài học kinh nghiệm để áp dụng vào thực tế ngay vụ vải thiều tới. Trước tình hình dịch Covid-19 trong nước và thế giới còn diễn biến phức tạp, rất có thể việc xuất vải sang Trung Quốc, một trong những thị trường tiêu thụ vải lớn của Hải Dương cũng bị gián đoạn. Thậm chí ngay cả việc tiêu thụ quả vải ở trong nước cũng sẽ gặp khó khăn do nhiều tỉnh, thành phố sẽ “ngăn sông, cấm chợ” để phòng dịch. Vì thế, ngay thời điểm này, Thanh Hà, Chí Linh, hai vựa vải lớn của tỉnh cần quan tâm tìm giải pháp, lường trước những khó khăn để tìm ra cách tốt nhất để quả vải không bị ùn ứ.

Thời gian qua, có thể thấy Hải Dương đã rút ra được bài học khi quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc nên đã tìm hướng cho quả vải xuất khẩu đi nhiều thị trường khác. Thậm chí quả vải còn được xuất sang những thị trường khó tính và cho giá trị cao hơn. Vụ vải năm nay, một trong những nét mới là quả vải sẽ được bán ở nhiều sàn thương mại điện tử như Alibaba.com, Voso.vn, Sendo.vn và Lazada.vn. Cách làm này cần thiết để thích ứng với điều kiện dịch bệnh hiện nay. Quả vải có thể trao tận tay người dùng thông qua đội ngũ giao hàng mà không cần người dân phải ra chợ, nơi tập trung đông người, hạn chế lây lan dịch bệnh. Về lâu dài cách làm này cũng cần được phát triển ngay cả khi dịch bệnh được kiểm soát và nhân rộng với nhiều sản phẩm khác của Hải Dương. Đáng quan tâm hơn là nông dân cũng cần tận dụng những trang mạng xã hội, các phần mềm trực tuyến để giới thiệu và bán sản phẩm như người dân Đài Loan. 

Để làm được điều này đòi hỏi nông dân phải chịu khó học hỏi, trau dồi kiến thức. Hội Nông dân hoặc các đơn vị liên quan có thể mở các khóa học kinh doanh online cho nông dân. Điều này khá mới nhưng trong bối cảnh hội nhập hiện nay lại rất cần thiết. Các sàn thương mại điện tử của tỉnh do Sở Công thương quản lý không chỉ kết nối tiêu thụ trong nước mà còn phải đảm nhiệm việc quảng bá, tìm kiếm các khách hàng lớn từ nước ngoài...

HẢI MINH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Từ chuyện giải cứu dứa ở Đài Loan