[Audio] Người Nghĩa Phú ở thành phố Cảng

15/05/2023 06:00

Hàng trăm năm trước, người dân thuộc 5 dòng họ ở thôn Nghĩa Phú, xã Cẩm Vũ (Cẩm Giàng) đã ra xã An Lư, huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) sinh cơ lập nghiệp.

00:00


Cụm di tích thờ Đại danh y, Thiền sư Tuệ Tĩnh làm thành hoàng tại xã An Lư, huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng)

Những đời con cháu sau này tiếp tục phát triển, góp phần đưa An Lư thành một trong những xã giàu có của huyện Thủy Nguyên.

Bén rễ ở đất Cảng

Những lúc căng thẳng với công việc kinh doanh, anh Trần Văn Sơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tổng công ty CP Dịch vụ công nghiệp Gia Đức thường tản bộ trong vườn lan để thư giãn. Vườn lan của anh rộng cả trăm mét vuông, mà theo anh Sơn, lúc cao điểm, có giò lan trị giá lên đến vài chục tỷ đồng. Chơi lan, ngắm lan là một cái thú của vị doanh nhân sinh năm 1972 này.

Tổng công ty CP Dịch vụ công nghiệp Gia Đức đang sở hữu Hoàng Sơn building - tòa nhà cao tầng biểu tượng cho sự thịnh vượng của xã An Lư. Công ty có thế mạnh về khai khoáng và cảng thủy nội địa với năng lực bốc xếp lên đến 11 triệu tấn/năm. Đây là một trong ba doanh nghiệp toàn diện ở An Lư về sử dụng lao động, doanh thu, đóng ngân sách nhà nước, an sinh xã hội trong và ngoài TP Hải Phòng. Hơn 200 cán bộ, người lao động ở đây không ai có mức thu nhập thấp hơn 10 triệu đồng mỗi tháng, chưa kể các giám đốc, lái máy... thì thu nhập còn cao gấp nhiều lần. Có đến hơn 70% số thủy thủ, thuyền viên trong công ty là người An Lư, có gốc gác từ làng Nghĩa Phú. Năm 2009, Tổng công ty CP Dịch vụ công nghiệp Gia Đức được xướng tên tại "Lễ tôn vinh doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam vàng", báo công với Chủ tịch nước. Năm 2018, anh Trần Văn Sơn được Chủ tịch nước vinh danh do có thành tích đồng hành với ngư dân.

"Huyện Thủy Nguyên có 2 thị trấn, 35 xã, thì người An Lư nổi tiếng với sự đoàn kết, tương trợ. Chúng tôi luôn tự hào về nguồn gốc Nghĩa Phú, về sự gây dựng của các thế hệ cha ông đi trước", anh Trần Văn Sơn cho biết.

Xã An Lư có vị trí quan trọng về kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của huyện Thủy Nguyên. Đến hết năm 2022, xã có 15.388 nhân khẩu. Từ năm 2021, với chủ trương thành lập TP Thủy Nguyên, năm 2022, xã An Lư đã giải phóng mặt bằng thành công dự án nâng cấp đường tỉnh 395 đoạn đi qua khu hành chính của xã với 254 hộ và 3 tổ chức. Khi huyện Thủy Nguyên trở thành thành phố trực thuộc TP Hải Phòng, xã An Lư sẽ trở thành phường. Hiện nay, tỷ trọng ngành thương mại, dịch vụ ở An Lư chiếm trên 70% cơ cấu kinh tế chung, toàn xã có trên 500 hộ hoạt động thương mại, dịch vụ. Trong đó, Hiệp hội Vận tải đoàn kết An Lư là một tổ chức mạnh về phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người dân. Hiện nay, hiệp hội có 95 hội viên là công ty, doanh nghiệp hội viên và các chủ tàu.

Cách đây trên 1.000 năm, vùng đất An Lư ngày nay đã có dân cư đến sinh sống. Sau 2 lần đánh tan quân Nam Hán và Nguyên Mông trên sông Bạch Đằng, từ năm 938 - 1288, nhà nước phong kiến đều có chính sách khuyến khích dân chúng các nơi đến vùng ven biển khai hoang, mở mang đồng đất, đồng thời tạo lực lượng tại chỗ để bảo vệ biên cương. Vì thế, suốt hàng trăm năm, vùng đất ven sông Cấm, Bạch Đằng đã trở thành nơi hội cư của người dân ở khắp các vùng quê. Đây cũng là cách giải thích về sự có mặt của người dân thuộc 5 dòng họ ở làng Nghĩa Phú tại đây. Thời phong kiến, người dân An Lư có truyền thống học hành, đỗ đạt cao, làng có 3 tiến sĩ và nhiều cụ tú, cụ đồ. Do có nhiều người học hành đỗ đạt, xã An Lư xưa được chọn làm nơi xây dựng Từ văn của huyện Thủy Đường. “Hằng năm xuân thu hai kỳ toàn huyện về hội tế”- sách Đồng Khánh dư địa chí ghi.

Theo một số sử liệu, trong đó có thần phả được soạn năm Hồng Phúc thứ nhất (1572), triều vua Lê Anh Tông ghi nguồn gốc nhân dân làng Xưa (là xã An Lư hiện tại) là Nghĩa Lư (tục gọi là làng Xưa), ở xã Nghĩa Phú, tổng Văn Thai, huyện Cẩm Giàng, trấn Hải Dương. Có tài liệu ghi, cụ tổ họ Phạm, vốn là một thương gia, cùng các bạn thuộc họ Nguyễn, Bùi, Vũ, Hoàng đi qua vùng đất phía đông huyện Thủy Đường, nhận thấy nơi đây đất đai rộng rãi, đã đồng lòng chọn nơi ở mới.

Có một điều đặc biệt ở An Lư bây giờ, rất nhiều địa danh được ghi theo tên ở quê cũ là làng Nghĩa Phú: Đồng Kênh, Đồng Dã, Mái Dạ, Chân Lương, Đầu Đường, Ngõ Cổng. Song đặc biệt nhất là chợ Xưa ở xã An Lư. Chợ Xưa là chợ thuộc loại lớn nhất trong vùng, là đầu mối buôn bán thủy hải sản. Chợ họp buổi chiều để phù hợp với đặc điểm sản xuất của người dân An Lư thường đi làm thông từ 8 đến 15 giờ. Trong chương trình "Chiếc nón kỳ diệu" của VTV trước đây từng có 1 câu đố "Chợ duy nhất ở Hải Phòng có phiên họp vào sáng mùng 1 Tết", đó chính là chợ Xưa.

Chợ Tết mùng 1 đông vui, người người gặp gỡ chúc nhau một năm mới an lành, mùa màng tươi tốt. Truyền thống này được người dân duy trì hàng trăm năm qua, đã trở thành một nét văn hóa độc đáo, một địa chỉ du lịch hấp dẫn của An Lư...


Những thế hệ sau của các dòng họ có gốc gác từ làng Nghĩa Phú ở thành phố Cảng luôn đoàn kết, tương trợ nhau và đều giỏi làm kinh tế

Không quên nguồn cội

Những người con An Lư có gốc gác từ làng Nghĩa Phú dù đã trải qua hàng trăm năm nhưng chưa bao giờ thôi nhớ về nguồn cội. Họ đã lấy tên làng quê cũ đặt cho làng quê mới. Ở An Lư và làng Nghĩa Phú bây giờ đều thờ chung một thành hoàng là Đại danh y, Thiền sư Tuệ Tĩnh. Miếu Đồng Sim được dựng tại đồng Sim - nơi khởi điểm buổi đầu lập ấp của dân làng Xưa, thờ Đại danh y Tuệ Tĩnh. Năm 1948, do miếu xuống cấp, việc thờ Đại danh y được chuyển về đình Cả, nhưng sau đó được chuyển sang miếu Hồ. Lần cuối Đại danh y lại được chuyển về phối thờ tại đền An Bạch. Còn miếu Cầu Xưa thờ bà Đào Thị Tuyết Lan, người trang Thủy Đường, đã dành tiền bạc, công sức tổ chức dựng cầu, lập bến qua sông Đầm Dài, giúp nhân dân đi lại làm ăn thuận tiện.

Hiện nay, đình Cả vẫn còn lưu đôi câu đối về Tuệ Tĩnh, nội dung dịch như sau: "Giỏi văn, giỏi võ, giỏi thuốc, lưu truyền trong vũ trụ/ Là phật, là tiên, là thánh để lại bức tượng thanh cao".

Việc Đại danh y, Thiền sư Tuệ Tĩnh đã từng qua lại vùng đất An Lư hay chưa cũng có nhiều tranh luận. Có người cho rằng, Đại danh y, Thiền sư Tuệ Tĩnh trước khi đi sứ nhà Minh bằng đường biển đã dừng chân tại đây. Hiện ở An Lư có tục truyền rằng, trong 6 năm đầu tổ chức dân chúng khai khẩn đất đai, trong điều kiện sinh sống đầy khó khăn, khắc nghiệt của vùng sông nước hoang vu, lau sậy, dân làng liên tiếp mắc các dịch bệnh nguy hiểm, mọi người trong làng hoang mang, lo sợ, định bỏ về quê cũ. Khi bình tâm nhớ về quê nhà có bài thuốc bằng cây cỏ, đã sao vàng, sắc đặc, hạ thổ truyền nhau đem uống, quả nhiên dịch bệnh bị đẩy lùi, đời sống nhân dân trở lại bình yên. Bài thuốc hay đó do chính Đại danh y, Thiền sư Tuệ Tĩnh truyền lại.

Có một điều thú vị là người An Lư ngày nay chỉ mới tìm về được cố hương cách đây khoảng 30 năm, từ thông tin trên bia ký và một số thư tịch còn sót lại. Khi người An Lư tìm về, người làng Nghĩa Phú đã dang tay đón nhận dòng máu thân tình đi xa trở lại. Để bây giờ, đã thành truyền thống, mỗi năm trước khi diễn ra lễ hội đền Xưa, người Nghĩa Phú lại cùng các cán bộ của huyện Cẩm Giàng trịnh trọng ra mời dân xã An Lư về dự lễ. Hằng năm, đoàn cán bộ, nhân dân xã An Lư đều có mặt trong ngày hội làng truyền thống, trừ những năm có dịch Covid-19 vừa qua. Ngược lại, hằng năm vào dịp lễ hội ở xã An Lư, nhân dân thôn Nghĩa Phú cũng đều có mặt.


Hoàng Sơn building - tòa nhà biểu tượng cho sự thịnh vượng của xã An Lư - chủ sở hữu là một doanh nhân có gốc gác từ làng Nghĩa Phú

"Những người con của Nghĩa Phú đều vui mừng khi bà con An Lư dù xa quê nhưng luôn nhớ nguồn cội và giỏi làm kinh tế. Hằng năm, 2 bên đều qua lại thăm hỏi ân tình như những người ruột thịt. Đây là một điều rất quý mà hai bên đang ra sức duy trì, giáo dục con cháu về truyền thống này", ông Nguyễn Văn Bàng, Bí thư, Trưởng thôn Nghĩa Phú cho biết. 

Vốn là Phó Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Thủy Nguyên, luân chuyển về làm Bí thư Đảng ủy xã An Lư, đồng chí Nguyễn Văn Hiếu đã dày công tìm hiểu về mối liên hệ đặc biệt giữa người dân xã An Lư và người làng Nghĩa Phú. Tại lễ hội đền Xưa năm 2023, đồng chí Nguyễn Văn Hiếu xúc động nói: "Nghĩ về thế hệ ông cha từ hơn 700 năm trước, chúng tôi bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới Đại danh y, Thiền sư Tuệ Tĩnh và các thế hệ tiền bối đã soi đường, mở lối, dẫn dắt tương lai, tạo tiền đề quan trọng để có một xã An Lư phát triển như ngày hôm nay". 

Hiện nay, trong phát triển kinh tế, người dân xã An Lư luôn đoàn kết, tương trợ lẫn nhau cùng vượt qua các giai đoạn khó khăn. Đội tàu sông, biển của An Lư có tổng trọng tải trên 400.000 tấn, năng lực vận tải gần 5 triệu tấn/năm, hoạt động vận tải Bắc - Nam và trong vùng biển quốc tế Đông Nam Á. Các doanh nghiệp trong xã đã tạo việc làm ổn định cho khoảng 1.800 lao động, với thu nhập từ 10 triệu đồng/người/tháng trở lên.

Người An Lư ngày nay mang nhiều nét đặc trưng của người dân vùng sông nước, khảng khái, thẳng thắn, ăn sóng nói gió, không chịu khuất phục trước bất kỳ khó khăn nào. Và điều đặc biệt, họ luôn nhớ về nguồn cội, nhớ công lao các tiền nhân của mình đã ra khai hoang lập ấp.

 TIẾN HUY

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    [Audio] Người Nghĩa Phú ở thành phố Cảng