Mạc Hiển Tích là ai?

31/03/2023 08:00

Vốn là nhân vật có nhiều đóng góp cho lịch sử nhưng do ghi chép chưa đúng của một cuốn sách, có người dân ở TP Hải Dương đề nghị đổi tên phố Mạc Hiển Tích.


Phố Mạc Hiển Tích, phường Hải Tân (TP Hải Dương)

Không trùng khớp

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã nhận được công văn của UBND TP Hải Dương xin đổi tên phố Mạc Hiển Tích ở phường Hải Tân. Có người dân trên địa bàn phường đưa dẫn chứng, theo cuốn "Nghìn năm Vương triều" do tác giả Hoàng Đình Long biên soạn, Nhà xuất bản Lao động in và phát hành năm 2006, tại trang 112, 113 viết: “Bấy giờ còn có việc Mạc Hiển Tích là người đỗ đầu khoa thi năm Bính Dần (1186), được vời vào làm thầy dạy văn học cho vua trẻ, lâu ngày thành ra có tình ý với Đỗ Thái hậu. Tháng 3 năm Canh Tuất (1190), chuyện lộ ra ngoài, vua sai lính ở Phụng Quốc vệ bắt Mạc Hiển Tích giam vào đại lao rồi sai Thái phó là Ngô Lý Tín và Đô quan lang trung là Lê Năng Trường xét xử vụ việc của thiếu sư... Vua Cao Tông biết các quan còn sợ Hiển Tích nên phải tự xuống chiếu đày Mạc Hiển Tích đi trại Quy Hoá”.

Về thân thế, sự nghiệp của Mạc Hiển Tích đã có rất nhiều công trình nghiên cứu. "Lịch triều hiến chương loại chí" tập 3 của sử gia Phan Huy Chú bản do Nhà xuất bản Trẻ Hà Nội in năm 2014 (trang 59), "Từ điển nhân vật lịch sử" của các tác giả Đinh Xuân Lâm, Trương Hữu Quýnh, Phan Đại Doãn, Trương Thâu, Bùi Tuyết Hương, Nhà xuất bản Giáo dục Hà Nội xuất bản năm 1997 (bản điện tử, trang 510)... đều thống nhất nội dung: Mạc Hiển Tích quê làng Lũng Động, huyện Chí Linh, đỗ đầu khoa thi năm Bính Dần, niên hiệu Quảng Hựu thứ 2 (1086) đời vua Lý Nhân Tông. Ông được bổ chức Hàn lâm viện học sĩ, thăng đến chức Thượng thư, có tài chính trị và ngoại giao, được vua cử đi sứ Chiêm Thành.

Tại các cuốn sách và tài liệu của tỉnh như cuốn "Tiến sĩ nho học Hải Dương" (1075-1919) của Hội đồng chỉ đạo biên soạn địa chí tỉnh, xuất bản năm 1999, do ông Tăng Bá Hoành chủ biên, "Hải Dương di tích và danh thắng" do Sở Văn hóa - Thông tin xuất bản năm 1999 (trang 216-218) và Hồ sơ di tích đền Long Động (xã Nam Tân, huyện Nam Sách) đều ghi: quê hương Mạc Hiển Tích làng Lũng Động (nay là thôn Long Động, xã Nam Tân, huyện Nam Sách). Sau khi mất, ông được dân làng tôn làm Phúc thần, dựng đền thờ tự cùng với hai vị đại khoa họ Mạc là Mạc Kiến Quan (?-?) (là em ruột Mạc Hiển Tích, làm quan đến chức Thượng thư bộ Công) và Mạc Đĩnh Chi (1272 -1346) cháu của Mạc Hiển Tích, đỗ Trạng nguyên khoa Giáp Thìn, niên hiệu Hưng Long 12 (1304) đời Trần Anh Tông. Đền Long Động đã được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 1995.

Qua đối chiếu với các nguồn tư liệu chính sử thì các sự kiện viết về nhân vật Mạc Hiển Tích được nêu trong cuốn sách "Nghìn năm Vương triều" có những sai sót về niên đại và thời gian. 

Các công trình nghiên cứu, sách đều ghi Mạc Hiển Tích thi đỗ năm Bính Dần (1086) còn cuốn "Nghìn năm Vương triều" ghi Mạc Hiển Tích thi đỗ năm Bính Dần (1186). Thực tế, năm 1186 là năm Bính Ngọ. 

Cuốn "Nghìn năm Vương triều" ghi “Tháng 3 năm Canh Tuất (1190), chuyện lộ ra ngoài...”. Đối chiếu với năm Mạc Hiển Tích thi đỗ là năm Bính Dần (1086), thì vào năm 1190 Mạc Hiển Tích đã hơn 100 tuổi. Giả sử năm 20 tuổi, Mạc Hiển Tích thi đỗ, thì khi vụ án bị lộ ra ngoài, Mạc Hiển Tích đã 124 tuổi. Trong cuốn "Đại Việt sử ký toàn thư" (trang 414) ghi “Canh Tuất, năm thứ 5 (1190), mùa xuân tháng giêng, Hoàng thái hậu Đỗ thị băng”. Năm vụ án bị lộ (1190) cũng là năm Đỗ Thái hậu mất và khi ấy Mạc Hiển Tích cũng đã trở thành người “xưa nay hiếm”.

Như vậy, những chi tiết viết về nhân vật Mạc Hiển Tích trong cuốn sách "Nghìn năm Vương triều" của tác giả Hoàng Đình Long không phải là nhân vật thường được nhắc đến trong lịch sử. 

Quy trình chặt chẽ

Việc đặt tên, đổi tên đường phố trên địa bàn tỉnh được thực hiện theo Quyết định số 13/2014/QĐ-UBND ngày 5.6.2014 của UBND tỉnh.

Chị Phạm Thị Vân Anh, công chức văn hóa phường Hải Tân cho biết hằng năm UBND phường đều triển khai việc đặt tên đường, tên phố theo hướng dẫn của cấp trên. Để được đặt tên, tuyến phố đó phải dài ít nhất 300 m, mặt cắt từ 7 m trở lên. Các khu dân cư làm đơn đề nghị lên phường, phường làm tờ trình gửi lên UBND TP Hải Dương và thành phố làm tờ trình đề nghị gửi UBND tỉnh giải quyết theo thẩm quyền. 

Phố Mạc Hiển Tích thuộc khu 10, khu 14 (phường Hải Tân) được đặt tên theo Quyết định số 27/QĐ - UBND ngày 21.9.2009 của UBND tỉnh. Tuyến phố dài 500 m, chiều rộng 13,5 m, điểm đầu là đường Thanh Niên, điểm cuối là phố Lý Anh Tông. Việc đặt tên phố Mạc Hiển Tích được thực hiện đúng quy định, tên phố Mạc Hiển Tích được sử dụng trong Ngân hàng tên đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn tỉnh năm 2008, theo mục danh nhân lịch sử của Hải Dương. Những năm qua, việc quản lý hành chính cũng như các thủ tục hành chính và giao dịch của nhân dân ở đây đã được gắn liền với tên phố Mạc Hiển Tích. 

Tin tưởng vào việc lựa chọn và đặt tên các tuyến phố, ông Phạm Quang Minh, Trưởng khu dân cư 14 (phường Hải Tân) cho biết: "Tôi tin chắc khi tên các nhân vật lịch sử, danh nhân được lựa chọn để đặt tên đường, tên phố đã được cơ quan chức năng thẩm định kỹ lưỡng, không có chuyện một nhân vật không xứng tầm lại được lựa chọn. Trong các cuộc họp của khu, tổ dân phố sắp tới, chúng tôi sẽ tuyên truyền để người dân nắm được các quy định cũng như thân thế, sự nghiệp của Mạc Hiển Tích". Một số người sống ở đây lâu năm cũng hoàn toàn đồng thuận khi sử dụng tên Mạc Hiển Tích để đặt tên cho tuyến phố. "Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, đây là nhân vật lịch sử có tiếng, được nhân dân thờ phụng nên chúng tôi không có ý kiến về việc đổi tên phố", ông Đào Đoàn Hưởng ở số nhà 57 cho biết.

THANH HÀ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mạc Hiển Tích là ai?