3 cây vải thiều Thanh Hà ở đất Tổ

04/05/2023 11:12

Hợp với đất Tổ, 3 cây vải thiều Thanh Hà lớn nhanh, đơm đầy hoa thơm, kết nhiều trái ngọt và được dâng cúng thần linh, vua Hùng, các bậc tiền bối có công với nước, với dân.


Hợp đất Tổ, cây vải thiều Thanh Hà phát triển nhanh khiến nhiều người bất ngờ

Hợp đất

Cuối năm ngoái, về tham quan khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Hùng - chốn Tổ của con dân nước Việt ở TP Việt Trì (Phú Thọ), tôi bất ngờ khi thấy 3 cây vải phát triển xanh tốt, cao lớn, nổi bật nhất trong khu vườn trồng hàng chục loại cây ăn quả, phong cảnh nằm ngay cạnh nhà làm việc của Ban Quản lý. Hỏi mới biết đó là 3 cây vải thiều được chiết từ huyện Thanh Hà.

Chị Phạm Thị Hoàng Oanh, Phó Giám đốc Ban Quản lý khu di tích quốc gia đặc biệt Đền Hùng vẫn nhớ ngày 8.1 năm Mậu Tuất 2018 - thời điểm mà một doanh nhân quê Hải Dương gọi điện đặt vấn đề xin trồng 3 cây vải tại đất Tổ. “Vườn có đa dạng các loại cây ăn quả, phong cảnh mang đặc trưng khắp các tỉnh, thành phố như nhãn lồng Hưng Yên, bưởi Diễn Hà Nội, na dai Lạng Sơn, hoa ban Sơn La, mai Yên Tử (Quảng Ninh)… nhưng sau khi rà soát thì thấy chưa có vải thiều Thanh Hà. Lãnh đạo Ban Quản lý khu di tích đã bàn và nhất trí về đề xuất của người này. Diện tích vườn cây không lớn nên chúng tôi chỉ cho trồng những loại cây có nhiều ý nghĩa và đặc trưng”, chị Hoàng Oanh thông tin.

Hợp đất chốn Tổ, 3 cây vải thiều Thanh Hà lớn nhanh như thổi. Cán bộ, nhân viên Ban Quản lý cũng bất ngờ, không nghĩ 3 cây vải thiều trồng sau nhưng lại phát triển nhanh hơn tất cả các loại cây khác trồng trước đó một vài năm. Nhiều loại cây như na, bưởi, cam… cùng trồng ở khu vực với 3 cây vải thiều Thanh Hà đã mấy năm nhưng thân khẳng khiu, cằn cỗi, tán chưa phát triển, có vẻ không hợp đất ăn. Ngược lại, 3 cây vải lúc mới trồng chỉ cao chừng 80 cm, đường kính 5 cm nhưng sau 6 năm đã cao hơn 4 m, thân to bằng bắp chân, cành lá xum xuê, tràn đầy nhựa sống. 


Vụ này, cả 3 cây vải thiều trên đất Tổ tiếp tục đơm hoa, kết trái

Mấy hôm vừa rồi, tôi gọi điện thoại cho chị Hoàng Oanh hỏi về 3 cây vải vụ này thế nào. Chị đáp: “Mùa xuân vừa rồi lộc lá xanh tươi. Hiện cả 3 cây đều sai trĩu quả non. Vụ vải này có lẽ sẽ lại cho thu đầy quả ngọt”. Cả 3 cây vải được nhân viên Ban Quản lý trân trọng, trông nom, chăm sóc cẩn thận. Họ lên mạng đọc những tài liệu phổ biến kỹ thuật chăm sóc cây vải thiều và áp dụng vào thực tiễn. 

Tự hào 

Theo lãnh đạo Ban Quản lý khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Hùng, đây là năm thứ tư liên tiếp 3 cây vải thiều Thanh Hà ra hoa, kết trái. 3 vụ vải trước, cả 3 cây đều sai trĩu quả đỏ mọng. Nhiều du khách lần đầu tận mắt thấy vải thiều Thanh Hà không khỏi tò mò, tới gần ngắm nhìn, chụp ảnh lưu niệm. Đứng từ trên tầng 2 nhà làm việc Ban Quản lý khu di tích nhìn xuống thấy 3 cây vải như những mâm xôi, quả chín mọng, trông thật đẹp mắt.

Đợi lúc vải chín rộ, cán bộ, nhân viên Ban Quản lý khu di tích hào hứng gọi nhau ra thu hái. Họ cẩn thận lựa những chùm vải sai, quả to mọng, thơm ngon nhất để dâng cúng tại các điểm di tích từ Đền Hạ, Đền Trung (Hùng Vương Tổ miếu), Đền Thượng, Lăng Hùng Vương đến Đền Giếng, Đền Tổ mẫu Âu Cơ.


2 trong 3 cây vải thiều Thanh Hà được trồng tại Ban Quản lý khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Hùng. Ảnh Ban Quản lý khu di tích cung cấp

Chị Đào Thị Ngọc Tuyết, Trưởng Phòng Tổ chức - Hành chính Ban Quản lý khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Hùng kể: “Ngay sau khi hái, chúng tôi buộc từng chùm vải cho gọn gàng, bày thành mâm to, đầy đặn rồi dâng cúng thần linh, vua Hùng và các bậc tiền bối có công với nước, với dân. Chưa nhiều loại quả trong vườn ở đây có chất lượng, được dùng làm lễ dâng cúng tại đất Tổ trong mấy năm liên tục như vải thiều Thanh Hà. Tôi nghĩ đây là niềm vinh dự, tự hào của người Hải Dương”. 

Sau khi thắp hương, Ban Quản lý khu di tích xin vải trên ban thờ cho cán bộ, nhân viên cùng thụ lộc. Một phần được bày ở phòng khách để mời các đoàn du khách trong và ngoài nước đến tham quan, dâng hương chiêm bái. Anh Nguyễn Văn Lý, Phó Trưởng Phòng Bảo vệ và Quản lý rừng Ban Quản lý khu di tích chia sẻ: “Vụ đầu tiên, 3 cây vải thiều Thanh Hà cho thu hoạch cũng là lần đầu tôi được tận tay thu hái, thưởng thức thứ quả đặc sản này. Giống vải Thanh Hà mỏng vỏ, dày cùi, ăn ngọt thanh, mùi thơm ngon hơn và không bị chát như một số loại vải ở nơi khác. Những du khách đến đây vào mùa thu hoạch, lần đầu được ăn quả vải thiều Thanh Hà đều tấm tắc khen ngon”.

Không muốn tiết lộ danh tính, nhưng khi trao đổi qua điện thoại, vị doanh nhân tặng 3 cây vải thiều Thanh Hà cho khu di tích tỏ ra rất vui mừng khi cả 3 cây đều phát triển tốt, đơm hoa, kết trái nơi đất Tổ linh thiêng. Năm nào người này cũng cùng gia đình về đây dâng hương, chiêm bái, thăm lại 3 cây vải do tự tay mình trồng.

MẠNH TIẾN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    3 cây vải thiều Thanh Hà ở đất Tổ